Sản phẩm từ nguyên vật liệu Trung Quốc có thể được ghi xuất xứ Việt Nam theo Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc

Một cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie nói rằng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ Trung Quốc rồi tạo thành phẩm trong nước, theo quy định của Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc, họ có thể khai xuất xứ Việt Nam.

Nghi vấn "Asanzo nhập hàng Trung Quốc rồi đội lốt hàng Việt Nam" là đề tài nổi cộm trong buổi sinh hoạt chuyên đề "Thế nào là "Made in Vietnam" do Câu lạc bộ café Số và Viện IPS tổ chức ngày 17/7 tại Hà Nội.

Ý kiến của các diễn giả trong buổi sinh hoạt mang tới những góc nhìn đa dạng về xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh dư luận vẫn đang tranh cãi về việc Asanzo lừa dối khách hàng hay không.

Phát biểu trong sự kiện, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng chính phủ đã ban hành Nghị định 43, Nghị định 89 về dán nhãn lên sản phẩm, nhưng các văn bản đó đều chưa đưa ra tiêu chí cụ thể về "Made in Việt Nam".

Quy tắc xuất xứ có tính tùy biến rất cao

Ông Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie, nhận định rằng, ở góc độ người tiêu dùng, nhận thức về xuất xứ sẽ hoàn toàn khác. Theo ông, nhiều người phê phán Asanzo nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc rồi đội lốt hàng Việt Nam. 

"Nhưng giả sử Asanzo nhập khẩu toàn bộ linh kiện từ Nhật Bản, lắp ráp trong nước và gắn mác 'Made in Việt Nam', liệu một số người còn tố họ lừa người tiêu dùng không? Đây là câu hỏi mà cơ quan quản lí khó có thể đưa ra câu trả lời đúng 100%", ông Trung nói.

Pham Van Tam

Ông Phạm Văn Tam cho biết hiện nhà xưởng, công nhân của công ty bị treo sau vụ việc báo chí phản ánh về xuất xứ sản phẩm. Ảnh: BizLive

Quan điểm của ông Trung là: Với người tiêu dùng, tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng hàng hóa, chứ không phải xuất xứ. Vì một bộ phận người tiêu dùng không tin chất lượng hàng Trung Quốc nên họ phê phán Asanzo. Nhưng nếu Asanzo nhập linh kiện Nhật Bản, kịch bản tương tự có thể không xảy ra.

"Vì vậy, khi đánh giá hành vi liên quan tới nhãn mác, xuất xứ, chúng ta nên có góc nhìn khách quan và chia sẻ khó khăn với cơ quan quản lí", ông nói.

Luật sư Trung kể rằng ông từng gặp nhiều khách hàng lớn, có ý thức tuân thủ quy tắc xuất xứ nhưng họ vẫn mắc sai lầm. Thực tế đó cho thấy xác định xuất xứ là việc rất phức tạp. 

"Nếu cơ quan quản lí đưa ra quy định quá chặt, doanh nghiệp có thể phàn nàn rằng giới chức gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh. Nhưng nếu quy định quá lỏng, người tiêu dùng sẽ lo ngại về chất lượng sản phẩm", ông Trung nói.

Việc Asanzo được phép dán nhãn "Made in Việt Nam" vẫn có khả năng xảy ra

Ông Trung nói chính phủ đã ban hành quy định về ghi xuất xứ trên nhãn mác, theo đó nhà sản xuất tự kê khai xuất xứ dựa trên pháp luật Việt Nam và những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. 

Doanh nghiệp chỉ có thể dựa vào quy định của FTA hoặc pháp luật hiện hành, chứ không thể dựa vào cả hai vì chúng khác nhau. 

"Như vậy, khả năng doanh nghiệp không thể xác định xuất xứ một sản phẩm có thể xảy ra. Các cơ quan chức năng cũng không đặt trách nhiệm xác định xuất xứ lên nhà sản xuất", ông Trung nhận định.

Nếu pháp luật hiện hành xung đột với quy định của FTA, các nước đều ưu tiên cam kết quốc tế. Về trường hợp của Asanzo, luật sư Trung nói việc Asanzo được phép dán nhãn "Made in Việt Nam" vẫn có khả năng xảy ra.

Luat su Trung

Luật sư Trần Ngọc Trung, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie. Ảnh: Câu lạc bộ Cafe Số

Chẳng hạn, chúng ta có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - ASEAN và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu hay linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, họ sẽ không thể ghi "Made in Việt Nam" trên nhãn mác.

