Thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực là chuyện thường tình

Thị trường chứng khoán như một cỗ máy luôn hướng về phía trước. Nếu quá khứ và hiện trạng tăm tối nhưng triển vọng tương lai xán lạn, thị trường vẫn sẽ vững bước tiến lên.

Chứng khoán Việt Nam đi lên từ đại dịch

Đầu năm 2020, chỉ số VN-Index cắm đầu giảm 33,5% trong hai tháng, chạm đáy 659 điểm vào ngày 24/3. Sau vài phiên hồi phục ngắn, thị trường lại tụt xuống sát 662 điểm vào phiên 30/3.

Cuối tháng 3/2020 cũng chính là khoảng thời gian dịch COVID-19 đợt đầu tiên đang lan rộng tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ phải liên tiếp ban hành hai chỉ thị số 15 về giãn cách xã hội và số 16 về cách ly xã hội để ngăn dịch.

Từ 31/3 đến 22/4, cả nước phải cách ly theo Chỉ thị 16. Trên bầu trời chỉ có vài chuyến bay mỗi ngày, đường xá ở các đô thị lớn cũng vắng vẻ đìu hiu, hàng quán đóng cửa, trường lớp cho học sinh ở nhà, …

Đây là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với cả nước Việt Nam. Các ca bệnh mới được phát hiện hàng ngày, cơ quan chức năng cũng như người dân chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với COVID-19, giới doanh nghiệp cũng lúng túng trước cú sốc quá lớn và bất ngờ, tâm lý lo sợ lan rộng, …

Bất chấp tất cả, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thăng hoa trong những ngày giãn cách. Từ kết phiên 30/3 đến hết ngày 20/4, VN-Index bật tăng 20%.

Chỉ số chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực là chuyện thế gian thường tình - Ảnh 1.

Diễn biến này của thị trường chứng khoán cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy hiện trạng lúc đó khá tăm tối nhưng "sau cách ly trời lại sáng", nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân sẽ được hưởng lợi.

Những số liệu thực tế đã chứng minh niềm tin của nhà đầu tư được đặt đúng chỗ. Tốc độ tăng trưởng GDP xuống đáy trong quý II/2020 ở mức 0,39%, sau đó đã bật lên 2,69% trong quý III và 4,48% trong quý IV. Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế tăng trưởng dương tới 2,91% trong năm COVID đầu tiên.

Thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực là chuyện thường thấy - Ảnh 1.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong quý I/2020 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, quý II giảm 12,5%, quý III chỉ còn giảm 2,3% và đến quý IV thì tăng vọt 15,6% so với quý cuối năm 2019 khi chưa xuất hiện đại dịch, thống kê của VNDirect từ 750 công ty cho thấy.

Bước sang quý I/2021, theo ước tính của VNDirect từ 577 doanh nghiệp chiếm 79% vốn hóa toàn thị trường, lợi nhuận ròng tăng trưởng tới 81% so với mức nền thấp trong quý I/2020. Kể cả khi so với quý I/2019 khi chưa có dịch, lợi nhuận quý đầu năm nay vẫn tăng tới 49%.

Ngoại trừ một số ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực như du lịch, hàng không, đa phần các lĩnh vực khác như chứng khoán, ngân hàng, sắt thép, dầu khí … đều ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội.

Từ ngày đầu tiên của đợt cách ly xã hội vào tháng 3/2020, những dòng tiền lớn, dòng tiền thông minh dường như đã nhìn ra cơ hội phục hồi kinh tế và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy có đôi lần thị trường xảy ra bán tháo mỗi khi dịch bệnh tái bùng phát, nhưng không ai có thể phủ nhận xu thế chủ đạo là đi lên.

Chỉ số VN-Index được đẩy từ khoảng đáy 660 điểm vào cuối tháng 3 lên đến hơn 1.100 điểm vào ngày cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 67% trong 9 tháng.

Thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực là chuyện thường thấy - Ảnh 2.

Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu thêm hai đợt COVID-19 nữa. Đợt 3 từ 28/1 đến 26/4, bao trùm cả kì nghỉ Tết Tân Sửu. Đợt 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay chưa dứt.

Trong bối cảnh đó, VN-Index vẫn lầm lũi tiến lên, phá đỉnh cũ 1.204 điểm, vượt mốc 1.300 điểm và lên tới 1.374 điểm vào phiên 4/6, tăng 24,5% so với đầu năm. Diễn biến này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng nếu đối chiếu đợt tăng ấn tượng bắt đầu vào cuối tháng 3/2020 thì lại trở nên rất bình thường.

