Startup chuyển tiền quốc tế trong tích tắc, phí cực thấp với tham vọng lớn tại Đông Nam Á

Velo có thể thực hiện chuyển tiền quốc tế với mức phí 1%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 9% như hiện tại ở Đông Nam Á.

Chuyển tiền quốc tế là mảng kinh doanh sôi động tại Đông Nam Á. Dẫn số liệu từ Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế, hơn 65 tỉ USD được chuyển vào khu vực này mỗi năm, cùng với đó là khoảng 18 tỉ USD giá trị chuyển tiền nội bộ trong Đông Nam Á.

Velo, một dịch vụ chuyển tiền trên nền tảng blockchain (chuỗi khối) có trụ sở tại Thái Lan, muốn có miếng bánh trong thị trường hấp dẫn này.

"Công nhân cần giải pháp chuyển tiền thuận tiện với chi phí không "ăn" vào thu nhập hàng ngày, vì thế chúng tôi ra mắt Velo để phục vụ quá trình này", Chatchaval Jiaravanon, Chủ tịch công ty này cho biết. Chatchaval Jiaravanon cũng là chủ của tờ Fortune.

velo

Velo không coi các dịch vụ chuyển tiền truyền thông như Western Union là đối thủ chính. (Ảnh: Fortune)

Khu vực Đông Nam Á đang có hơn 21 triệu công nhân nhập cư, gần 5 triệu trong số này ở Thái Lan. Theo World Bank, phí dịch vụ chuyển tiền trung bình ở Thái Lan là 15%, cao hơn so với trung bình trong khu vực Đông Nam Á là 9%.

Velo lên kế hoạch thu phí dịch vụ chỉ 1% giá trị chuyển tiền và cam kết hoàn thành chuyển khoản ngay lập tức, quá trình truyền thống có thể mất tới 5 ngày.

Velo không phải công ty blockchain duy nhất tại Đông Nam Á tham gia vào lĩnh vực dịch vụ chuyển tiền.

Ripple, công ty chuyển tiền mã hóa Mỹ, cũng hợp tác cùng ngân hàng thương mại Siam Commercial Bank và MoneyGram cùng một số đối tác khác để triển khai dịch vụ chuyển tiền của mình ở Châu Á.

AliPay mới đây cũng ra mắt dịch vụ chuyển tiền trên blockchain tại Hong Kong, hướng tới 300.000 lao động nước ngoài tại đây, rất nhiều trong số này tới từ Philippines. Facebook, với lượng người dùng hàng ngày 577 triệu tại Châu Á, đã giới thiệu ví điện tử Calibra, hứa hẹn sẽ là một đối thủ lớn.

Chủ tịch Velo Tridbodi Arunanondchai cho biết Velo sẽ không cạnh tranh trực tiếp cùng những đổi thủ truyền thống như Western Union hay thậm chí là những cái tên mới như Ripple.

Thay vào đó, startup này sẽ đóng vai trò một dịch vụ B2B, cung cấp các giải pháp và hạ tầng số phục vụ chuyển tiền cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Velo mô tả dịch vụ này như một đơn vị bảo lãnh, tạo niềm tin cho người dùng vòng quanh thế giới. Dự án blockchain này sẽ là một cơ quan thanh toán bù trừ, hỗ trợ thanh toán trên thị trường chuyển tiền còn nhiều phân mảnh ở Đông Nam Á.

Velo đang phát triển một tài sản số mang tên gọi Velo Tokens để các công ty có thể hoàn thiện quá trình tìm hiểu về khách hàng (KYC), định danh và đánh giá tín nhiệm của mình.

Để thực hiện các giao dịch, công ty được Velo chấp thuận sẽ đổi token của mình lấy stablecoin (các đồng tiền số được thiết kế với giá trị ổn định) cũng phát hành của Velo và dùng chúng để giao dịch thông qua dịch vụ chuyển tiền cho người dùng cuối mang tên Lightnet.

Bên nhận tiền có thể đổi stablecoin lấy Velo Tokens hoặc đổi tiền mặt ở các cửa hàng thanh toán đối tác.

Đến thời điểm hiện tại, Velo đã gọi vốn thành công 50 triệu USD. Dù vậy, công ty này dựa nhiều vào hợp tác cùng CP Group để xây dựng lòng tin với đối tác và khách hàng.

CP Group đang là tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan với hơn 200 công ty con trên toàn cầu cùng doanh thu năm 54 tỉ USD.

Arunanondchai nói Velo đã được "cài vào" hệ thống chuyển tiền nội bộ của CP Group. Velo cũng hợp tác cùng 7-Eleven Thái Lan để cung cấp tới khách hàng Lightnet hơn 10.000 điểm đổi tiền mặt. Velo cũng khẳng định sẽ có 500.000 đại lí tiền mặt tại Đông Nam Á thông qua hợp tác này.

Velo kì vọng sẽ đạt khối lượng giao dịch 50 tỉ USD mỗi năm trong ba năm tới với chuyển tiền cho công nhân nhập cư chiếm 25 tỉ USD và phần còn lại đến từ các đối tác quản lí dòng tiền của Velo, ví dụ như CP Group.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/startup-chuyen-tien-quoc-te-trong-tich-tac-phi-cuc-thap-voi-tham-vong-lon-tai-dong-nam-a-20190814112618382.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/