Tại sao Iceland phải nhập khẩu đá lạnh?

Mặc dù là quốc gia ở phương bắc lạnh giá, Iceland hàng năm vẫn nhập khẩu đá lạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Và nguyên nhân của hoạt động này hoàn toàn xuất phát từ các yếu tố kinh tế.

Iceland không phải là đất nước quanh năm bao phủ bởi băng tuyết như tên gọi của nó (Trong tiếng Anh, ice nghĩa là băng, land là vùng đất).

Tại sao Iceland phải nhập khẩu đá lạnh? - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ vệ tinh: Không phải toàn bộ Iceland đều bị băng tuyết bao phủ. Ảnh: Getty Image.

Iceland có khá nhiều khoảng xanh của rừng cây, đồng cỏ, núi đồi, … Nhưng dù sao việc một quốc gia ở gần cực Bắc với mùa đông lạnh giá như Iceland mà nhập khẩu đá lạnh là điều khiến nhiều người thắc mắc. Thực chất hoạt động trên có ba nguyên nhân căn bản:

Nền kinh tế Iceland tập trung khá lớn vào hoạt động xuất khẩu. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của nước này là gần 5 tỉ USD, tương đương 47% GDP. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này là nhôm kim loại và thủy sản.

Iceland xuất khẩu thủy sản là đương nhiên vì đây là một quốc đảo nằm giữa nhiều dòng hải lưu mang theo đầy tôm cá.

Về phần nhôm, đây là thứ kim loại tiêu tốn nhiều năng lượng điện để sản xuất. May mắn cho Iceland, nước này có nguồn thủy điện và địa nhiệt (nhiệt từ trong lòng đất) khá dồi dào, khiến cho chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất nhôm tương đối thấp, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.

Top 10 mặt hàng giá trị xuất khẩu lớn nhất Iceland năm 2017. Nguồn: Đại học bang Michigan, Mỹ.

Mặt hàng (Mã HS)Giá trị xuất khẩu 2017 (triệu USD)Tỉ trọng
(76) Nhôm2.00541,1%
(03) Hải sản1.63433,5%
(23) Thức ăn cho động vật1733,5%
(72) Sắt thép1453,0%
(90) Công cụ đo chính xác1422,9%
(89) Tàu thuyền1152,4%
(16) Thịt qua chế biến1042,1%
(84) Máy móc công nghiệp1032,1%
(15) Mỡ và Dầu972,0%
(27) Dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch581,2%

Nhôm cùng với hầu hết các mặt hàng khác mà Iceland xuất khẩu đều được vận chuyển bằng đường biển. Điều này có nghĩa là rất nhiều tàu thuyền phải đến Iceland để nhận hàng hóa rồi chở đi các thị trường tiêu thụ.

Nếu tàu đến Iceland mà không mang theo hàng hóa gì thì sẽ rất lãng phí, vì vậy các chủ tàu sẵn sàng nhận vận chuyển đá lạnh đến Iceland với giá rẻ để tận dụng năng lực của tàu. 

Tại sao lại là đá lạnh?

Một nguyên nhân là chi phí hàng hóa và nhân công ở Iceland rất đắt đỏ. Iceland là một hòn đảo bị cô lập bởi đại dương bao la, nguồn cung hạn chế nên giá cả nhiều mặt hàng rất cao. Người dân cũng vì vậy mà phải có thu nhập cao để đảm bảo mức sống. Đây là một vòng luẩn quẩn không biết điểm đầu, điểm cuối. Chính vì thực tế này mà việc sản xuất bất cứ sản phẩm gì tại Iceland – bao gồm cả đá lạnh – đều có giá "trên trời".

Tại sao Iceland phải nhập khẩu đá lạnh? - Ảnh 3.

Top các quốc gia, vùng lãnh thổ có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới năm 2017. Số liệu: Ngân hàng Thế giới.

Nguyên nhân nữa là đá lạnh được miễn thuế nhập khẩu. Iceland tham gia nhiều thỏa thuận tự do thương mại kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu vào năm 1970. Nhiều loại dịch vụ, hàng hóa – trong đó có đá lạnh, tuyết và nước – có thể được giao dịch miễn thuế giữa Iceland, Na Uy và các nước EU. Điều này khiến cho giá đá lạnh nhập khẩu vào Iceland khá thấp.

