Sửa đổi Luật Đầu tư công: Chính phủ sẽ rà soát, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công chiều nay (16/11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung được nêu trong dự thảo Luật còn khá rắc rối, phức tạp, chưa làm rõ được nhiều vấn đề, điển hình như tiêu chí lựa chọn dự án, quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân trong hiệu quả của dự án đầu tư công…

sua doi luat dau tu cong chinh phu se ra soat lam ro trach nhiem nguoi dung dau Sáng nay Quốc hội nghe dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020
sua doi luat dau tu cong chinh phu se ra soat lam ro trach nhiem nguoi dung dau Đầu tư công vẫn như ngựa bất kham
sua doi luat dau tu cong chinh phu se ra soat lam ro trach nhiem nguoi dung dau
Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 16/11

Có nội dung không bằng luật hiện hành

Xung quanh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho hay: Thực tế soạn thảo, nhiều nội dung còn rắc rối, phức tạp hơn, không bằng luật hiện hành. Mong muốn của ban soạn thảo là phân cấp mạnh và giảm thủ tục đầu tư nhưng thiết kế nhiều điều khoản của luật không đáp ứng được yêu cầu đó.

Cụ thể: Việc điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (gấp 3,5 lần quy định hiện hành) để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Dự án loại này phát sinh ít (kế hoạch trung hạn chỉ có 2 dự án), trình Quốc hội không có vướng mắc gì và mức 35.000 tỷ là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách. Đồng thời, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm là trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù; được Quốc hội cho nhiều ý kiến hữu ích để hoàn chỉnh dự án. Vì vậy cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội.

Dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn đối với các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; còn lại tích hợp thủ tục và giao cho bộ, ngành, địa phương thực hiện, để phân cấp và giảm thủ tục.

Tuy nhiên, bằng các quy định Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư của chương trình đầu tư chỉ sử dụng một phần vốn trung ương; Thủ tướng quyết định đối với dự án nhóm A chỉ sử dụng một phần vốn trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo các dự án đủ điều kiện bố trí vốn của kế hoạch đầu tư 5 năm; giao chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án cho năm kế hoạch và dự báo 2 năm tiếp theo của kế hoạch đầu tư 3 năm nên thủ tục phần vốn trung ương sẽ rườm rà hơn luật hiện hành.

“Số lượng dự án phải trình bộ rất nhiều; một dự án phải qua bộ ít nhất 3 lần. Đồng thời, việc phân cấp cho các bộ, ngành địa phương thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn một số dự án sử dụng vốn trung ương dẫn đến nghịch lý là bộ, ngành, địa phương không biết trung ương phân bổ cho mình bao nhiêu tiền để thẩm định”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu rõ.

Vị đại biểu này cho rằng, nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền tự quyết cho địa phương toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương; địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm); kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn trung ương. Về phân cấp quyền thẩm định nguồn cho bộ, ngành, địa phương là cần thiết nhưng phải tính toán, quy định thêm để bảo đảm tính khả thi.

Nhấn mạnh vào nội dung phân loại dự án đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phân tích: Từ Điều 7 đến Điều 10, theo dự thảo Luật, tiêu chí về vốn trong phân loại các dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư tăng rất đột biến so với luật hiện hành. Tổng mức đầu tư các dự án theo dự thảo tăng khoảng 3,5 lần so với luật hiện hành.

“Theo tôi, điều này chưa hợp lý. Nếu tính theo tỷ lệ GDP thực tế, năm 2018 GDP chỉ tăng gấp 1,14 lần so với GDP năm 2014. Nếu tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI hàng năm tăng không quá 4%. Mặt khác năm 2014, khi đưa ra tổng mức đầu tư đối với các dự án, Quốc hội đã tính toán, phân tích và cân nhắc kỹ lưỡng tổng mức đầu tư trên GDP đối với dự án quốc gia chiếm khoảng 0,25%; dự án nhóm A chiếm từ 0,06-0,02%. Tôi cho rằng, Quốc hội cần cân nhắc kỹ lưỡng tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm A, B và C, không quá 2 lần so với quy định hiện nay là hợp lý”, đại biểu Nguyễn Văn Tiến nói.

Tránh tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Luật Đầu tư công là luật có đời sống ngắn nhất vì vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung. Một số điều của Luật Đầu tư công chưa bao quát được hết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Vì vậy, trong lần sửa đổi này cần đánh giá toàn diện, sâu sắc, bao quát đầy đủ những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi, bà Mai cho rằng, vấn đề không phải sửa đổi toàn diện hay chỉ một số điều mà là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi; tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc để thấy rằng có những quy định là vật cản trong quá trình phát triển.

Tại Nghị quyết Trung ương V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ: “Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới cách thức lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế; xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với hiệu qủa kinh tế của các dự án”. Tuy nhiên, nếu đối chiếu quy định tại dự thảo Luật, các yêu cầu này chưa thể hiện đậm nét. Cụ thể, dự thảo Luật thiếu vắng tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra. Đồng thời, dự thảo cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

“Tôi xin kiến nghị, trong Luật sửa đổi cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án gắn với hiệu quả đầu ra; kiên quyết không đưa vào dự thảo luật những dự án chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế xã hội; không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư ở giai đoạn trước, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả đầu tư”, bà Mai nói.

Tiếp thu, giải trình những ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Luật Đầu tư công sau 3 năm triển khai đã tạo ra chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cái được hết sức lớn nhưng trong qúa trình tổ chức thực hiện có những yếu kém, vướng mắc.

Về Luật sửa đổi, bổ sung, quan điểm sửa luật thống nhất với ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cần thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, quản lý chặt, nâng cao hiệu quả đầu tư công; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền gắn với trách nhiệm liên quan; cố gắng đơn giản nhất thủ tục, không làm đẻ ra những thủ tục mới.

“Chúng tôi sẽ rà soát kỹ, đảm bảo công khai, minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm; đảm bảo tính đồng bộ trong luật này với hệ thống pháp luật hiện hành. Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát đánh giá kỹ một cách công bằng những điểm tích cực và tiêu cực, cân nhắc lựa chọn kỹ những nội hàm, nội dung cần sửa đổi, có lý lẽ, cơ sở thuyết phục để trình Quốc hội tại kỳ họp sau. Chính phủ cũng sẽ rà soát để quy rõ về trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sua-doi-luat-dau-tu-cong-chinh-phu-se-ra-soat-lam-ro-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-110595.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/