Sóng gió tỷ giá 2022: Khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu 'khởi động'

Tỷ giá đã có một năm biến động khó đoán định trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu bao phủ một màu trầm lắng. VND có thời điểm mất giá gần 9% so với đầu năm, tỷ giá đô la tự do vượt mốc 25.000 VND/USD.

Bước sang năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thế giới mở cửa, nhu cầu hàng hoá tăng mạnh trên toàn cầu. Những tưởng bức tranh tươi sáng được mở ra sau thời gian dài kinh tế bị đình trệ vì dịch bệnh, áp lực lạm phát tăng cao đã khiến hầu hết ngân hàng trung ương lớn đảo chiều sang thắt chặt tiền tệ sau giai đoạn nới lỏng từ 2019-2021.

Chiều ngày 16/3/2022, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm % lên mức 0,25 – 0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất sau ba năm, lần gần nhất là vào tháng 12/2018.

Chỉ ngay sau đó, ngày 4/5, Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. Dù vậy, lạm phát tại Mỹ không cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt mà còn tăng nhanh. Điều này khiến Fed tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có trong tiền lệ với 4 lần liên tiếp tăng 0,75 điểm % từ tháng 6 đến đầu tháng 11 và tăng 0,5 điểm % vào tháng 12.

Động thái từ Fed tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia, trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng có thời điểm đã tăng lên mức 24.879, mức cao nhất trong lịch sử trong khi tỷ giá USD chợ đen vượt ngưỡng 25.000 VND/USD.

Tuy vậy, so với đồng tiền các nước khác trên thế giới, VND vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất. Trước diễn biến mạnh của tỷ giá USD trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái điều hành linh hoạt nhằm ổn định thị trường.

Diễn biến tỷ giá trong năm 2022. (Nguồn: WiChart).

Khi giá USD tăng nhanh, NHNN đã liên tiếp bán ra ngoại tệ để giảm áp lực từ phía cung. Ngày 17/10, NHNN đã thông báo quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/- 5%. Đây là động thái điều chỉnh biên độ lần đầu tiên của NHNN sau gần 10 năm.

Nhà điều hành cũng đã tăng giá bán USD 6 lần liên tiếp 23.050 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tương đương tăng 7,4% so với đầu năm trước khi giảm trở lại (vào ngày 20/12 là 24.780 VND/USD). Cùng với đó, kể từ tháng 6, NHNN đã tái khởi động kênh tín phiếu sau hơn hai năm ngừng hoạt động và hai lần điều chỉnh lãi suất điều hành trong năm nay với mức tăng 1 điểm % mỗi lần nhằm giảm áp lực về tỷ giá.

Những lần tăng giảm giá bán USD của NHNN năm 2022 - Đơn vị: đồng/USD. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp- Đồ hoạ: Alex Chu).

Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) ước tính NHNN đã sử dụng hết 23 tỷ USD dự trữ ngoại hối (tương đương mức 20%) từ đầu năm đến nay. Dự trữ ngoại hối hiện tại có thể thấp hơn 90 tỷ USD, tương đương với hơn ba tháng nhập khẩu, được xem là ngưỡng an toàn về dự trữ ngoại hối.

Nhiều chuyên gia cho rằng "mặt trận" tỷ giá đang căng thẳng nhưng áp lực từ tâm lý găm giữ là chủ yếu (đặc biệt sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá), lượng USD chảy ra khỏi Việt Nam ít hơn rất nhiều con số NHNN đã can thiệp.

Những khoản lỗ tỷ giá phình to trên báo cáo tài chính các doanh nghiệp

Sự tăng giá mạnh của đồng USD đã tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp đặc biệt là nhóm có hoạt động xuất nhập khẩu. Các khoản lỗ từ tỷ giá đang phình to hơn trên báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp.

“Tình hình tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh hiện nay làm lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty ước đến thời điểm này là 756 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ông Phan Tử Lượng cho biết vào cuối tháng 11.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cũng cho biết: “Với tình hình này, nguy cơ ảnh hưởng đến lãi lỗ chênh lệch tỷ giá cho cả nguyên phụ liệu đầu vào, không cẩn thận chưa làm đã lỗ, chưa nói đến lỗ trong khi làm vì doanh nghiệp còn phải trả tiền lương cho người lao động”.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích MBKE, việc tỷ giá tăng có tác động đến các doanh nghiệp trong nước bởi vì kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, xuất nhập khẩu chiếm tới 200% tổng GDP của nền kinh tế.

