Tập đoàn Trung Nguyên: 'Đỉnh cao' mâu thuẫn, 'đáy sâu' lợi nhuận

Biên lãi gộp của Trung Nguyên tiếp tục sụt giảm từ 38% xuống còn 31% trong năm 2018, chi phí bán hàng tăng gần 20% khiến lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với năm 2017.

Tập đoàn Trung Nguyên: Đỉnh cao mâu thuẫn, đáy sâu lợi nhuận  - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Ảnh: VnExpress)

Trong khi mâu thuẫn vợ chồng ông Đặng Lê Nguyễn Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong giai đoạn cao trào, doanh thu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) lại tiếp tục chạm đến mốc kỷ lục mới.

Năm 2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Trung Nguyên đạt 4.842 tỉ đồng, tăng gần 400 tỉ đồng so với năm 2017. Tuy nhiên cũng giống như tình trạng của những năm trước, giá trị chiết khấu hàng bán cao khiến cho Trung Nguyên chỉ còn lại 4.360 tỉ đồng doanh thu thuần. Tính toán của chúng tôi cho thấy, tỉ lệ chiết khấu hàng bán trên tổng doanh thu của Trung Nguyên đã tăng từ 7% lên 11% trong vòng 5 năm.

Theo quan sát, hiệu suất sinh lời của Trung Nguyên tiếp tục giảm mạnh, cụ thể là chỉ số biên lãi gộp hoạt động giảm từ 38% xuống còn 31%; trước đó trong năm 2016, chỉ số này của công ty lên tới 41%.

Nếu như nhìn vào thị trường cà phê thế giới, có lý do để có thể lý giải hiện tượng trên. Kể từ khi đạt mức đỉnh cuối năm 2016, cho đến thời điểm kết thúc năm 2018, giá cà phê đã giảm 27%. Và nếu nhìn xa hơn đến năm 2015, con số giảm lên tới 45%.

Tập đoàn Trung Nguyên: Đỉnh cao mâu thuẫn, đáy sâu lợi nhuận  - Ảnh 2.

Biểu đồ giá cà phê 5 năm (Nguồn: Business Insider)

Giai đoạn giá cà phê thế giới giảm, trùng với thời điểm Trung Nguyên rơi vào cảnh "nội bộ lục đục" và ông Vũ đi thiền định, điều này khiến nhiều người nghi vấn về việc có phải hoạt động của một trong những Tập đoàn cà phê hàng đầu của Việt Nam gặp vấn đề.

Chính ông Vũ cũng phải thừa nhận trong buổi trao đổi với giới truyền thông gần đây, mâu thuẫn vợ chồng giữa ông và bà Thảo chính là nút thắt khiến Tập đoàn chững lại, không phải do nhóm nào thao túng.

Quay trở lại năm 2018, bên cạnh lợi nhuận gộp sụt giảm, chi phí bán hàng của Trung Nguyên tiếp tục tăng 19% lên 725 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9% lên 353 tỉ đồng. Những yếu tố trên kéo lợi nhuận trước thuế Tập đoàn chỉ còn 347 tỉ đồng, giảm một nửa so với năm 2017.

Tập đoàn Trung Nguyên: Đỉnh cao mâu thuẫn, đáy sâu lợi nhuận  - Ảnh 3.

BM tổng hợp

Trong những năm qua, Trung Nguyên của ông Vũ chi hàng trăm tỉ đồng cho mua sắm phương tiện vận chuyển, cụ thể là các siêu xe. Tại thời điểm kết thúc năm 2017, nguyên giá mua xe lên tới gần 500 tỉ đồng, là loại tài sản cố định lớn thứ hai của Tập đoàn chỉ sau máy móc thiết bị sản xuất.

Ông Vũ từng lý giải, việc mua xe là để phục vụ công tác truyền thông, làm hình ảnh cho Tập đoàn, nếu so tổng chi phí truyền thông của Trung Nguyên cho tổng doanh thu, tỷ lệ rất bình thường. Mặt khác, nếu làm truyền thông bình thường, tiền sẽ mất đi, nhưng đầu tư vào siêu xe thì vẫn còn đó.

Trái với công ty mẹ, hai công ty con trong hệ thống của Tập đoàn Trung Nguyên cũng đang cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong hiệu quả kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên đạt 28 tỉ đồng, gấp 2,8 lần; lợi nhuận trước thuế của CTCP Cà phê Trung Nguyên đạt 161 tỉ đồng, gấp 1,6 lần năm trước đó.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-trung-nguyen-giam-50-2019061106521485.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/