Tài sản của ông chủ Uniqlo tăng gấp đôi lên 41 tỉ USD

Người giàu nhất Nhật Bản - Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo, đã chứng kiến khối tài sản của mình tăng lên gấp đôi khi doanh số bắt đầu quay trở lại tại Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của người giàu nhất Nhật Bản, tỉ phú đứng sau thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo, ông Tadashi Yanai đã chạm mức cao nhất là 41,6 tỉ USD trong tuần qua. Nguyên nhân là do cơn sốt mua sắm quần áo đã quay trở lại sau đại dịch COVID-19, từ khẩu trang tới quần áo thể thao.

Giá cổ phiếu của Fast Retailing - tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo, đã tăng 114% kể từ tháng 3, sau khi chứng kiến mức sụt giảm mạnh trước đó trong bối cảnh đóng cửa toàn cầu do đại dịch COVID-19. Ông Yanai hiện đang nắm giữ 47% cổ phần tại Fast Retailing.

Yanai, người lớn lên từ cửa hàng bán quần áo của bố mẹ tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nam nước Nhật. Ông đặt mục tiêu đưa Fast Retailing trở thành đơn vị bán lẻ hàng may mặc lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Inditex của Tây Ban Nha nổi tiếng với thương hiệu Zara đang là nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm 31,6 tỉ USD. Đứng thứ hai là H&M của Thuỵ Điển với doanh thu 24,8 tỉ USD.

 Như vậy, tài sản của ông chủ Uniqlo đã tăng gấp đôi kể từ lần Forbes công bố danh sách tỉ phú thế giới vào tháng 3/2020, lúc đó ông Yanai xếp hạng thứ 41 với giá trị tài sản đạt 19,7 tỉ USD.

 Ngoài Uniqlo, Fast Retailing còn sở hữu nhiều thương hiệu khác như Theory, Helmut Lang, J Brand và GU.

Các nhà phân tích cho rằng, chiến lược số hoá mới của tập đoàn và việc chuyển đổi sản phẩm kinh doanh, tập trung vào mặt hàng quần áo thường ngày, thực dụng, được những người làm việc tại nhà ưa thích là những nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu của Fast Retailing tăng vọt.

Ông Dairo Murata, nhà phân tích cao cấp tại JP Morgan ở Tokyo cho biết: "Doanh số bán hàng tốt là do các dòng sản phẩm của nó (Uniqlo) phù hợp với nhu cầu làm việc tại nhà. Và Fast Retailing cũng luôn có danh mục sản phẩm 'LifeWear', với các bộ quần áo phù hợp để mặc ở nhà".

Hiện Fast Retailing đang có trong tay hơn 3.600 cửa hàng trên 26 thị trường, trải dài từ châu Á, châu Âu tới Bắc Mỹ, cung cấp các sản phẩm LifeWear mà họ quảng cáo là quần áo hàng ngày đơn giản và chất lượng cao.

Sản phẩm làm ra được kết hợp với các công nghệ độc quyền như Heattech giúp chuyển đổi độ ẩm thành độ ấm và được áp dụng trong mọi sản phẩm của hãng, từ quần áo thời trang tới áo phông, tất.

Ngoài ra, một công nghệ khác của Uniqlo là AIRism, giúp vải may thoáng khí, đang được sử dụng trong các sản phẩm khẩu trang,…

Ý nghĩa của thời trang cũng đang thay đổi khi chúng ta chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ quần áo mặc để đẹp hoặc nhấn mạnh vị thế xã hội sang quần áo được thiết kế để bền lâu, mặc thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống

Tadashi Yanai - ông chủ Uniqlo

 Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận năm nay của Fast Retailing đã bị ảnh hưởng do việc đóng cửa các cửa hàng vì dịch bệnh.

Theo báo cáo của Fast Retailing, doanh thu đã giảm 12% xuống còn 2.000 tỉ yên, tương đương 19 tỉ USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/8/2020. Đồng thời, lợi nhuận ròng giảm 44% xuống 853 triệu USD.

Trong thời gian qua, Uniqlo đã đóng cửa gần một nửa trong tổng số 748 cửa hàng tại Trung Quốc. Tại Nhật Bản 311 trong tổng số 817 cửa hàng của họ cũng đã buộc phải đóng cửa từ cuối tháng 3 và mở cửa trở lại vào đầu tháng 5.

Mặc dù phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong một thời gian khá dài, nhưng Uniqlo vẫn là một điểm sáng trong một năm kinh tế lao dốc.

Trong quí từ tháng 6 đến tháng 8/2020, Uniqlo ghi nhận doanh thu tăng trở lại 20%, lợi nhuận tăng 2%. Doanh số được thúc đẩy nhờ việc bán hàng online trên các trang thương mại điện tử, tăng 29,3% so với cùng kì.

"Sự lan rộng của COVID-19 đã thôi thúc chúng tôi nhìn lại và thay đổi cách chúng tôi tồn tại", ông Yanai cho biết trong một bài đăng trên website công ty tháng 11 vừa qua.

"Ý nghĩa của thời trang cũng đang thay đổi khi chúng ta chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ quần áo mặc để đẹp hoặc nhấn mạnh vị thế xã hội sang quần áo được thiết kế để bền lâu, mặc thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống", ông chủ Uniqlo nói thêm.

Trong bối cảnh các nhà bán lẻ quần áo lâu đời như JC Penney và J Crew đã đệ đơn xin phá sản sau khi chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu thì tại thị trường châu Á, Uniqlo vẫn đứng vững nhờ sự mua sắm trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong tháng 6, Uniqlo đã khai trương cửa hàng mới ở trung tâm thương mại cao cấp Harajuku tại Tokyo. Tháng 11, họ đã hợp tác với nhà thiết kế người Đức Jil Sander để ra mắt một bộ sưu tập quần áo mới cho nam và nữ, từ áo len cổ lọ đến quần chino.

Tháng trước, Uniqlo cũng đã tham dự Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, được tổ chức thường niên tại Thượng Hải.

Dựa trên giả định COVID-19 sẽ được kiểm soát vào tháng 3/2021, Fast Retailing đưa ra dự báo doanh thu tăng 10% cho năm tài chính 2021 và lợi nhuận ròng tăng 83%.

"Trong năm tài chính 2021, chúng tôi kì vọng lợi nhuận Uniqlo sẽ đạt mức cao kỉ lục và các cửa hàng tại Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỉ lục cả về lợi nhuận hoạt động và tỉ suất sinh lời", nhà phân tích Murata của JP Morgan cho biết trong một báo cáo tháng 10.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tai-san-cua-ong-chu-uniqlo-tang-gap-doi-len-41-ti-usd-20201206224300767.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/