Sóng ngầm trong cuộc chiến thị phần môi giới cổ phiếu, phái sinh

Trong quí III/2019, các CTCK top đầu giành lại thị phần sau hai quí giảm liên tiếp trong khi những cái tên mới nổi đang vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt, Chứng khoán Techcombank - ông vua môi giới trái phiếu cũng có những động thái tham gia vào cuộc chiến này.

Top10 CTCK đứng đầu chiếm hơn 61% thị phần môi giới toàn thị trường quí III/2019

Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố thị phần môi giới của các công ty chứng khoán hàng đầu trong quí III/2019.

Dựa trên số liệu về thanh khoản thị trường và thị phần môi giới cổ phiếu trên các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM, người viết đã tổng hợp và cho ra kết qua thị phần môi giới toàn thị trường của 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất như ở dưới đây.

thi phan

Nguồn: ST tổng hợp từ HOSE và HNX

Trong quí III/2019, Top 10 CTCK có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất có giá trị môi giới đạt 377.129 tỉ đồng, chiếm 61,09% thị phần toàn thị trường. Trong đó, có sự cách biệt khá lớn giữa nhóm đứng đầu và các công ty còn lại khi công ty dẫn đầu chiếm 13,05% thị phần, cao gấp 4,5 lần so với công ty đứng cuối danh sách.

Chứng khoán SSI tiếp tục dẫn đầu thị phần trên cả hai sàn HOSE và HNX

Trong kì này, Chứng khoán SSI tiếp tục đứng đầu về giá trị môi giới với 80.547 tỉ đồng, chiếm 13,05% thị phần toàn thị trường. Con số này chênh lệch đáng kể với thị phần của công ty đứng ở vị trí thứ hai là Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) với 10,16%, tương ứng giá trị môi giới 62.697 tỉ đồng.

Tính riêng trên sàn HOSE, thị phần của Chứng khoán SSI đạt 13,6%, tăng 0,45 điểm % so với quí II/2019 và duy trì vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Chứng khoán HSC mặc dù thị phần bị giảm 0,72 điểm % nhưng cũng vẫn giữ được vị trí thứ hai với 10,59% thị phần.

Chưa dừng lại ở đó, Chứng khoán SSI cũng tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trên sàn HNX với tỉ lệ 10,37%, mặc dù con số này giảm 1,33 điểm % so với cùng kì năm trước và giảm 0,74 điểm % so với quí II năm nay.

Trên thị trường giao dịch UPCoM, Chứng khoán SSI cũng duy trì vị trí thứ hai với thị phần 9,82%, giảm 1,28 điểm % so với cùng kì năm ngoái nhưng đã hồi phục 0,68% so với quí II.

thi phan

Top10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới quí III/2019 trên HOSE. (Nguồn: ST tổng hợp từ HOSE)

Xuất hiện hai CTCK vốn Hàn Quốc trong Top 10 thị phần

Đáng chú ý, trong Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất xuất hiện hai công ty có vốn từ Hàn Quốc là Chứng khoán Mirae Asset (MAS) và Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) với thị phần lần lượt 4,86% và 2,89%.

Trên HOSE, Mirae Asset vượt qua Chứng khoán MB (MBS) và Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) để vươn lên vị trí thứ 5 với 5,27% thị phần, tăng tới 1,58 điểm % so với quí II. Trong khi đó, Chứng khoán KIS với 3,03% thị phần cũng lọt vào Top 10 cùng với Chứng khoán BOS (thị phần 3,67%), qua đó đánh bật Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ra khỏi danh sách.

Chứng khoán BOS tiền thân là Chứng khoán Artex, mới được đổi tên vào tháng 6 năm nay.

Trên HNX, thị phần của Mirae Asset cũng tăng 1,68 điểm % so với quí II/2019, qua đó vươn lên vị trí 6 trên bảng xếp hạng với 5,19% thị phần. Đồng thời, Chứng khoán KIS cũng lọt top với 4,18% thị phần, đẩy Chứng khoán ACB (ACBS) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ra khỏi top.

thi phan

Top10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới quí III/2019 trên HNX. (Nguồn: ST tổng hợp từ HNX)

Chứng khoán Tân Việt bất ngờ vươn lên vị trí số 1 thị phần trên UPCoM

Trên thị trường UPCoM, thị phần môi giới quí III/2019 của Top 10 công ty dẫn đầu tiếp tục tăng 6,65% so với quí II/2019, chiếm tỉ trọng 69,95%.

Đáng chú ý, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bất ngờ vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác để vươn lên dẫn đầu trong quí III/2019 với thị phần 10,57%, tương ứng tăng gấp ba lần so với quí trước và gấp hơn hai lần so với cùng kì.

Danh sách top 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần UPCoM quí III/2019 cũng ghi nhận sự góp mặt của Chứng khoán Bảo Việt (thị phần 4,58%) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (thị phần 3,32%).

Thay vào đó, hai công ty rơi khỏi top trong kì này là Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội và Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam. Trong quí II/2019, hai CTCK này chiếm thị phần lần lượt 5,04% và 4,07% trên thị trường UPCoM.

thi phan

Top10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới quí III/2019 trên UPCoM. (Nguồn: ST tổng hợp từ HNX)

Chứng khoán VPS - đối thủ đáng gờm đang gia tăng đáng kể thị phần

Nhắc đến Chứng khoán VPS, nhà đầu tư sẽ nghĩ ngay đến vị trí ngôi vương thị phần môi giới phái sinh. Trong quí III/2019, CTCK này tiếp tục chiếm thị phần áp đảo trên thị trường phái sinh với 55,92% thị phần toàn thị trường, tăng thêm 4,1% so với quí trước.

Nếu so với thời điểm một năm trước, thị phần môi giới phái sinh của Chứng khoán VPS đã tăng lên gấp 5,6 lần.

Chưa dừng lại ở đó, Chứng khoán VPS cũng đang dần trở thành đối thủ nặng kí trong cuộc đua giành giật thị phần môi giới cổ phiếu. Bắt đầu lọt vào Top 10 trong quí II/2019 với 3,08% thị phần, đến quí này thị phần của VPS đã tăng thêm 1,25 điểm % và vươn lên vị trí thứ 8 với 4,33% thị phần.

Trên HNX, thị phần của VPS cũng tăng thêm 0,32 điểm % lên mức 6,01% và duy trì vị trí thứ 4. Trong khi trên UPCoM, mặc dù tụt một bậc xuống vị trí thứ 5, thị phần của VPS vẫn tăng thêm 1,48 điểm % so với quí trước, đạt 8,28%

thi phan

Top 10 thị phần môi giới phái sinh quí III/2019. (Nguồn: ST tổng hợp từ HNX)

Như vậy, từ những thông kê trên cho thấy, các CTCK top đầu đã bắt đầu giành lại thị phần sau hai quí giảm liên tiếp, đồng thời các công ty mới nổi cũng đang vươn lên mạnh mẽ trong cuộc chiến thị phần như VPS hay TVSI khiến chênh lệch thị phần giữa các CTCK đang dần thu hẹp.

Không chỉ vậy, cuộc chiến này cũng đang trở nên kịch tích hơn khi các công ty liên tục có những chính sách ưu đãi để chiếm thêm thị phần như miễn phí giao dịch, giảm lãi suất cho vay kí quĩ, đặc biệt là sự tham gia của các đối thủ mới như ông vua thị phần môi giới trái phiếu là Chứng khoán Techcombank (TCBS).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/song-ngam-trong-cuoc-chien-thi-phan-moi-gioi-co-phieu-phai-sinh-201910092008064.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/