Sao phải tính ‘triệt đường’ dân nhập cư vào TP HCM, Hà Nội?

Trước đề xuất tăng thuế để có thể hạn chế dân nhập cư vào TP HCM và Hà Nội, hầu hết bạn đọc Thanh Niên đều phản đối, vì cho rằng tăng thuế không chỉ ảnh hưởng đến người dân nhập cư, mà còn tác động đến chính dân cư lâu năm tại 2 thành phố lớn nhất cả nước này.

avatar_1574497590628

Gồng gánh mưu sinh trên đường phố TP HCM. Ngọc Dương.

Tăng thuế kiểu đó “rất phản cảm”

Ngày 22.11, tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng nên dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP.HCM. 

Tức, chỉ có người có thu nhập cao mới có thể ở lại 2 thành phố lớn này.

Ý kiến của GS Đặng Hùng Võ được nhận định sẽ giảm bớt dân nhập cư vào TP.HCM và Hà Nội và “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.

Trước nhận định này, nhiều bạn đọc Thanh Niên tỏ ý không tán thành: “Nếu nghĩ người nhập cư "nghèo" là một sai lầm to. Người nhập cư tạo ra thu nhập rất nhiều, vài chục triệu mỗi tháng là bình thường. 

Hơn nữa họ cũng đáp ứng rất nhiều nhu cầu cho đời sống đô thị từ công ăn việc làm, dịch vụ... Bình đẳng cho tất cả những doanh nhân dù là “doanh nhân vỉa hè”.

Có ý kiến bạn đọc cho rằng, việc gia tăng di cư từ các địa phương đến các thành phố lớn, có nguyên nhân là có những địa phương tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn; người dân ở đó khó khăn trong mưu sinh nên buộc lòng phải tìm sinh kế ở nơi khác…

“Cái cần làm là phát triển kinh tế các tỉnh lân cận sao cho mức sống so với các thành phố lớn không quá chênh lệch, thì sẽ góp phần hạn chế di dân cơ học… Tăng thuế kiểu đó rất phản cảm”, bạn đọc Huynh (TP.HCM) bày tỏ quan điểm.

Sao phải tính ‘triệt đường’ dân nhập cư vào TP HCM, Hà Nội? - Ảnh 2.

Người nhập cư cũng đáp ứng rất nhiều nhu cầu cho đời sống đô thị từ công ăn việc làm, dịch vụ...

Bạn đọc hiến kế

Trước đề xuất được cho là chưa thỏa đáng và gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều bạn đọc Thanh Niên tham gia hiến kế cho tình trạng di dân cơ học vào các thành phố lớn.

Bạn đọc Duy Linh (TP.HCM) lật ngược vấn đề: “Nên tìm cách thu hút dân về các tỉnh, đừng tìm cách đẩy dân ra khỏi thành phố”.

Một độc giả khác đồng quan điểm, cho rằng chênh lệnh mức sống là nguyên dân chính dẫn đến sự di cư này: “Hãy tạo công ăn việc làm ở tỉnh ổn định, thăng tiến, cũng như môi trường sống, y tế tốt…, thì họ tự khắc sẽ ở quê, tội gì phải sống ở thành phố đầy ô nhiễm, kẹt xe, chen chúc”.

Bạn đọc Tri Minh (TP.HCM) cho rằng nên quản lý dân nhập cư theo biện pháp hành chính, là quản lý nhân khẩu theo nghề nghiệp: “Tăng thuế kiểu đó chính dân thành phố cũng phải di dân về tỉnh, vì mức lương và thu nhập cho công việc theo cấp nhân viên hiện tại đã không thể mua nổi đất với nhà. 

Thà như quản lý người nhập cư theo công ăn việc làm tại các khu công nghiệp thì hợp lý hơn, kết hợp với cơ quan hành chính địa phương quản lý người nhập cư vào khu vực địa phương mình, nếu ai không có công việc hợp pháp ổn định, thì không cấp tạm trú tạm vắng cho họ, buộc phải rời khỏi địa phương đó”.

“Thay vì có suy nghĩ cấm đoán, chúng ta nên có suy nghĩ mở để mọi người có thể góp công sức lao động, tăng nguồn thu cho thành phố”, bạn đọc Lê Minh (TP.HCM) chốt lại vấn đề một cách ôn hòa.

Sao phải tính ‘triệt đường’ dân nhập cư vào TP HCM, Hà Nội? - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến bạn đọc Thanh Niên cho rằng, không nên có thiên kiến về người nhập cư. Trước xu hướng dân cư dồn về các thành phố lớn, thì việc quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội... phải được bài bản hơn, hoàn chỉnh hơn để tạo môi trường sống văn minh, hiện đại. Ngọc Thắng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sao-phai-tinh-triet-duong-dan-nhap-cu-vao-tp-hcm-ha-noi-20191123153114211.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/