Sự thờ ơ với cổ phiếu trở lại: Hoàng kim như 2016 - 2018 bao giờ đến?

Kênh đầu tư cổ phiếu đang kém hấp dẫn hơn so với các tài sản khác như vàng, trái phiếu, thậm chí là gửi tiết kiệm ngân hàng. Dấu hiệu về tốc độ tăng trưởng số lượng tài khoản chậm lại và thanh khoản èo uột hơn cho thấy giới đầu tư đang trở nên thờ ơ với kênh đầu tư này.

2,36 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam

Dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 31/12/2019, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tại Việt Nam đạt gần 2,36 triệu tài khoản, tăng gần 8,2% so với thời điểm cuối năm 2018. 

Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Thế giới, dân số Việt Nam tính đến cuối năm 2019 đạt khoảng 96,89 triệu người. Như vậy, số lượng tài khoản giao dịch của NĐT chứng khoán tính đến cuối năm 2019 tương đương 2,43% dân số Việt Nam, trong khi con số này tại thời điểm cuối năm 2018 là 2,25% và 2,01% kết thúc năm 2017. 

Thoáng qua những con số trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Minh chứng thêm rằng khi VN-Index trong giai đoạn tăng mạnh nhất 2017 - 2018, số lượng tài khoản giao dịch tăng từ 1,7 triệu tài khoản lên 1,98 triệu tài khoản vào đầu tháng 4/2018. 

Dấu hiệu NĐT lại thờ ơ với cổ phiếu: Kì hoàng kim 2016 - 2017 bao giờ trở lại? - Ảnh 1.

Nguồn: Tradingview, VSD

Thời điểm số lượng tài khoản giao dịch cán mốc 2 triệu tài khoản, VN-Index trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm thiết lập trong 10 năm trước đó. Khi VN-Index lao dốc nửa cuối năm 2018 và lình xình dưới ngưỡng 1.000 điểm trong năm 2019, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục tăng lên gần 2,36 triệu tài khoản thời điểm hiện tại.

Dấu hiệu NĐT thờ ơ trở lại với cổ phiếu

Mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng tài khoản năm 2019, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang có dấu hiệu về sự thờ ơ của NĐT đối với kênh đầu tư cổ phiếu sau thời kì thăng hoa cuối năm 2016 đến đầu năm 2018. Quan điểm trên được minh chứng bằng những thống kê.

Thực tế phản ánh rằng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của NĐT tăng trong năm 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng số lượng tài khoản 8,2% năm vừa qua thấp hơn đáng kể so với con số 13,44% năm 2018 và 13,2% năm 2017. 

Tỉ lệ tăng trưởng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán năm 2019 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây phần nào củng cố cho đánh giá NĐT đang trở nên thờ ơ hơn với kênh giao dịch cổ phiếu cổ phiếu trong năm qua.

Đi cùng dấu hiệu suy giảm trong tăng trưởng số lượng tài khoản giao dịch là thanh khoản của thị trường giảm mạnh trong năm 2019.

Theo thống kê, thanh khoản bình quân trên HOSE và HNX trong năm 2019 đạt 4.444 tỉ đồng/phiên, giảm 29,3% so với giá trị bình quân 6.283 tỉ đồng/phiên trong năm 2018. Mức thanh khoản năm qua cũng thấp hơn 10,8% so với mức 4.981 tỉ đồng/phiên năm 2017.

Việc thanh khoản sụt giảm mạnh trong năm 2019 một lần nữa cho thấy sự e ngại của dòng tiền gia nhập thị trường, ngay cả với những điều kiện thuận lợi là hàng loạt công ty chứng khoán miễn phí giao dịch cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trở nên khó khăn hơn, khối ngoại có động thái rút ròng trong những tháng cuối năm 2019, tâm điểm là các tháng 8, 10 và 12 với giá trị trên 1.000 tỉ đồng mỗi tháng.

Cũng trong kịch bản không mấy thuận lợi, các công ty niêm yết cũng không mấy mặn mà với thị trường cổ phiếu, dẫn đến lượng phát hành giảm mạnh trong năm vừa qua. Dữ liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung trong năm 2019 là 3,88 tỉ cp, giảm 58,5% so với năm trước đó. 

