Bị dừng thực hiện nghị quyết bầu HĐQT, Vinaconex lúng túng kêu gọi cổ đông đoàn kết

Chiều ngày 1/4/2019, Công ty cổ phần XNK Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức cuộc gặp mặt và thông tin bất thường liên quan đến việc cổ đông của công ty này khởi kiện yêu cầu hủy Nghị quyết phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 và đề nghị Tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn, dừng thực hiện nghị quyết bị cho là trái luật này.

Cuộc họp bất thường do ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT (theo Nghị quyết đã bị dừng thực hiện) và ông Dương Văn Mậu chủ trì, vắng mặt Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông với lý do đi công tác. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều cổ đông và đại diện các cơ quan báo chí.

Ngay đầu cuộc họp, ông Đào Ngọc Thanh đã thanh minh những vấn đề liên quan đến vụ việc Công ty bị kiện và đặc biệt là việc Tòa án quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được ban hành tại cuộc họp bất thường ngày 11/1/2019 (cuộc họp này được tổ chức để bầu 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát, thay thế các thành viên cũ, vốn có nhiệm kỳ từ năm 2017 đến năm 2022).

Trước đó, một số cổ đông lớn của Vinaconex cho rằng, sau khi Công ty An Quý Hưng nhận chuyển nhượng 57,7% vốn điều lệ từ SCIC đã có hành vi “thâu tóm quyền lực” kiểm soát bộ máy nhân sự Công ty; sửa đổi quy chế quản trị và quy chế tài chính để cho phép cá nhân Chủ tịch, Tổng giám đốc quyết định giao dịch tới hàng ngàn tỉ đồng; thực hiện hàng loạt những quyết định có nguy cơ làm cạn kiệt mọi nguồn tài chính của Công ty. Do đó, các cổ đông này đã khởi kiện, yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Bị dừng thực hiện nghị quyết bầu HĐQT, Vinaconex lúng túng kêu gọi cổ đông đoàn kết - Ảnh 1.

Đại diện Vinaconex cung cấp thông tin cho báo chí

Cuộc họp này có hợp pháp hay không sẽ cần nhiều tháng nữa để Tòa án xem xét theo hồ sơ vụ kiện và có quyết định cuối cùng. Vấn đề đặt ra lúc này là Vinaconex thực hiện quyết định của Tòa án về việc dừng thực hiện Nghị quyết phiên họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông như thế nào? Tại cuộc họp, ông Đào Ngọc Thanh và ông Dương Văn Mậu cho rằng, Công ty tổ chức cuộc họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 là đúng pháp luật vì cuộc họp này không phải do cổ đông Công ty An Quý Hưng triệu tập mà do HĐQT (cũ) của Công ty triệu tập. Ông Thanh lý giải thêm, Công ty An Quý Hưng đã có văn bản đề nghị SCIC thực hiện cam kết với nhà đầu tư khi chuyển nhượng cổ phần là tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông để bầu HĐQT mới, chuyển giao quyền lực cho nhà đầu tư tiếp cận, quản trị doanh nghiệp. Do đó, ông Thanh tự tin rằng, cuộc họp ngày 11/1/2019 là hợp pháp.

Trả lời câu hỏi này của Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đào Ngọc Thanh và ông Dương Văn Mậu đã lúng túng, không hiểu phải trả lời như thế nào nên đã ủy thác cho Luật sư Lê Thanh Sơn, Công ty luật AIC làm rõ.

Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, theo đúng quy định của pháp luật, khi Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn, buộc Công ty dừng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 thì đồng nghĩa với việc HĐQT hiện nay của Công ty không được phép hoạt động.

Cũng theo ông Lê Thanh Sơn giải thích, khi quyết định của Tòa án đang có hiệu lực thì HĐQT mới được bầu theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 không được phép tiếp tục hoạt động. Nếu HĐQT này hoạt động sẽ là phạm luật; các quyết định của HĐQT hiện nay không có giá trị. Điều đó đồng nghĩa với việc cần phải khôi phục HĐQT cũ.

Do đó, theo ông Lê Thanh Sơn thì Công ty Vinaconex đang ở tình trạng khó khăn, song tình trạng này là phổ biến và có tiền lệ. Do đó, Công ty đề nghị các cổ đông đoàn kết để kiến nghị tòa hủy quyết định ngăn chặn này.

Bị dừng thực hiện nghị quyết bầu HĐQT, Vinaconex lúng túng kêu gọi cổ đông đoàn kết - Ảnh 2.

Luật sư Lê Thanh Sơn


Nói về vấn đề này, một số cổ đông của Vinaconex cho rằng, việc yêu cầu Tòa án hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/01/2019 của Vinaconex là cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ đúng pháp luật trong hoạt động của Vinaconex. Việc này không những không làm tổn hại gì cho công ty mà ngược lại, bảo vệ được lợi ích lâu dài cho Tổng công ty và các cổ đông.

Liên quan đến khiếu nại của Vinaconex đối với các quyết định của Tòa án, ông Dương Văn Mậu cho biết, hiện nay chưa nhận được thông báo nào từ tòa án về việc giải quyết khiếu nại. Vấn đề này, cổ đông pháp nhân là Công ty Star Invest cho rằng, việc TAND Quận Đống Đa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT buộc Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/01/2019 thuộc phạm vi thẩm quyền quyết định của Đại hội cổ đông và HĐQT. Tổng Giám đốc chỉ là người thực thi quyết định của ĐHĐCĐ và HĐQT, chứ không có quyền đơn phương công bố các khiếu nại nên khiếu nại của Tổng giám đốc là không đúng.

Cũng theo vị đại diện này, Star Invest nhận được giấy mời họp ngày 1/4 của Tổng Giám đốc Vinaconex với nội dung trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bên liên quan về công tác tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019, với thành phần tham dự là các cổ đông, không có các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này đã trở thành cuộc họp báo khi các nhà báo được mời đến đông đủ, trở thành diễn đàn để cổ đông An Quý Hưng bày tỏ quan điểm chứ không phải cuộc gặp gỡ trao đổi thông thường.

Liên quan đến lo ngại của các cổ đông về việc HĐQT được tăng quyền quyết định sử dụng tài sản và vốn của Công ty, ông Dương Văn Mậu và ông Đào Ngọc Thanh cùng giải thích đây là nhu cầu cần thiết để công ty năng động hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. “Nếu Tổng giám đốc chỉ được quyết định đầu tư đến 5 tỷ, Chủ tịch HĐQT được quyết định đến 15 tỷ thì chỉ mua được chiếc xe ô tô nên cần phải tăng quyền chi tiêu cho các chức danh này”, ông Dương Văn Mậu nói.

Đây chính là quan ngại của cổ đông về các rủi ro tài chính khi Chủ tịch HĐQT và TGĐ được giao quyền quá lớn. Điển hình là việc Vinaconex quyết định chi ra 700 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển để đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu quỹ, trái với quy chế tài chính và ông Dương Văn Mậu đã giải thích đây là một quyết định đầu tư vì khi mua với giá 28 nghìn/cổ phần, sau này lên 40 nghìn sẽ bán, thu lợi. Song, nếu giá cổ phiếu giảm thì khoản lỗ này ai chịu, và nếu cần đầu tư phát triển công ty mà không bán được cổ phiếu thì lấy nguồn vốn từ đâu? Vấn đề này đã không được ông Đào Ngọc Thanh và ông Dương Văn Mậu làm rõ tại cuộc họp.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sap-co-hang-hang-khong-su-dung-may-bay-dien-2019040121221389.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/