Sau Mekong Capital thoái vốn, chủ chuỗi nhà hàng Gogi, SumoBBQ, Vuvuzela... - Golden Gate đang làm ăn ra sao?

Sở hữu loạt thương hiệu "chi phối" đời sống ăn uống như Kichi Kichi, Sumo BBQ, Vuvuzela, Gogi..., Golden Gate có hơn 18 triệu lượt tiêu dùng trong năm 2018, mang về khoản doanh thu gần 4.000 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 270 tỉ đồng, bỏ khá xa so với đối thủ Redsun, Pizza 4PS hay Chảo Đỏ.

Đứng sau hơn 20 thương hiệu chuỗi cửa hàng tại Việt Nam 

Lẩu băng chuyền Kichi Kichi, thịt nướng Gogi House, Sumo BBQ, trạm bia Vuvuzela, đồ ăn Nhật Bản Isushi, pizza Cowboy Jack's... Loạt điểm đến này có khiến dân Sài thành và Hà Nội nghĩ đến đôi ba cuộc hẹn cuối tuần, một dịp liên hoan hay vài bữa nhậu với bạn bè? 

Trên đây là một vài cái tên trong danh sách hơn 20 thương hiệu chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu của CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) - được xem là "ông hoàng" trong lĩnh vực nhà hàng tại thị trường Việt Nam. 

Ra đời từ năm 2005, xuất phát là một nhà hàng lẩu nấm Ashima, Golden Gate tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua việc liên tục hình thành các các thương hiệu mới, với các "concept" khác nhau: lẩu, nướng, trạm bia, văn hoá ẩm thực Nhật, Hàn, Mông Cổ, Việt Nam, phương Tây, Đài Loan, và nhận quyền thương hiệu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Golden Gate có qui mô tài sản 1.968 tỉ đồng, sở hữu 22 thương hiệu, có hơn 300 nhà hàng tại 25 thành phố. Hiện tại, thịt nướng GoGi House đang là thương hiệu của Golden Gate có số cửa hàng lớn nhất (89 cửa hàng), xếp sau là lẩu băng chuyền Kichi Kichi (73 cửa hàng), Sumo BBQ (27 cửa hàng), Hutong (25 cửa hàng), trạm bia Vuvuzela (17 cửa hàng)... 

Năm 2019, Golden Gate sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, nhắm mục tiêu mở 80 nhà hàng mới ở tầng 1, thành phố cấp 2 và các tỉnh ở Việt Nam. 

Sau Mekong Capital thoái vốn, chủ chuỗi nhà hàng Gogi, SumoBBQ, Vuvuzela... - Golden Gate đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Các thương hiệu và số lượng cửa hàng tại Việt Nam, thuộc sở hữu Golden Gate.

Lãi sau thuế gần 270 tỉ đồng 2018, bỏ xa đối thủ Redsun 

Việc quĩ đầu tư Mekong Capital rót vốn và hậu thuẫn là một trong những động lực tạo nên sự tăng trưởng không ngừng của Golden Gate. Loạt thương hiệu "chủ chốt" như Kichi Kichi, Gogi House, Sumo BBQ, Vuvuzela,... ra đời trong khoảng thời gian Mekong Capital đồng hành cùng với công ty. 

Tháng 8/2014, Mekong Capital thoái vốn khỏi Golden Gate, đem lại tỉ lệ lãi bằng 9,1 lần giá trị đầu tư ban đầu và tỉ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 45,1% sau 6 năm.

Sau khi Mekong Capital rút lui, Golden Gate tiếp tục phát triển các thương hiệu mới, như Cowboy Jack's, Hutong Hotpot Paradise, K-pub, và nhận nhượng quyền thương hiệu của Singapore, Nhật Bản... 

Cùng với việc mở rộng các thương hiệu mới, doanh thu và lợi nhuận của Golden Gate tiếp tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2018, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Golden Gate là 3.971 tỉ đồng là 269 tỉ đồng, tăng lần lượt 16,5% và gần 5% so với năm 2017. 

Tuy nhiên, các con số tài chính ba năm gần đây cho thấy tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của Golden Gate có xu hướng giảm, từ 8,7% trong năm 2016 xuống 6,8% vào năm 2018. Điều này đồng nghĩa mức sinh lời của "ông trùm" Golden Gate có dấu hiệu kém đi. 

Ban Giám đốc Golden Gate cho biết biên độ lợi nhuận sau thuế thấp hơn tạm thời là kết quả của chi phí một lần phát sinh trong năm cho các sáng kiến phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty trong những năm tới.

Theo Nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông năm 2019, Golgen Gate cho biết công ty sẽ tập trung vào việc cải thiện tỉ suất lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí nguyên liệu thô và tăng cường các số liệu hoạt động để tiếp tục mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ  trong các mục tiêu lợi nhuận và doanh thu thuần.

Năm 2019, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần gần 4.822 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2018; lãi sau thuế 345 tỉ đồng, tăng 28%. 

Sau Mekong Capital thoái vốn, chủ chuỗi nhà hàng Gogi, SumoBBQ, Vuvuzela... - Golden Gate đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Nguồn dữ liệu: Báo cáo thường niên của Golden Gate. Tổng hợp: Tuệ An.

