Sốt đất lại bùng khắp nơi

Dòng tiền của các nhà đầu tư liên tục đổ dồn vào bất động sản khiến giá đất tại nhiều khu vực tăng phi mã.

 Sốt đất tại vùng nông thôn Hà Tĩnh. (Ảnh: Vietnamnet).

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021.

Trong đó, nguồn cung và nhu cầu tìm mua đất, đất nền ghi nhận tăng cao so với tháng trước tại hầu hết các tỉnh. Xét riêng về mức độ quan tâm, Hà Nội tăng 8% và TP HCM tăng 18%. Một số tỉnh thành khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đến đất nền như Lâm Đồng tăng 41%, Khánh Hòa tăng 35%, Đà Nẵng tăng 32%, Đồng Nai tăng 25%.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, cơn sốt đất đã liên tiếp xuất hiện tại một số khu vực, không chỉ ở các đô thị mà còn lan rộng ra các vùng nông thôn.

Đơn cử, tại Bình Phước mới đây, ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn 60 km đi sân bay quốc tế Long Thành, tình trạng sốt đất đã xuất hiện trên tuyến đường ĐT 753 (đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Mang, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú). Hàng trăm cò, môi giới ồ ạt kéo về khu vực này khiến giá đất tăng 2 – 3 lần chỉ trong vài ngày.

Tại Hà Tĩnh, những ngày vừa qua, cơn sốt đất cũng khiến nhiều vùng quê ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang,… náo loạn. Giá đất được thổi lên cao chóng mặt do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tại Khánh Hòa, đất nền Cam Lâm cũng đang sốt sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị.

Còn tại Đắk Lắk, cơn sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt,…

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, giá bất động sản, đặc biệt là giá đất nền thời gian vừa qua đã tăng ở nhiều khu vực, cơn sốt lan rộng với quy mô lớn hơn trước đây rất nhiều. Đơn cử, giai đoạn 2018 – 2019, cơn sốt chủ yếu xảy ra tại khu vực quận 9 và quận Thủ Đức khiến giá đất tăng rất cao.

Đến giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo thống kê của CBRE, cơn sốt đất xảy ra ở bình diện tương đối rộng. Điển hình là các khu vực lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai và sau đó lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh, Long An,… Hay cơn sốt đất cũng xuất hiện tại Phan Thiết, La Gi (Bình Thuận). Xa hơn và các khu vực như Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hiện tại là Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Tại miền Bắc cũng nhiều khu vực xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ.

Vị chuyên gia này cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất lan rộng là do trong hai năm trở lại đây, kinh tế chung của Việt Nam mặc dù vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó là nhiều thông tin quy hoạch mới được công bố.

"Chính những yếu tố này đã khiến nhiều người có xu hướng đầu tư đón đầu. Những khu vực nào xuất hiện những thông tin quy hoạch dự kiến triển khai thì các nhà đầu tư lại đổ vào, theo đó giá đất được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh.

Đặc biệt là trong bối ảnh rủi ro lạm phát, rất nhiều người có nhu cầu tìm một kênh đầu tư để giữ giá trị tài sản. Và bất động sản thường là kênh đầu tiên mà họ nghĩ đến", ông Kiệt nói.

Trong khi đó, vị chuyên gia này cho rằng, bản thân loại hình đất nền luôn có nhu cầu đầu tư rất cao và khả năng thanh khoản cũng dễ hơn một số loại hình khác. Giá trị của đất nền thông thường cũng có tốc độ tăng cao hơn các phân khúc khác.

Ngoài ra, rất nhiều địa phương hiện nay cũng đang tích cực triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào các khu công nghiệp, dự án nghỉ dưỡng,…

"Sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý. Cụ thể, các nhà đầu tư luôn có tâm lý muốn đón đầu thị trường, họ muốn tập trung vào các khu vực dự báo có khả năng phát triển tốt. Tuy nhiên cũng có nhiều khu vực mà những tiềm năng này chỉ là thông tin chưa rõ ràng, chưa chắc chắn nhưng đã có rất nhiều nhà đầu tư bị lôi kéo vào. Hậu quả là tạo ra những cơn sốt đất ảo, không ít nhà đầu tư bị mắc kẹt", vị này nhận định.

Còn theo Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay hay câu chuyện kinh doanh khó khăn do COVID-19 thì không ít người tìm đến những kênh đầu tư sinh lời bền vững như bất động sản.

Ngoài ra, ông Chánh cũng cho rằng, cơn sốt đất lan rộng một phần cũng là do tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM những năm gần đây đang trong tình trạng thiếu nguồn cung, cụ thể là quỹ đất sạch để phát triển dự án quy mô lớn.Việc thiếu nguồn cung cũng làm cho giá đất tại một số địa phương, đặt biệt là những địa phương mới nổi tăng lên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sot-dat-lai-bung-khap-noi-202233175310972.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/