Sếp cũ VNG nói về tiềm năng trên sân chơi mạng viễn thông ảo - lĩnh vực mà Masan cũng vừa chi 300 tỷ để nhập cuộc

Ông Vũ Minh Trí hiện là CEO Asim Telecom, một đơn vị đang cạnh tranh cùng các công ty khác, nổi bật là Reddi trên thị trường mạng viễn thông ảo.

Xuất hiện trên sóng chương trình CafeTalk số mới nhất là ông Vũ Minh Trí – CEO Asim Telecom, đồng thời là cựu Phó tổng giám đốc VNG, đã có chia sẻ xoay quanh lĩnh vực công nghệ viễn thông.

Cựu lãnh đạo kỳ lân VNG: Xây dựng mạng viễn thông riêng để truyền bá văn hóa Việt, đi sau nhưng có lợi thế trong cuộc chơi mạng viễn thông ảo - Ảnh 1.

Ông Vũ Minh Trí muốn xây dựng Asim Telecom với sứ mệnh truyền bá văn hóa Việt Nam tới khách hàng. (Ảnh: Doanh nghiệp hội nhập).

Lợi thế của các nhà mạng ảo

"Asim cũng giống những câu chuyện khác, bắt đầu bằng những mục tiêu rõ ràng: Với lợi thế đang có trong tay, công ty muốn đạt được cái gì?", ông Trí cho biết. Đồng thời, ông khẳng định cái mà Asim muốn đạt được chính là làm sao có thể cung cấp cơ hội cho tất cả những người sử dụng sản phẩm công nghệ khả năng chuyển đổi một cách tự nhiên và dễ dàng nhất.

Thông thường, khi đề cập đến các nhà mạng, nhiều người thường nghĩ ngay tới các gói cước hoặc sim số đẹp. Ông Trí cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. "Các nhà mạng có khoảng 1,2 triệu người dùng rồi cung cấp các dịch vụ về viễn thông, data, điện thoại, nhắn tin, sim số đẹp thì chắc chắn họ sẽ có mô hình kinh doanh rất tốt", lãnh đạo Asim khẳng định.

Theo ông Trí, một số nhà mạng khi có mô hình kinh doanh tốt như vậy thì sẽ hài lòng và dừng lại, trong khi Asim đang sở hữu nhà mạng ảo có tên Local, mục tiêu mà công ty hướng đến là làm tốt hai mảng: Viễn thông và tài chính.

"Đây là hai nền tảng cơ bản bắt buộc phải làm tốt để mọi người có thể có sóng điện thoại kết nối internet và có sẵn ngân hàng số ở đấy. Khi đó, con người sẽ có rất nhiều dịch vụ để chuyển đổi số cuộc sống của bản thân. Đây là cái đích mà Asim hướng đến", ông Trí khẳng định.

Dựa trên nền tảng đó, công ty chia mức độ cung cấp thành ba tầng khác nhau. Tầng đầu tiên cơ bản nhất là sản phẩm, tầng thứ hai liên quan tới dịch vụ và tầng cuối cùng là toàn bộ câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng sử dụng.

Theo giới thiệu của ông Trí, đây chính xác là lý do mà Asim đặt tên nhà mạng là Local. "Local mang ý nghĩa đó là làm sao để mọi người hiểu được một cách chân thực nhất về mỗi nơi mà họ đặt chân đến. 

Ví dụ, khi đi du lịch một địa điểm, chắc hẳn nhiều muốn tìm các quán ăn mà người địa phương ăn thay vì những quán được nhiều khách du lịch đến ăn. Từ đó, Local muốn nói lên rằng nhà mạng này phải cung cấp được các dịch vụ mang đậm tính địa phương, trước tiên là dành cho người Việt, kế đến là người nước ngoài", ông Trí chia sẻ.

Sứ mệnh của Local lẫn Asim rất lớn: Làm sao để giới thiệu được những tinh hoa, những gì hay ho nhất ở từng vùng miền trên khắp Việt Nam, kế đó là câu chuyện văn hóa ở từng làm, xóm, tỉnh thành tới mọi người. Chính vì lý do đó, đối tượng mà Local nhắm đến là sự khám phá, tò mò trong mỗi con người.

"Ai cũng sẽ muốn khám phá những cái mới. Những câu chuyện văn hóa chính là yếu tố làm thỏa mãn trí tò mò của khách hàng. Ví dụ: Tại sao cơm tấm luôn luôn đi liền với bì chả, hay câu chuyện văn hóa bún thang là gì? Chính những câu chuyện này sẽ đánh vào trí tò mò của khách hàng", ông Trí cho biết.

Thị trường nóng dần

Trong thời gian gần đây, ông lớn Masan đã chi khoảng 300 tỷ đồng để mua lại CTCP Mobicast (Mobicast/Reddi), qua đó khiến thị trường mạng di động viễn thông ảo được chú ý nhiều hơn.

Dù vậy, ông Trí lại có định nghĩa dễ hiểu hơn về mạng viễn thông ảo. "Với những nhà mạng có hạ tầng, họ sẽ tập trung vào hai phần là cung cấp dịch vụ (data điện thoại, nhắn tin, giá trị gia tăng,…) và quản lý hạ tầng (trạm BTS, đường truyền,…). Theo đó, những nhà mạng mà chúng ta hay gọi là nhà mạng ảo chính là những nhà mạng không có hạ tầng. Khi đó, họ sẽ chỉ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tốt nhất tới khách hàng".

Là một người đi sau trên thị trường này, ông Trí khẳng định Asim có cả những bất lợi và lợi thế. "Việc đi sau sẽ khiến công ty cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu, phát triển khách hàng. Ngược lại, việc đi sau cũng giúp công ty có lợi thế hơn về công nghệ. Những người đi đầu phải chi rất lơn để đầu tư công nghệ, nhưng hiện đã lỗi thời, do đó những người đi sau được thừa hưởng điều này", ông Trí cho biết.

Lãnh đạo Asim chia sẽ hiện tại là thời điểm "chín" đối với các nhà mạng cung cấp dịch vụ. Sự phát triển của công nghệ liên quan đến điện toán đám mây, Big Data, blockchain, bảo mật,… sẽ giúp các đơn vị này cung cấp những dịch vụ tốt hơn.

Ngoài ra, những người đi sau cũng có thể học được những bài học từ những người đi trước, cả ở trên thế giới lẫn tại Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng định hướng rõ ràng cũng như tìm ra sự khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sep-cu-vng-noi-ve-tiem-nang-tren-san-choi-mang-vien-thong-ao-linh-vuc-ma-masan-cung-vua-chi-300-ty-de-nhap-cuoc-20220120112048503.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/