Trong cùng lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng nhà hàng lẩu nướng và hướng tới phân khúc khách hàng tầm trung, CTCP Đầu tư Thương mại quốc tế Mặt trời đỏ (Redsun) là đối thủ đến sau của Golden Gate. 

Ra đời sau Golden Gate khoảng ba năm, Redsun sở hữu khoảng 220 cửa hàng với các thương hiệu ẩm thực cao cấp, các chuỗi nhà hàng sang trọng. Có thể kể đến những tên tuổi quen thuộc như: ThaiExpress, KingBBQ, KhaoLao, Seoul Garden... 

Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận mà Golden Gate thu về vẫn đang cách xa so với đối thủ Redsun. Năm 2018, doanh thu thuần của Golden Gate gấp 6 lần so với Redsun - ITI. Trong khi lãi sau thuế của Golden Gate ba chữ số thì Redsun-ITI vẫn khiêm tốn ở mức 1,4 tỉ đồng. 

Sau Mekong Capital thoái vốn, chủ chuỗi nhà hàng Gogi, SumoBBQ, Vuvuzela... - Golden Gate đang làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Số liệu về Redsun, Pizza 4PS, Chảo Đỏ được cung cấp bởi CTCP Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam – VIRAC. Tổng hợp: Tuệ An.

Ngoài Golden Gate, hai công ty khác trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng được quĩ đầu tư Mekong Capital để ý và hậu thuẫn là CTCP Ẩm thực Chảo Đỏ (Wrap&Roll) và CTCP Pizza 4PS. 

Tiền thân của Chảo Đỏ là công ty Gói & Cuốn được thành lập từ năm 2006, kinh doanh về chuỗi nhà hàng món Việt. Ra đời sau Golden Gate một năm, tới 2017 thì Gói & Cuốn mới được Mekong Capital rót vốn và công ty đổi tên thành CTCP ẩm thực Chảo Đỏ.

Hiện tại, Chảo Đỏ đang sở hữu 14 cửa hàng cuốn Wrap& Roll và chuỗi 12 nhà hàng Lẩu Bò Sài Gòn, phân phối chủ yếu nằm tại các tỉnh miền Nam. Trong ba năm gần đây, Chảo Đỏ vẫn đang liên tục chịu lỗ. Riêng trong năm 2018, Chảo Đỏ lỗ hơn 64 tỉ đồng, chiếm hơn 34% doanh thuần tạo ra. 

So với Chảo Đỏ, khoản đầu tư của Mekong Capital vào Pizza 4PS đang cho thấy tín hiệu tích cực hơn. Pizza 4PS viết tắt từ "Pizza for Peace - Pizza vì Hòa bình", là chuỗi thương hiệu pizza với phô mai tự sản xuất, đang có 7 cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Sau 4 năm ra mắt, nhưng hoạt động kinh doanh của Pizza 4PS đã có lãi và liên tục tăng trưởng. Năm 2018, doanh thu thuần của Pizza 4PS là 411 tỉ đồng, tăng 45% so với năm 2017. Lãi sau thuế năm 2018 là hơn 41 tỉ, tăng 61%. Công ty ghi nhận mức tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần hơn 10%, cao hơn mức tỉ suất 6,8% của Golden Gate trong năm 2018.

Nhìn chung, với gần 15 năm có mặt trên thị trường, Golden Gate đã đạt được một số kết quả ấn tượng trong lĩnh vực nhà hàng với hơn 18 triệu lượt tiêu dùng trong năm 2018 và doanh thu gần đến 4.000 tỉ đồng, lãi sau thuế gần 270 tỉ đồng, bỏ khá xa Redsun, Pizza 4PS hay Chảo Đỏ.

Golden Gate Partners - Cổ đông lớn nhất của Golden Gate 

Những người sáng lập nên Golden Gate là ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung. 

Hiện tại, ông Đào Thế Vinh đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty, nắm 5,4% cổ phần của Golden Gate. Ông Vinh cũng vừa được bầu vào Thành viên HĐQT của CTCP đầu tư Thế Giới Di Động trong nhiệm kì 2018-2019. 

Ông Nguyễn Xuân Tường, Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Golden Gate đang nắm 4,1% cổ phần. Ông Trần Việt Trung, Thành viên HĐQT đang nắm 4,6% cổ phần của công ty. CTCP Golden Gate Parters (do ông Trần Việt Trung làm giám đốc) nắm giữ 44,2% cổ phần. Công ty TNHH Prosperity Food Concrepts đang nắm giữ 37,9% cổ phần. 

Sau Mekong Capital thoái vốn, chủ chuỗi nhà hàng Gogi, SumoBBQ, Vuvuzela... - Golden Gate đang làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông Golden Gate tính đến ngày 22/5/2019. Biểu đồ: Tuệ An.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-mekong-thoai-von-chu-chuoi-nha-hang-gogi-sumobbq-vuvuzela-golden-gate-dang-lam-an-ra-sao-20190527164012979.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/