TCT Phong Phú: Cánh chim đầu đàn của ngành dệt may vì sao cứ mãi cam phận 'ăn bám' liên doanh?

Trái ngược với vẻ bề ngoài hào nhoáng, thực chất bên trong hoạt động của Tổng công ty Phong Phú đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Những năm gần đây, các nhà phân tích đã rất  vọng rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thặng dư khi mà Việt Nam gia nhập sâu vào các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra mang lại nhiều hứa hẹn sẽ tạo rao một lợi thế lớn về thuế quan đối với sản phẩm dệt may từ Việt Nam.

Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, đơn vị thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) có bề dày hoạt động hơn 50 năm, được xem là cánh chim đầu đàn của ngành dệt may Việt Nam cũng nhận được rất nhiều vọng sẽ cùng ngành dệt may Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế.

Thế nhưng, khác hẳn với vẻ bề ngoài hào nhoáng, thực chất bên trong hoạt động của Tổng công ty này đang ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019, lợi nhuận của Tổng CTCP Phong Phú (Mã: PPH) đã sụt giảm mạnh so với cùng năm trước do cạnh tranh khắc nghiệt tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Doanh thu quí II của Phong Phú đạt 1.029 tỉ đồng, tăng 2,5% so với cùng nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 64 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của Phong Phú đạt 1.808 tỉ đồng, tăng 7,7% nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 153 tỉ đồng, giảm 4,4% so với cùng .

PPH kqkd

HĐQT Tổng công ty Phong Phú (nguồn BCTC, ảnh Huy Nguyên)

Trong khi đó, chi phí quản lý, chủ yếu là chi phí lương của Tổng công ty này tăng mạnh đến 31,3% lên 105 tỉ đồng trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm là một sự thiếu hợp lý mà doanh nghiệp này không đưa ra lời giải trình cụ thể.

Trong 6 tháng, khoản lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết đã mang về cho Tổng công ty 203 tỉ đồng, nhờ vậy mà Tổng công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đạt 132 tỉ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng 2018. Điều đó cho thấy, nếu không nhờ vào khoản lợi nhuận được chuyển về từ các công ty liên doanh liên kết thì Phong Phú gần như phải chịu lỗ.

Cả hệ thống đang sống dựa vào liên doanh với Coats Plc

Phong Phú hiện là công ty mẹ của CTCP Dệt Đông Nam (60,99%), CTCP Dệt May Nha Trang (51,97%) và CTCP Dệt may Quảng Phú (71%). Đồng thời, Tổng công ty cũng đang góp vốn tại 10 doanh nghiệp liên doanh liên kết và đầu tư góp vốn vào một loạt doanh nghiệp khác.

Ngay tại ngày 30/6, TCT Phong Phú ghi nhận mức đầu tư 488 tỉ đồng vào các công ty liên doanh liên kết, tăng 75 tỉ đồng so với đầu năm, các khoản góp vốn vào các doanh nghiệp khác giữ nguyên mức 125 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hầu hết liên doanh với các đối tác trong nước đều có chung một cảnh ngộ là hoạt động hoặc chỉ cầm chừng, hoặc thua lỗ.

A1

Nguồn: Huy Nguyên

Riêng Công ty TNHH Coats Phong Phú - liên doanh được thành lập năm 1989 với Tập đoàn Coats Plc từ nước Anh là hoạt động hiệu quả. 

Coats Phong Phú là công ty chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ hàng may mặc và giày da xuất khẩu, nơi mà Phong Phú hầu như chỉ tham gia với tính chất cầu nối đưa Coats Pls vào Việt Nam nhưng đây chính là đơn vị đóng góp lợi nhuận chủ lực của Tổng Công ty.

Với giá trị đầu tư ghi sổ 85 tỉ đồng, chiếm 35% vốn nhưng mỗi năm liên doanh này mang về cho Phong Phú hàng trăm tỉ tiền cổ tức. Trong 6 tháng đầu năm, 35% vốn tại Coats Phong Phú đã giúp Phong Phú ghi lãi 210 tỉ đồng. 

Điều đó cho thấy, một mình liên doanh này "gồng gánh" toàn bộ lợi nhuận của công ty liên doanh liên kết và cả Tổng công ty.  Vấn đề này đã tồn tại trong suốt một thời gian dài tại Phong Phú: Vì sao các công ty con, và các công ty liên kết khác của Phong Phú lại hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ?

