|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Nga không chặn tín hiệu GPS mà vẫn để tên lửa của Ukraine tung hoành?

14:21 | 09/08/2022
Chia sẻ
Tên lửa dẫn đường chính xác bằng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) được phía Ukraine sử dụng đã gây nhiều thiệt hại cho phía Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, Moscow vẫn chưa hề có động thái gây nhiễu hay tấn công vào hệ thống GPS.

Sức mạnh của GPS

Theo The Economist, những mặt hố trên cầu Antonovsky tại thành phố Kherson cho thấy sức mạnh của vũ khí chính xác. Cây cầu là một trong hai tuyến đường duy nhất còn sót lại để vào hoặc ra khỏi thành phố qua sông Dnipro.

Tuy nhiên, kể từ hôm 27/7, sau những đợt tấn công của quân đội Ukraine bằng pháo phản lực dẫn đường HIMARS, cây cầu đã không còn có thể sử dụng nữa. 

Cây cầu Antonovsky bị trúng đạn pháo phản lực HIMARS. (Ảnh: AFP).

Tên lửa HIMARS của Mỹ sử dụng Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) để tìm đến mục tiêu. GPS là một công cụ mạnh mẽ trong chiến tranh, nhưng thường có thể bị đối phương vô hiệu hóa. 

Vào những năm 1970, Không quân Mỹ phát triển Hệ thống Định vị toàn cầu NavStar, cung cấp khả năng xác định phương hướng di động, chính xác ở mọi nơi trên Trái Đất.

Bộ thu GPS sẽ nhận tín hiệu chính xác từ một vài vệ tinh, và tính toán vị trí hiện tại bằng phương pháp tam giác. Các loại bom sử dụng GPS gần như thay thế hoàn toàn bom rơi truyền thống trong kho vũ khí của Mỹ.

Nhiều loại vũ khí khác, từ tên lửa cho tới đạn pháo cũng có thể được dẫn đường bằng GPS. Đa số những vũ khí mà Ukraine kế thừa từ thời Liên Xô không có tính năng này, nhưng Mỹ và đồng minh đã viện trợ cho Kiev một số đạn pháo và tên lửa dẫn đường.

Mặc dù đắt đỏ, nhưng công nghệ này gần như đảm bảo đòn tấn công sẽ trúng đích, tất nhiên với giả định là mục tiêu đứng yên và vị trí đã được biết trước.

Vì sao Nga vẫn chưa hành động?

GPS có điểm yếu. Những vệ tinh trong hệ thống GPS đang bay cách Trái Đất 20.000 km, và bộ phát tín hiệu của chúng có công suất không lớn hơn đèn pha ô tô.

Những tín hiệu yếu này có thể bị lấn át bởi những máy phát vô tuyến hoạt động trên cùng bước sóng. Một số tín hiệu khó bị chặn hơn những loại khác. Các bộ thu GPS có thể sử dụng “M-code”, một loại tín hiệu chỉ dùng trong quân sự.

Một số bộ thu có hệ thống lọc điện tử nhằm tách tín hiệu khỏi nhiễu và ăng ten định hướng để nhận về duy nhất tín hiệu từ vệ tinh quân sự. 

Vũ khí của Mỹ, chẳng hạn như pháo phản lực HIMARS, cũng có hệ thống dẫn đường quán tính. Hệ thống này đo gia tốc để suy ra khoảng cách và hướng di chuyển trong trường hợp GPS không hoạt động.

Hệ thống tác chiến Krasukha của Nga có thể chặn tín hiệu vệ tinh. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin).

Tuy nhiên, ông Dana Goward, chủ tịch của nhóm vận động Resilient Navigation and Timing Foundation và thành viên của ban cố vấn chính phủ Mỹ về GPS cho biết Nga có nhiều cách để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác tại Ukraine.

Theo ông, dường như Moscow đang hạn chế gây nhiễu để giữ lại năng lực này cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với NATO. Một hệ thống gây nhiễu công suất cao sẽ phát ra tín hiệu mạnh, và dễ dàng trở thành mục tiêu. 

Một số lực lượng Nga nhiều khả năng còn đang sử dụng GPS thay thế cho GLONASS, một công nghệ tương tự được Moscow phát triển, nhưng có độ tin cậy thấp hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace, một số phi công Nga đã gắn hệ thống định vị GPS vào máy bay. Điện Kremlin có thể đã quyết định hạn chế gây nhiễu nhằm tránh gây ảnh hưởng tới lực lượng của mình.

Nga cũng có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các vệ tinh GPS thông qua tấn công mạng hoặc tác động vật lý, chẳng hạn như tên lửa hay laser. Tuy nhiên, Moscow sẽ khó mà thực hiện một cuộc tấn công mạo hiểm như vậy chỉ để ngăn cản một vài tên lửa HIMARS của Ukraine.

Hệ thống tên lửa đánh chặn Nudol PL-19 có thể được sử dụng để bắn hạ vệ tinh. (Ảnh: TASS). 

Một cuộc tấn công vào hệ thống GPS không khác nào tấn công vào Mỹ, và có nguy cơ kéo cả NATO vào xung đột. Để chống lại những mối đe dọa trên, Mỹ cũng đã phát triển những giải pháp thay thế cho định vị vệ tinh.

Vào tháng 6, Washington đã thử nghiệm hệ thống RATS trên máy bay ném bom B-2. RATS sử dụng radar của máy bay để xác định vị trí bằng cách so sánh mặt đất với một bản đồ, một dạng “đối sánh đường viền địa hình”, hay còn gọi là Tercom. Công nghệ này đã được tên lửa hành trình sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Khi Ukraine nhận thêm nhiều hệ thống tên lửa dẫn đường từ Mỹ và Anh, Moscow có thể tăng cường hoạt động gây nhiễu. Nhưng hiện tại, các loại vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh được Ukraine sử dụng vẫn đánh trúng mục tiêu với độ chính xác ấn tượng.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.