Việt Nam hiện nay đã tích lũy cho mình một kho kinh nghiệm về cách ly - truy vết - điều trị COVID-19; vắc xin đã bắt đầu được triển khai; việc giãn cách xã hội được tiến hành có chọn lọc ở một số nơi có nguy cơ cao chứ không bao trùm cả nước, qua đó giảm tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng liên tiếp được tung ra; hàng trăm nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới mỗi tháng, …

Việc nhà đầu tư kỳ vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn và đẩy thị trường liên tiếp lên đỉnh mới là có cơ sở.

Chứng khoán Mỹ phá đỉnh bất chấp mọi biến cố

Nói chuyện thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực thì không thể không nhắc tới nước Mỹ.

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng tạo đáy vào khoảng ngày 23/3/2020 tương tự như VN-Index của Việt Nam. Khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải miễn cưỡng ra lệnh giãn cách xã hội để ngăn dịch lây lan, sau nhiều tuần coi thường mức độ nguy hiểm của COVID-19.

Đến tháng 12, dịch bệnh bùng phát cực kỳ dữ dội, mỗi ngày trôi qua nước Mỹ lại có thêm trên 200.000 ca dương tính mới và khoảng 2.000 – 4.000 người tử vong. Bệnh viện khắp nơi bị quá tải, vắc xin chưa được triển khai, hơn 20 triệu người thất nghiệp, …

Tai ương về y tế cũng như kinh tế ở Mỹ còn tồi tệ hơn ở Việt Nam rất nhiều lần.

Ấy vậy nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn phá hết đỉnh nọ đến đỉnh kia. Dow Jones kết năm ở 30.606 điểm, tăng 65% so với đáy hồi tháng 3 và cao hơn cả mức kỷ lục trước dịch. S&P 500 cũng vọt lên tới 68% trong 9 tháng.

Thị trường chứng khoán lệch pha với nền kinh tế thực là chuyện thường thấy - Ảnh 3.

Theo tờ Washington Post, các nhà đầu tư luôn suy nghĩ về tương lai. Tháng 12/2020, ngân hàng Goldman Sachs dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm 2021 – mức cao nhất kể từ 1984. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thì dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm từ đỉnh 14,7% trong tháng 4/2020 xuống còn 5% trong 2021, tức là thêm hàng triệu người có việc làm.

Các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận doanh nghiệp sẽ nhảy vọt trong nửa sau của năm nay và cổ phiếu vẫn là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn vì lãi suất quá thấp, khiến nhiều người không muốn gửi ngân hàng hay mua trái phiếu. 

Trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhiều người đã mở tài khoản chứng khoán trực tuyến, tạo nên những cơn sốt cổ phiếu meme như GameStop, AMC, BlackBerry, ....

Đó là còn chưa kể đến việc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ liên tiếp tung ra các gói cứu trợ tài khóa quy mô 5.000 tỷ USD, Fed thì giữ lãi suất điều hành gần 0 suốt từ tháng 3/2020 cho đến nay, đồng thời bơm ra thị trường đều đặn 120 tỷ USD mỗi tháng.

Chỉ cần một phần những khối tiền này chảy vào thị trường chứng khoán cũng đủ sức đẩy các chỉ số lên đỉnh.

Ông Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty môi giới LPL Financial nhận định: "Thị trường cổ phiếu luôn hướng về phía trước chứ không quan tâm đến chuyện đang diễn ra ở hiện tại hay đã xảy ra trong quá khứ. Phần lớn nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán thăng hoa trong năm 2020 là kỳ vọng của nhà đầu tư về một cuộc phục hồi kinh tế ngoạn mục trong năm 2021 sau khi vắc xin được triển khai".

Một nguyên nhân quan trọng nữa là cách thức xây dựng các thước đo. Chỉ số S&P 500 có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ khá lớn, mà nhóm công nghệ lại được hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu làm việc từ xa cũng như giải trí tại nhà trong thời gian phong tỏa.

Đa phần doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đều thuộc lĩnh vực sản xuất, còn động lực tăng trưởng GDP của Mỹ những năm trước lại là nhóm dịch vụ. Trong đại dịch, khu vực dịch vụ chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề vì các quy định giãn cách còn khu vực sản xuất vẫn cầm cự tương đối tốt, đưa chỉ số chứng khoán vượt lên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chi-so-chung-khoan-lech-pha-voi-nen-kinh-te-thuc-la-chuyen-the-gian-thuong-tinh-20210617001740366.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/