Thủ tướng lưu ý VNPT '4G phải ra 4G'

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu VNPT tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, "4G phải ra 4G".

thu tuong luu y vnpt 4g phai ra 4g
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 15/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tại buổi làm việc, lãnh đạo VNPT đã giải trình, làm rõ về 3 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao đã quá hạn mà chưa hoàn thành. Cùng với đó, báo cáo về 5 nội dung mà Thủ tướng mong muốn Tập đoàn có bước phát triển mới.

Giảm 6.000 nghìn lao động sau tái cơ cấu

Theo Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long, năm 2016 là năm đầu tiên VNPT hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh mới và đã đạt những kết quả hết sức khả quan. Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.380 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2015. VNPT đã giảm 6 nghìn lao động, riêng khối cơ quan tham mưu giảm từ 500 người còn 300 người.

Giải trình về các nhiệm vụ quá hạn mà trước hết là công tác thoái vốn, xử lý các doanh nghiệp kém hiệu quả, ông Phạm Đức Long cho biết nhìn chung, VNPT gặp khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Ngoài những vướng mắc liên quan tới chính sách như việc bán cổ phần theo lô, còn có những nguyên nhân như thủ tục phá sản các đơn vị yếu kém mất nhiều thời gian. Yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước cũng không dễ thực hiện.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Tài chính Bưu điện, VNPT đã đàm phán với nhiều đối tác, dù mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa được chấp thuận, hiện vẫn đang tiếp tục tìm phương án xử lý.

Về nhiệm vụ đẩy mạnh các bệnh viện trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ, ông Long cho biết Bệnh viện Bưu điện Hà Nội đã tự chủ 100% và năm 2016 đã đạt kết quả khả quan, lợi nhuận tăng 13%. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPCHM chưa tự chủ được hoàn toàn, thậm chí như Bệnh viện Phục hồi chức năng tại Hải Phòng rất khó khăn và VNPT đang tính tới phương án đưa Bệnh viện này về trực thuộc Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, sau đó xin phép cổ phần hóa.

Tin nhắn rác giảm từ 100.000 xuống còn 2.000 mỗi ngày

Về những nội dung Thủ tướng lưu ý, ông Phạm Đức Long cho biết, vấn nạn sim rác, tin nhắn rác đã giảm đáng kể. Nếu trước Tết, trung bình mỗi ngày trong hệ thống VNPT có khoảng 100.000 tin nhắn rác, thì nay chỉ còn khoảng 2.000 tin nhắn trên 30 triệu thuê bao.

Tập đoàn cũng hết sức cương quyết trong việc xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm trong đăng ký sim rác, như chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp ủy quyền, khóa các đại lý đăng ký sai, đã điều chuyển 3 giám đốc, hạ lương 18 đơn vị vi phạm…

VNPT đã xây dựng trung tâm an toàn thông tin mạng và sắp tới sẽ triển khai dịch vụ này. Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hiện đầu tư cho lĩnh vực này khoảng 600-700 tỷ đồng mỗi năm. VNPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được sợi quang.

Về góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, trong thời gian qua Tập đoàn đã thực hiện rất quyết liệt, cho tới nay đã xây dựng được hệ sinh thái bộ giải pháp công nghệ thông tin cho xây dựng Chính phủ điện tử trong các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế…

Tuy nhiên, lãnh đạo VNPT cho biết hiện cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin vẫn chưa cụ thể, cần được tháo gỡ. Tập đoàn này cũng kiến nghị cho phép thành lập một đơn vị trực thuộc tập đoàn chuyên phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao…

VNPT cần nghiêm khắc hơn với chính mình

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết ông “trung thành” sử dụng mạng Vinaphone, nhưng khi vào vùng sâu, vùng xa vẫn bị mất sóng, trong khi sóng mạng khác nơi nào cũng “đầy căng”. Đây là ví dụ cụ thể cho thấy “nếu Tập đoàn không tạo sự khác biệt thì rất khó cạnh tranh”, Thứ trưởng Thừa nói.

Còn Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, hiện các bộ ngành đang xây dựng Nghị định thay thế Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về thuê công nghệ thông tin, sắp tới sẽ mời các doanh nghiệp góp ý vì chỉ doanh nghiệp mới nắm rõ nhất vướng mắc ở chỗ nào.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm thì cho rằng, lãnh đạo Tập đoàn vẫn tập trung quá nhiều vào các lý do khách quan khi nói về những nhiệm vụ chậm trễ. “Tôi đồng tình là có lý do khách quan như vướng mắc cơ chế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo giải quyết như về việc thoái vốn, nhưng các đồng chí cần nghiêm khắc hơn với chính mình, nguyên nhân chủ quan là gì?”, ông Phan Tâm phát biểu.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT cần tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tái cơ cấu đã đạt được tích cực, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn thấp không những so với khu vực mà ngay cả so với trong nước, nguyên nhân sâu xa là chưa tích cực đổi mới, cạnh tranh.

Tiếp thu các ý kiến này, ông Phạm Đức Long cho biết VNPT đang thuê 4 nhà tư vấn hàng đầu thế giới để xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới và sẽ trình trong thời gian tới.

Quyết chống lợi ích nhóm khi thoái vốn

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá VNPT đã giải trình nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm về các vấn đề đặt ra, các nhiệm vụ chậm trễ.

Đề nghị VNPT tiếp tục tiếp thu các ý kiến thành viên Tổ công tác và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ tái cơ cấu là nhiệm vụ xuyên suốt của VNPT và đã đạt kết quả khá rõ. “Mặc dù doanh thu năm 2016 chỉ tăng 7% nhưng lợi nhuận tăng hơn 20%. Doanh thu tăng mà lợi nhuận, hiệu quả không tăng thì chẳng giải quyết vấn đề gì”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị VNPT tiếp tục hết sức quan tâm, triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ liên quan tới tái cơ cấu, thoái vốn ngoài ngành. Đặc biệt, muốn thoái vốn được thì phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, không thoái vốn bằng mọi giá. “Trong tái cơ cấu, thoái vốn, cần có lộ trình, giải pháp, kế hoạch cụ thể, làm sao không có lợi ích nhóm, tham nhũng, mang lại lợi ích cao nhất cho nhà nước, người lao động”, Bộ trưởng đề nghị.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, VNPT cần tiếp tục góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Đặc biệt có chiến lược nghiên cứu căn cơ, phát triển, cung cấp các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, máy tính, cạnh tranh được trong và ngoài nước...

“Các bộ ngành, VPCP sẽ hết sức hỗ trợ Tập đoàn, các khó khăn vướng mắc phải sớm được phát hiện để tháo gỡ cho doanh nghiệp. VNPT cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo theo hướng một tập đoàn mạnh về công nghệ thông tin, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, 4G phải ra 4G, được người tiêu dùng đánh giá tốt”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thu-tuong-luu-y-vnpt-4g-phai-ra-4g-16551.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/