Đầu tư bất động sản nhưng lợi nhuận đã ở đâu?

Sau khi cổ phần hóa năm 2019, TCT Phong Phú vẫn là công ty con có quy mô lớn nhất của Vinatex (nắm 51% vốn điều lệ). 

Hai cổ đông lớn khác đầu tư vào Phong Phú đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) là CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản Dương Trần và Công ty TNHH Xây dựng Phong Đức.

Ở lĩnh vực kinh doanh BĐS, cuối năm 2017, TCT Phong Phú đã thoái toàn bộ 26,9% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú, công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư BĐS. Hai nhà đầu tư tổ chức đã tham gia đấu giá là Công ty TNHH Xây dựng Phong Đức – cổ đông lớn của TCT và Công ty CP Xây lắp 6 đã chi khoảng 67,5 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng số cổ phần trên.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm 30/6, TCT Cổ phần Phong Phú vẫn đang ghi nhận 93 tỉ đồng phải thu ngắn hạn và 66,6 tỉ đồng cho vay (đã giảm 95 tỉ đồng so với đầu năm) từ CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú. Ngoài ra, khoản mục "khoản thu các tổ chức cá nhân khác" cũng ghi nhận 98 tỉ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia và 46 tỉ đồng tiền lãi cho vay.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Tổng công ty đã thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú từ cuối năm 2017 nhưng đến nay vẫn đang bị doanh nghiệp này chiếm dụng một nguồn vốn lớn như vậy trong khi công ty phải đi vay và trả lãi hơn trăm tỉ đồng mỗi năm?

Sau khi thoái vốn tại CTCP Đầu tư Phong Phú, hiện TCT Phong Phú đang còn 3 doanh nghiệp liên kết khác trong lĩnh vực đầu tư bất động sản là CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD Sài Gòn, CTCP Phát triển nhà Phong Phú Daewon Thủ Đức và CTCP Đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô. 

Tuy nhiên, chỉ có liên doanh Phong Phú Daewon Thủ Đức báo lãi gần 2 tỉ trong 6 tháng đầu năm, 2 doanh nghiệp còn lại ghi lỗ nhẹ.

Không những vậy, TCT Phong Phú cũng là cái tên liên quan đến những sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Mới đây, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng Dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 cho TCT Phong Phú.

Theo đó, UBND TP yêu cầu Sagri và TCT Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây và "cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau".

Nguyên nhân là do Năm 2016, Sagri dưới thời ông Lê Tấn Hùng là Tổng giám đốc đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B có diện tích gần 37.000 m2 cho TCT Phong Phú không qua đấu giá với mức chỉ 168 tỉ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2 được Thanh tra TP HCM xác định là thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Đồng thời, việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cũng bị cho là vi phạm Nghị định 91 của Chính phủ. Việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với TCT Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri và ngược lại có lợi cho Phong Phú.

Như vậy, giả sử nếu được hưởng lợi từ giá trị chuyển nhượng thấp của Sagri thì lợi nhuận của TCT Phong Phú đáng lý phải có sự đột biến từ nguồn thu BĐS. Tuy nhiên, lợi nhuận của TCT Phong Phú những năm qua cũng chỉ được đóng góp từ chính Coats Phong Phú. Vậy thì tiền đã đi đâu?

No vay PPH

Nợ vay của PPH không những không giảm mà thậm chí còn tăng thêm (Ảnh Huy Nguyên)

Trong khi đó, các khoản nợ vay của Phong Phú thì ngày càng "nảy nở" đã tiêu tốn hơn trăm tỉ đồng lãi vay mỗi năm. Với quy mô ngày càng phình to, nếu không thể kiểm soát tốt từng đồng vốn sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường.

Giờ đây, nhiều người đang tự hỏi không hiểu vì sao một doanh nghiệp có bề dày và tài sản lớn như Tổng công ty Phong Phú lại không thể phát triển xứng tầm mà ngày càng phụ thuộc sâu vào phần lãi được chia từ một liên doanh với đối tác nước ngoài cách đây tới 30 năm?

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tong-cong-ty-phong-phu-canh-chim-dau-dan-cua-nganh-det-may-vi-sao-cu-mai-cam-phan-an-bam-lien-doanh-20190804232505652.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/