Năm 2016 và 2017, khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung trên HOSE đạt lần lượt 4,45 tỉ cp và 4,81 tỉ cp. Như vậy, khối lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung trên HOSE năm 2019 ghi nhận mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này cho thấy rằng ngay cả phía cung cũng đang trở nên "lạnh nhạt" với kênh cổ phiếu, thay vào đó là sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm vừa qua.

Dấu hiệu về sự thờ ơ với cổ phiếu: Hoàng kim 2016 - 2018 bao giờ trở lại? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư đang thờ ơ với cổ phiếu Việt Nam. Ảnh: Phan Quân

Thờ ơ vì đầu tư cổ phiếu "thua xa" gửi tiết kiệm, mua vàng, trái phiếu

Phân tích trên cho thấy NĐT và ngay cả các doanh nghiệp niêm yết dường như đang dần thờ ơ với thị trường cổ phiếu. Nguyên nhân đầu tiên khi xem xét là lợi nhuận của kênh đầu tư này đang thấp hơn so với một số kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng, trái phiếu.

Cụ thể, trong năm 2019, tăng trưởng VN-Index tăng 7,67% nhờ tác động chủ yếu từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VIC, BID, VHM. Tỉ lệ tăng giá bình quân của các cổ phiếu trên sàn HOSE chỉ đạt khoảng 5,3%. 

So sánh với các tài sản khác, lợi nhuận từ kênh đầu tư cổ phiếu trong năm vừa qua chỉ tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm kì hạn một năm (7 - 8%), thấp hơn đáng kể so với kênh đầu tư vàng (gần 17%), trái phiếu doanh nghiệp (12 - 14%).

Được đánh giá là các kênh đầu tư an toàn hơn cổ phiếu nhưng lại có lợi nhuận đầu tư hấp dẫn hơn, dẫn đến cổ phiếu đang mất dần vị thế trong danh mục phân bổ tài sản của giới đầu tư, thậm chí là các quĩ ngoại có qui mô hàng đầu thị trường.

Điển hình cho việc thay đổi chiến lược đầu tư là động thái VinaCapital phân bổ tài sản nhiều hơn vào kênh trái phiếu và vốn tư nhân (PE). Điều này gửi đi thông điệp về quan điểm đầu tư của nhóm quĩ này trở nên thận trọng hơn khi dữ liệu thống kê từ Bloomberg cho thấy tỉ suất lợi nhuận của quĩ VOF chỉ đạt 3,14% cho cả năm 2019. Mức lợi suất trên chưa bằng một nửa tỉ lệ tăng trưởng của VN-Index.

Khó khăn hơn trong đầu tư cổ phiếu, tính đến 30/11, quĩ VOF thuộc nhóm VinaCapital đang phân bổ khoảng 3,6% danh mục gần 920 triệu USD vào trái phiếu. Thông tin có được, quĩ này cũng có kế hoạch giải ngân khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.430 tỉ đồng) vào vốn tư nhân (PE) và kì vọng sẽ nâng tỉ trọng lên trên 20%.

Cùng với VOF, dữ liệu từ Bloomberg chỉ ra quĩ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam - Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng chỉ đạt tỉ suất lợi nhuận đầu tư đạt 3,83% cho cả năm 2019, bằng một nửa lãi suất gửi tiết kiệm kì hạn 1 năm.

Trải qua một năm 2019 đầy biến động, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2020, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp tăng thanh khoản cho thị trường và tăng cường công tác thanh tra giám sát, xử lí vi phạm, đảm bảo kỉ cương, kỉ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư.

Tuy nhiên, khi nào thị trường cổ phiếu lại lên ngôi như thời kì hoàng kim như 2016 - 2018 vẫn còn là một dấu hỏi khi sự quan tâm của giới đầu tư dường như phụ thuộc lớn vào tỉ suất lợi nhuận của kênh đầu tư này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-hieu-ve-su-tho-o-voi-co-phieu-hoang-kim-2016-2018-bao-gio-tro-lai-20200106080718265.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/