Như vậy, Iceland đã hội tụ được ba yếu tố quan trọng là: Chi phí vận chuyển đến thấp, giá nhân công tại chỗ cao và thuế nhập khẩu đá lạnh bằng 0. Chính các yếu tố này khiến cho việc nhập khẩu đá lạnh rất hợp lí về mặt kinh tế. 

Theo ước tính của trang báo Reykjavik Grapevine của Iceland, đá lạnh nhập khẩu có giá thấp hơn tới 40% so với đá lạnh sản xuất tại Iceland.

Theo thống kê của Observatory of Economic Complexity, năm 2017, trên 95% giá trị mặt hàng Nước (bao gồm nước, tuyết, đá lạnh) mà Iceland nhập khẩu là từ các nước châu Âu, chủ yếu là Na Uy (34%), Vương Quốc Anh (33%), Đan Mạch (12%) ... 

Tại sao Iceland phải nhập khẩu đá lạnh? - Ảnh 4.

Các nước Châu Âu cung cấp trên 95% lượng nước, đá lạnh, tuyết mà Iceland nhập khẩu năm 2017. Nguồn: Observatory of Economic Complexity.

"Ông tổ" của nghề xuất khẩu đá lạnh

Một trong những người đầu tiên "hành nghề" xuất khẩu đá lạnh qui mô lớn là Frederic Tudor (1783 – 1864). Ban đầu, ông lấy đá lạnh từ những nơi lạnh lẽo như Maine (tại Mỹ) rồi bán lại ở những nơi khí hậu nhiệt đới nắng nóng như Cuba.

Nghe thì dễ dàng nhưng vấn đề thì ai cũng biết: đá tan chảy khi trời nóng. Ông Tudor đã cố gắng cách nhiệt cho con tàu chở đá trên hành trình 2.500 km bằng cách sử dụng mùn gỗ, bột cưa, … Chuyến tàu đầu tiên, ông chở theo rất nhiều đá lạnh với hi vọng rằng khi đến nơi, ít nhất vẫn còn lại chút ít chưa bị tan chảy để ông có thể bán lấy lời.

May thay một phần đá lạnh trên tàu "sống sót" đến được Cuba. Người dân ở đây không biết đá lạnh là gì và ban đầu không mấy mặn mà với thứ sản phẩm xa lạ này, họ cho rằng cứ uống nước với nhiệt độ thường là được. Ông Tudor phải đem đá lạnh đi cho không, biếu không để khiến người dân ở đây bị "nghiện" rồi sau đó ông mới bán lấy tiền.

Ở những nơi như thành phố New York hay Washington, mùa đông rất lạnh với đầy băng tuyết nhưng mùa hè lại rất nóng bức. Thế là ông Tudor lại nghĩ ra cách tích trữ đá lạnh từ mùa đông rồi đến mùa hè đem ra bán.

Ngày đó chưa có tủ lạnh hay điều hòa nhiệt độ nên ông Tudor chỉ có thể xếp hàng tấn đá lạnh vào trong nhà kho, cách nhiệt hết mức có thể rồi cầu mong đống đá này đừng tan chảy hết.

Đơn giản nhưng hiệu quả đến bất ngờ, công ty của Tudor làm ăn ngày càng phát đạt. Ông bắt đầu xuất khẩu đá lạnh đến những nơi xa xôi hơn như Ấn Độ, Nam Phi, Hong Kong, Australia, …

Về sau, tủ lạnh trở nên phổ biến nên nhu cầu đá lạnh nhập khẩu sụt giảm; nhưng đến lúc đó, Frederic Tudor đã trở thành một người rất giàu có. 

Ngày nay, Iceland là một quốc gia vùng lạnh giàu có với đầy đủ máy móc hiện đại nhưng vẫn nhập khẩu đá lạnh không khác gì Cuba hay Nam Phi xưa kia, đơn giản là vì hành động này hợp lí về mặt kinh tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tai-sao-iceland-phai-nhap-khau-da-lanh-20190608103050801.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/