Nhìn vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, khi tỷ giá tăng 1% ước tính sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết khoảng 1 - 2%. MBKE ước tính ảnh hưởng tỷ giá sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp phi ngân hàng khoảng 5%.

Về ngành nghề, nhìn chung, những doanh nghiệp nào có vay nợ ngoại tệ lớn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong đó có ngành thép, hàng không, điện,... Ngược lại ngành thuỷ sản, hoá chất và bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi.

Chẳng hạn như ngành hàng không, thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí và phải trả bằng USD trong khi doanh thu quốc tế vẫn chưa trở lại kể từ sau đại dịch COVID-19. Với ngành thép, nguyên liệu được nhập bằng USD, một số khoản nợ của doanh nghiệp cũng trả bằng USD.

“Ông lớn” Hoà Phát đã lần đầu tiên báo lỗ theo quý sau 13 năm với con số lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng trong quý III/2022. Nguyên nhân chủ yếu là giá tiêu thụ thành phẩm giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá nhảy vọt (lên hơn 1.400 tỷ đồng trong quý III).

Lãi/lỗ sau thuế hợp nhất của Hòa Phát - Đơn vị: tỷ đồng. (Nguồn: Đức Quyền tổng hợp từ BCTC, (*) số quý IV/2022 là dự báo của SSI).

Tỷ giá đã hết căng cứng?

Theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty cung cấp dữ liệu kinh tế Wigroup, vấn đề "tỷ giá căng thẳng" đã được xử lý dứt điểm và mọi thứ đang đảo ngược nhanh chóng.

Lãi suất của Mỹ tăng nhưng lãi suất của Việt Nam còn tăng nhanh hơn, đặc biệt với các loại lãi suất trên thị trường 1. Do đó, theo ông Báu kể cả Fed có nâng lãi suất lên tới 5,5% thì chênh lệch lãi suất vẫn ổn. Áp lực rút vốn sẽ giảm và dòng tiền có thể sẽ lại chảy về Việt Nam.

Trong nửa đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND có diễn biến khá bất ngờ trong khi tiền đồng gần như phục hồi nhanh chóng từ mức mất giá kỷ lục là 8,9% xuống chỉ còn mất giá 3,5% so với đầu năm. Sự phục hồi của tiền đồng diễn ra trong bối cảnh thị trường tiền tệ toàn cầu cũng đã đảo chiều rất nhanh trong tháng 11-12, khi đồng USD suy yếu.

Từ mức tăng kỷ lục là 19,3%, chỉ số USD Index hiện chỉ còn tăng 8,7% so với đầu năm, cùng với đó là sự mạnh lên của một loạt đồng tiền khác. “Thị trường tiền tệ thế giới đang tìm đến điểm cân bằng mới với những kỳ vọng mới cho bức tranh kinh tế và chính sách năm 2023”, báo cáo của VDSC viết.

Ông Báu cho rằng với chênh lệch lãi suất như hiện tại và xu hướng mạnh lên của VND thì dòng vốn này sẽ đảo ngược mạnh mẽ. “Vậy cho nên đã đến giai đoạn chúng ta nên giảm sự quan tâm đến chính sách lãi suất của Fed”, ông đánh giá.

Cùng với đó, cán cân vãng lai được dự báo sẽ phục hồi rất mạnh trong năm 2023 khi cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư lớn và xuất nhập khẩu dịch vụ phục hồi (thay vì âm 4 tỷ USD mỗi quý sẽ chỉ còn âm khoảng 2 tỷ USD mỗi quý trong năm 2023) khi Trung Quốc mở cửa trở lại và khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.

Chuyên gia cũng cho rằng không có động lực nào đủ lớn để chỉ số USD Index tăng vọt lên lại vùng 110-120. Có chăng rủi ro đến nhiều hơn từ nhân dân tệ. Do đó trong thời gian tới, xu hướng USD/ VND sẽ yếu đi hoặc nếu có tăng thì NHNN có thể xử lý nhanh gọn. Hay nói cách khác xu hướng mua USD của NHNN sẽ là xu hướng chủ đạo.

 Đồ hoạ: Alex Chu.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/song-gio-ty-gia-2022-khi-chu-ky-that-chat-tien-te-toan-cau-khoi-dong-2023116171258771.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/