Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) lãi hơn 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng, đề xuất cơ cấu cân đối 3 trụ cột 'cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ'

Kết quả 9 tháng đầu năm của GVR cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận của cả tập đoàn gần như đi ngang so với cùng kỳ, trong đó, cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm bán mủ cao su đều gặp khó khăn.

Ngày 16/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đỗ Hữu Huy đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn và một số nội dung liên quan đến Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025.

Lãi hơn 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng

Tại cuộc họp, lãnh đạo GVR đã công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu toàn tập đoàn là 18.397 tỷ đồng, lợi nhuận 4.408 tỷ (không công bố rõ là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế), lần lượt tăng 2% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu công ty mẹ là 1.927 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 876 tỷ, tăng 1% và 2%.

Nửa đầu năm, doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của GVR là 10.481 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đã soát xét là 2.493 tỷ. Như vậy tính riêng trong quý III, GVR thu về 7.916 tỷ đồng, tăng 28% so với quý III/2021.

Theo kế hoạch năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt là 29.707 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, tập đoàn đã thực hiện được 62% và 83% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết, trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của riêng Công ty mẹ Tập đoàn còn bao gồm dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính là 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất của GVR vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, trong trường hợp vì lý do khách quan, hai nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn năm 2022. 

 Ông Trần Công Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: GVR).

Khó khăn ở cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo GVR cho biết xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã tạo làm giá dầu, lạm phát tăng cao, tạo ra những thách thức, cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động tập đoàn.

Ngoài ra, các tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào tắc nghẽn..., cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của GVR. Thực tế, cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của tập đoàn đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong lĩnh vực đầu tư, với mô hình hiện nay của Tập đoàn, Công ty mẹ chủ yếu đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp khác và nguồn thu chủ yếu từ lợi nhuận, cổ tức chia (công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính) và từ thoái vốn khoản đầu tư tài chính theo sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Tại ngày 30/6, GVR đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết với giá gốc 1.995 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 2.373 tỷ đồng. Bên cạnh đó tập đoàn đầu tư hơn 385 tỷ góp vốn vào các đơn vị khác, nhưng dự phòng 23 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, GVR chỉ thu được hơn 6 tỷ đồng từ cổ tức, lợi nhuận được chia.

Về khối nông nghiệp, cao su chiếm tỷ trọng về vốn đầu tư, doanh thu. Mặc dù những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực nhưng tới nay thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của tập đoàn.

Tại lĩnh vực hoạt động khu công nghiệp (KCN), mức lợi nhuận khá tốt nhưng quy mô còn nhỏ, quỹ đất cho thuê hiện hữu cơ bản hết, nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước. Trong khi các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III..., vẫn đang trong gia đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai đầu tư.

Với khu vực chế biến gỗ ngoài việc gặp khó khăn về thị trường thì năm 2022, nguồn gỗ phân bổ của tập đoàn bị giới hạn nên hoạt động chế biến gỗ càng khó khăn.

Ở khối công nghiệp cao su, chi phí đầu vào như nhiên liệu, chất đốt tăng cao, thị trường có biến động lớn theo chiều hướng xấu, đặc biệt, nguồn thu của CTCP VRG Khải Hoàn (công ty chuyên sản xuất găng tay cao su) năm 2022 giảm mạnh so với tăng trưởng đột biến của năm 2021 (năm 2021 lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, năm 2022 chỉ có khả năng hoà vốn).

Khối ngành nghề khác không có tăng trưởng đột biến, trừ hoạt động của khối thủy điện, các nhà máy phát điện bị giới hạn về công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện, giá bán điện nên cũng đi ngang, cơ bản không có tăng trưởng.

Thị trường cao su không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của tập đoàn. (Ảnh minh họa: GVR).

Cơ cấu lại theo hướng cân đối 3 trụ cột Cao su - Khu công nghiệp - Chế biến gỗ

Để đảm bảo tập đoàn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, GVR đang xây dựng để trình CMSC Đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, theo hướng: Tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả, không cần thiết nắm giữ (kể cả công ty đang hoạt động hiệu quả).

Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành. Bên cạnh đó sẽ thực hiện thoái vốn, giảm vốn (mua cổ phiếu quỹ, hoàn trả vốn góp cho các cổ đông) trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án KCN, cụm công nghiệp trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ (đây là các lĩnh vực GVR có lợi thế) nhằm đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa 3 trụ cột “Cao su - Khu công nghiệp - Chế biến gỗ”.

Với định hướng tái cơ cấu toàn diện, tập đoàn sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (lãi do thoái vốn) để bổ sung/hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn.

Về lâu dài, Công ty mẹ và cả tập đoàn sẽ có nguồn thu ổn định với biên lợi nhuận cao từ các dự án Khu công nghiệp/cụm công nghiệp, dự án chế biến gỗ khi các dự án đầu tư mới này đước đưa vào vận hành, hoạt động, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển chung của tập đoàn giai đoạn 2026 – 2030.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc GVR cho biết, mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong vòng 5 năm tới là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tap-doan-cao-su-viet-nam-gvr-lai-hon-4400-ty-dong-sau-9-thang-de-xuat-co-cau-can-doi-3-tru-cot-cao-su-khu-cong-nghiep-che-bien-go-202292001258572.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/