Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có lặp lại kịch bản năm 2018?

Hai năm tăng điểm, GDP tăng trưởng mạnh, đồ thị kỹ thuật là những yếu tố khá tương đồng của VN-Index năm 2018 và hiện tại. Kịch bản lặp lại là điều không ai mong muốn nhưng lường trước cả những tình huống xấu nhất là cách quản trị rủi ro tốt nhất.

Kịch bản 2018 liệu có lặp lại?

Thị trường trong nước có phiên kiểm tra đáy tháng 4 thành công nhờ lực cầu vào bắt đáy ở nhóm bluechips khi VN-Index có lúc giảm hơn 36 điểm. Độ rộng thị trường tương đối tích cực với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần. Ngoài ra, đóng góp lớn vào phiên ngược dòng của thị trường là hoạt động mua ròng từ khối ngoại.

Dù vậy, một phiên tăng cũng chưa làm thay dổi xu hướng của thị trường hiện tại, nhất là khi VN-Index đã có lúc rơi về ngưỡng 1.330 điểm, tức giảm gần 300 điểm kể từ vùng đỉnh lịch sử 1.520 điểm.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia cao cấp, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho rằng VN-Index ở hai giai đoạn 2018 và 2022 đang có khá nhiều điểm giống nhau.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia cao cấp, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt. (Ảnh chụp màn hình).

Đầu tiên là nhịp điều chỉnh, cả hai đều bắt đầu từ tháng 4 và đều bắt nguồn từ thông tin liên quan đến VN-Index có hai năm trước đó tăng rất mạnh. Hai năm tăng liên tiếp với việc hầu hết các nhà đầu tư tham gia thị trường đều thắng đã tạo ra một mặt bằng giá vô cùng cao.

Đỉnh của năm 2018 nhọn nhưng có lẽ đỉnh của năm 2022 sẽ tù hơn bởi quá trình phân phối của năm 2022 bất ngờ hơn rất là nhiều so với năm 2018, vùng phân phối của 2022 rộng và dài trong cả tháng.

Ngoài ra, các sự kiện quốc tế tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018 có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn năm 2022 có cuộc chiến của Nga và Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khắc sâu thêm vết thương đại dịch COVID-19 vừa trải qua trong hai năm trước.

Đặc biệt, giá năng lượng cũng tăng rất mạnh nhưng giá dầu của năm 2018 không tăng mạnh như năm nay, tất cả đã làm đe doạ CPI có khả năng mất kiểm soát ra khỏi con số 4%. Khi giá tăng, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện nhiều rủi ro thì điều hành chính sách phải siết chặt hơn về mặt dòng tiền

Bên cạnh đó, một điểm lặp lại nữa là Fed tăng lãi suất. Năm 2018, Fed tăng lãi suất bốn lần thì năm 2022 Fed cũng đã tăng lãi suất trở lại, mức tăng gần nhất đang là 0,5 với dự kiến sang kỳ họp tháng tới sẽ tăng tiếp một nhịp 0,5, thậm chí là 0,75. Những điều này tác động mạnh vào chi vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia.

Năm 2018 và năm 2022, thị trường đều có bước giảm và bước sang thị trường con gấu. Nếu VN-Index không thể hồi được ở vùng này thì rất có thể sẽ có nhịp giảm mạnh nữa trước khi có nhịp hồi lên.

Năm 2018, việc tạo đáy của thị trường rơi vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Theo ông Hoàng, tính theo chỉ số tạo đáy của năm 2018 thì VN-Index sẽ về vùng thấp nhất là P khoảng 15. Nếu VN-Index thủng vùng này thì vùng hỗ trợ tiếp theo có thể nhìn ở vùng 1.200. Và nếu kịch bản xấu nữa thì thậm chí thủng cả vùng 1.200 tuy nhiên khả năng xảy là khá thấp.

Đâu là điểm khác biệt giữa hai giai đoạn 2018 và 2022?

Dù có nhiều điểm tương đồng nhưng ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định 2018 và 2022 vẫn là những thời điểm rất khác nhau. Dưới góc độ quy mô của nền kinh tế, quy mô của thị trường và khả năng chống chịu của nền kinh tế thì nền kinh tế hiện nay của Việt Nam đang được chính phủ điều hành tốt hơn rất nhiều so với thời điểm các con sóng giảm năm 2018.

Ngoài ra, quy mô thị trường cũng đã lớn hơn nhiều so với con số của năm 2018 vì vậy tuy bối cảnh vĩ mô có nhiều dấu hiệu tương tự nhưng ta vẫn có thể kỳ vọng mức sụt giảm của thị trường và sức chống chịu sẽ không giảm sâu như năm 2018.

Vùng 1.200 được coi là vùng hỗ trợ rất cứng của thị trường bởi đó là vùng đỉnh cũ mà VN-Index rất nhiều lần mới vượt qua được. Hiện nay, định giá đang rơi vào khoảng 14 với forward cho năm 2022 là mức 12. Nếu VN-Index giảm về vùng 1.200 thì định giá của P/E foward cho cả năm 2022 sẽ về vùng 11 - một mức chiết khấu vô cùng hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán khi đã giảm mạnh giống như vết thương sâu cần phải có thời gian lành. Dòng tiền quay lại, kể cả của nhà đầu tư nhỏ, chắc chắn trở nên rụt rè hơn nhưng dòng tiền thông minh luôn luôn lựa chọn những cổ phiếu tốt và cổ phiếu có nền tảng đi lên. Đặc biệt, khi các cổ phiếu tốt và có nền tảng đó lại có mức chiếu khấu về vùng rất hấp dẫn thì đấy thực sự sẽ là cơ hội tuyệt vời.

Căn cứ vào kết quả kinh doanh quý I cũng như bối cảnh vĩ mô Việt Nam vừa qua thì vẫn có một số nhóm ngành đạt kết quả kinh doanh vô cùng xuất sắc, ví như nhóm thuỷ sản, dệt may hay ngân hàng. Với mức chiết khấu mạnh, nếu thị trường giảm về vùng hỗ trợ thì ta có thể cân nhắc, xem xét những cổ phiếu như vậy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ndt-lo-ngai-kich-ban-nam-2018-se-lap-lai-chuyen-gia-chi-ra-nhung-diem-khac-biet--202251195453186.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/