"Song nếu căn cứ vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, doanh nghiệp có thể ghi 'Made in Việt Nam", vì theo nguyên tắc cộng gộp, mọi nguyên liệu từ các nước kí hiệp định đều được coi là có xuất xứ từ Việt Nam", ông Trung giải thích.

Luật sư Trung nhận định các cơ quan quản lí nhà nước không có đủ nguồn lực để kiểm tra xuất xứ của mọi loại sản phẩm, và việc đó cũng không cần thiết đối với hàng dành cho thị trường nội địa.

"Ghi xuất xứ là việc muôn hình vạn trạng, đa dạng và có thể tùy biến. Quy định ở các nước cho thấy mức độ tùy biến trong xác định xuất xứ rất cao và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ", ông Trung nhấn mạnh.

Với thuật ngữ "đội lốt hàng Việt", ông Trung cho rằng ví dụ trực quan nhất là thương hiệu Khải Silk. Ông Hoàng Khải nhạp khẩu khăn Trung Quốc rồi không làm thêm bất kì thao tác nào ngoài việc bỏ nhãn mác Trung Quốc để thay bằng nhãn mác Việt. 

"Muốn xác định một sản phẩm đội lốt hàng Việt hay không, chúng ta phải xem hàm lượng xuất xứ của nó đạt chuẩn không? Nếu nó không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, nhà sản xuất đã thực hiện hành vi đội lốt, lừa người tiêu dùng", ông Trung lập luận.

Khi doanh nghiệp chưa xuất khẩu sản phẩm, ta không nên xem xét họ được dán nhãn "Made in Việt Nam" hay không

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, một chuyên gia từng làm việc tại Bộ Công thương nhận định "Made in Việt Nam" hay "Made in China" là những cụm từ quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, ngày nay chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã phát triển tới mức hoàn hảo.

"Vì thế, ngày nay doanh nghiệp có thể ghi xuất xứ 'Made in the world' (Sản xuất trên toàn cầu) chứ không phải là sản xuất ở một nước cụ thể", cựu chuyên gia của Bộ Công thương bình luận.

Mọi quy tắc xuất xứ, theo vị chuyên gia, đều có quy tắc cơ bản là: Công đoạn gia công diễn ra trên lãnh thổ nào thì nhà sản xuất có quyền khai "sản phẩm được lắp ráp" hay "sản phẩm được sản xuất" tại lãnh thổ đó. 

"Câu chuyện Asanzo cũng tương tự. Họ chưa xuất khẩu hàng nên mọi người chưa nên đặt vấn đề họ được dán nhãn 'Made in Việt Nam' hay không, trong khi một văn bản pháp lí quy định tiêu chí dành cho sản phẩm 'Made in Việt Nam' là thứ chúng ta còn thiếu", vị chuyên gia lập luận.

Do vậy, theo vị chuyên gia, nếu doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất và thực hiện khâu cuối cùng ở Việt Nam, họ có thể ghi "Made in Việt Nam".

"Chứng nhận xuất xứ chỉ là căn cứ để xác định doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan ở mức nào, chứ không phải để chứng minh nhà sản xuất yêu nước hay không. Việc dán nhãn sản xuất ở nước nào đó hoàn toàn mang tính tự nguyện", chuyên gia nhấn mạnh.

Vị chuyên gia nói nhiều quốc gia trên thế giới chưa có quy định thống nhất về "made in" vì nếu ra quy định chặt quá hay lỏng quá thì một số ngành nhất định sẽ lao đao.

"Sau này cơ quan quản lí sẽ phải có văn bản hướng dẫn nhưng việc đó không đơn giản, đặc biệt đối với những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn", chuyên gia dự đoán.

Quan điểm của chuyên gia là chúng ta không nên coi trọng tỉ lệ thành phần nguyên vật liệu trong sản phẩm, mà chỉ cần tập trung vào việc công đoạn cuối cùng diễn ra ở Việt Nam hay không. 

"Các hiệp định thương mại cũng quy định xuất xứ rất linh hoạt, gần như cho phép nhà sản xuất nhập nguyên liệu từ nước ngoài, bao gồm cả những nước không tham gia hiệp định. Mọi hiệp định thương mại, từ khó nhất tới dễ nhất, đều cho phép nhà sản xuất nhập linh kiện để tạo thành phẩm. Vì thế, chúng ta không nên lo ngại quá mức", vị chuyên gia nói.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhap-nguyen-vat-lieu-tu-trung-quoc-roi-tao-thanh-pham-trong-nuoc-doanh-nghiep-co-the-khai-xuat-xu-viet-nam-theo-hiep-dinh-thuong-mai-asean-trung-quoc-20190717212111873.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/