|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 29/11 - 3/12: Giới đầu tư sợ hãi siêu biến chủng Omicron, OPEC+ nhóm họp giữa cú sốc liên hoàn

07:04 | 29/11/2021
Chia sẻ
Các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang không ngừng bàn tán về siêu biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện tại châu Phi. Biến chủng mới này có thể tác động mạnh đến thị trường ngoại hối cũng như các chính sách của Fed và quyết định của OPEC+ trong tương lai gần.

Siêu biến chủng Omicron đang xâm chiếm tâm trí của giới đầu tư, vì nó có thể ngăn cản đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Biến chủng mới còn dấy thêm nghi ngờ về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thay đổi quyết định chính sách trong nay mai.

Trong bối cảnh đó, báo cáo việc làm tháng mới nhất của Mỹ, cùng phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, sẽ rất được các nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, giá dầu thô cũng đang thu hút sự chú ý không nhỏ của các nhà đầu tư, đặc biệt là ngay trước thềm cuộc họp tuần này của liên minh OPEC+.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nhiều khả năng cũng sẽ lưu tâm đến số liệu lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), nhất là trước phiên họp chính sách tháng 12 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Làn sóng COVID mới sắp xuất hiện?

Thứ Sáu tuần trước, khi nhà đầu tư giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, thị trường tài chính toàn cầu rơi vào cảnh bị bán tháo nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các nhà khoa học vừa phát hiện ra một siêu biến chủng có khả năng lây nhiễm khủng khiếp hơn cả Delta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến chủng mới là Omicron. Dù chưa có nhiều thông tin về Omicron, giới khoa học vẫn cảnh báo siêu biến chủng mới có thể kháng vắc xin ngừa COVID-19. Các hãng dược tức tốc ra thông báo, khẳng định họ đang nghiên cứu Omicron và điều chỉnh vắc xin để chống lại biến chủng mới.

"Thị trường đang ăn mừng rằng đại dịch đang dần khép lại. Đùng một cái, biến chủng khác xuất hiện, hóa ra COVID-19 chưa kết thúc", ông David Kotok, Chủ tịch kiêm CIO của hãng tư vấn Cumberland Advisors chia sẻ.

"Tất cả quyết định chính sách từ tiền tệ, chiến dịch kinh doanh, ước tính tăng trưởng GDP, kế hoạch khôi phục hoạt động giải trí và du lịch,…đều phải tạm ngưng vì Omicron", ông Kotok nhấn mạnh.

Trước "thứ Sáu đen tối", các nhà đầu tư vẫn còn rất lạc quan về triển vọng của nền kinh tế thế giới khi mà tốc độ tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh tại nhiều nước, bất chấp áp lực lạm phát lớn dần.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 29/11 - 3/12: Giới đầu tư khiếp sợ siêu biến chủng Omicron, OPEC+ nhóm họp giữa cú sốc liên hoàn - Ảnh 2.

Biển cảnh báo về biến chủng Omicron tại một trạm xăng ở Nam Phi. (Ảnh: AP).

2. Báo cáo việc làm của Mỹ

Báo cáo việc làm tháng 11 tích cực có thể tạo thêm động lực để Fed nhanh chóng giảm thu mua tài sản (tapering) tại cuộc họp kế tiếp. Song, một làn sóng COVID mới có thể khiến kế hoạch này bị đình trệ.

Lo ngại xoay quanh áp lực lạm phát cùng với một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng tốc đã khiến các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch tapering và sớm tăng lãi suất.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, trong tháng 11, Mỹ sẽ tạo thêm khoảng 550.000 việc làm, đồng thời đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 4,5%.

Bên cạnh báo cáo việc làm, lịch kinh tế tuần này của Mỹ còn có các chỉ số về sản xuất và dịch vụ của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), doanh số nhà chờ bán, chỉ số niềm tin người tiêu dùng và Beige Book của Fed.

3. Chủ tịch Fed điều trần

Vào ngày 30/11 tới, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen sẽ điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện về Đạo luật CARES, chương trình kích thích kinh tế thời đại dịch mà Fed ban hành hồi năm ngoái.

Sau đó, một phiên điều trần tương tự sẽ được tổ chức trước Ủy ban Tài chính Hạ viện vào ngày 1/12. Thông qua các cuộc họp này, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm dấu hiệu mới về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh biến chủng Omicron xuất hiện.

4. Triển vọng thị trường dầu mỏ

Cũng do thông tin về siêu biến chủng mới, giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 10 USD/thùng trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần , là mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để quyết định mức sản lượng cho tháng 1 năm sau. Tuần trước, Mỹ và các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh đã đồng ý xả kho dự trữ dầu thô chiến lược để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. OPEC+ đã đe dọa sẽ phản đòn.

Hiện tại, liên minh dầu mỏ chỉ tăng sản lượng khiêm tốn khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, bất chấp những lời kêu gọi bơm thêm dầu ra thị trường từ Mỹ hay Trung Quốc.

Chia sẻ với Reuters, nhà phân tích Tamas Varga của hãng tư vấn PVM cho hay: "Quan điểm ban đầu của OPEC+ về động thái xả kho dầu của Mỹ và sự xuất hiện đột ngột của biến chủng Omicron đang làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế và cán cân cung - cầu dầu thô trong những tháng tới".

5. Lạm phát của khu vực Eurozone

Eurozone sẽ công bố dữ liệu lạm phát sơ bộ tháng 11 vào ngày 30/11 tới. Tháng 10 vừa qua, lạm phát giá tiêu dùng đã leo lên mức đỉnh 13 năm là 4,1% và số liệu của tháng 11 được dự đoán là sẽ duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% của ECB từ nay cho đến năm tới.

Trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng, ECB đang đứng trước áp lực phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, do diễn biến đại dịch còn căng thẳng và biến chủng mới xuất hiện, một số nhà hoạch định chính sách có thể sẽ kêu gọi hoãn siết chặt chính sách.

Khả Nhân