|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sinh sau đẻ muộn, Gojek lấy gì để cạnh tranh trong mảng gọi xe 4 bánh mới?

15:00 | 23/11/2021
Chia sẻ
Gojek tiếp tục khẳng định sẽ không "đốt tiền" chạy theo công nghệ và khuyến mãi trong mảng dịch vụ gọi xe 4 bánh mới của mình.
Sinh sau đẻ muộn, cơ sở nào cho tham vọng cạnh tranh mảng gọi xe 4 bánh của Gojek? - Ảnh 1.

Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam tại buổi ra mắt GoCar. (Ảnh: Gojek Việt Nam).

Sau ba năm có mặt tại Việt Nam, đầu tuần này, Gojek (GoViet) đã có màn ra mắt dịch vụ gọi xe bốn bánh đầu tiên của mình. Dịch vụ được triển khai bước đầu tại TP HCM với dòng sản phẩm GoCar Protect.

Sản phẩm GoCar Protect được công ty thử nghiệm hồi tháng 8/2021 trong việc chuyên chở lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch tại TP HCM. Được giới thiệu sẽ mang đến sự bảo vệ cho người dùng với ba lớp chống khuẩn như các tài xế đều tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19, mỗi xe đều được trang bị tấm chắn và dung dịch khử khuẩn, cuối cùng là bộ máy lọc không khí.

Gojek dự kiến sẽ sớm mở rộng dịch vụ GoCar tại Hà Nội, và sẽ triển khai thêm nhiều dòng dịch vụ khác bên cạnh GoCar Protect, khi tình hình dịch COVID-19 giảm nhẹ. Đây có thể đánh giá là bước đi có phần thận trọng của Gojek trong khi hai đối thủ trên thị trường là Be Group và Grab Việt Nam đã triển khai dịch vụ gọi xe bốn bánh từ lâu.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt dịch vụ mới, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam cho biết công ty đã giữ lời hứa mở rộng dịch vụ khi lần đầu tiên cung cấp vào tháng 8. 

"Chúng tôi đã cam kết sẽ mở rộng dịch vụ GoCar để phục vụ đông đảo người dân khi nào thành phố khoẻ hơn và các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng. Nay GoCar chính thức ra mắt người dùng", ông Đức nói.

Chiến lược của Gojek trong mảng gọi xe 4 bánh

Sinh sau đẻ muộn trong khi các đối thủ đã sớm có mặt trên thị trường, chia sẻ tại sự kiện ra mắt, vị CEO Gojek nói rằng công ty sẽ tập trung vào hai chiến lược cốt lõi. Thứ nhất là giải quyết nhu cầu của người dùng tại một thời điểm nhất định. Thứ hai, hãng sẽ không chạy đua khuyến mại hay theo công nghệ mới nhất, hiện đại nhất.

Ông Đức cho rằng hai yếu tố này vốn dĩ là cách thức mà Gojek được sinh ra, hoạt động xuyên suốt từ năm 2010 đến nay. 

Tại quê nhà Indonesia, nơi Gojek được thành lập thời điểm đó có rất nhiều dịch vụ gọi xe bốn bánh như Uber, Easy Taxi. Điều này đã khiến vấn nạn kẹt xe trở nên trầm trọng.Trong khi đó, các tài xế xe ôm lâm vào cảnh khó khăn, bấp bênh thu nhập. Giải hai bài toán này, Gojek được ra đời.

"Đó cũng là cách chúng tôi chọn thời điểm ra mắt GoCar khi nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân thành phố tăng cao. Khi dịch COVID-19 bùng phát, ngoài di chuyển, mọi người còn quan tâm về an toàn, sức khỏe, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những rủi ro. Chúng tôi có trong tay năng lực giúp đỡ mọi người và giải quyết vấn đề, đó là lý do chúng tôi ra mắt loại hình gọi xe bốn bánh", ông Đức chia sẻ.

Mặt khác, ông Phùng Tuấn Đức cho biết, trong gần ba năm qua, Gojek Việt Nam tập trung vào việc xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh, bao gồm hàng triệu khách hàng, hàng chục nghìn nhà hàng, và gần đây nhất nền tảng này đã cán mốc 200.000 đối tác tài xế.

"Với việc xây dựng một nền móng vững mạnh, phát triển hệ sinh thái đủ lớn, chúng tôi đã sẵn sàng để mở sản phẩm, dịch vụ mới, bắt đầu với dịch vụ gọi xe ô tô (GoCar), sau đó là thanh toán thẻ", ông Đức lý giải.

Về yếu tố tài xế, CEO Gojek Việt Nam cho hay hãng đang cố gắng tạo ra thu nhập tốt nhất cho các tài xế bằng cách bổ sung một số dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng bên cạnh gọi xe. Ngoài ra, hãng cũng sẽ có hỗ trợ các tài xế sau thời gian thành phố giãn cách. "Đối với các tài xế, việc có thu nhập ổn định từ GoCar là điều kiện rất quan trọng", ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Phát triển đối tác tài xế tại Gojek Việt Nam, nói.

Như vậy đến nay Gojek tại Việt Nam đã triển khai 4 dịch vụ gồm: GoRide (dịch vụ gọi xe công nghệ hai bánh), GoFood (dịch vụ đặt món trực tuyến), GoSend (dịch vụ giao hàng) và GoCar (dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ. Hiện người dùng tại TP HCM khi sử dụng GoCar có thể đặt xe và thanh toán bằng tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.

Thiên Trường

[LIVE] ĐHĐCĐ Techcombank: Phát triển thêm các mảng không phải thế mạnh như SME, tín dụng tiêu dùng
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.