Sabeco, Habeco, Heiniken, Carlsberg nắm tới 90% thị phần, Việt Hà định vị ở đâu trong thị trường bia?

Bia Việt Hà hiện chỉ chiếm 0,51% thị phần bia tại Việt Nam, trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, mặc dù là một thương hiệu bia giàu truyền thống nhưng bản thân Việt Hà luôn phải tìm cách đổi mới để có thể giữ được chỗ đứng trên thị trường. 

Sabeco, Habeco, Heiniken, Carlsberg nắm tới 90% thị phần, Bia Việt Hà định vị ở đầu trong thị trường bia?

Sáng ngày 22/6, CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (Bia Việt Hà) tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Báo cáo hoạt động của HĐQT cho biết, năm 2017 công ty gặp phải nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị trường, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh chính (bia – giải khát) diễn ra rất khốc liệt. Các doanh nghiệp bia cả trong và ngoài nước tăng cường quảng bá mở rộng thị phần, theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA), 4 thương hiệu bia lớn gồm Sabeco, Habeco, Heiniken, Carlsberg chiếm tới 90% thị phần toàn ngành. Đẩy các doanh nghiệp bia nhỏ vào tình trạng tranh giành miếng bánh nhỏ còn lại, cụ thể sản lượng bia của Việt Hà hiện chỉ chiếm 0,51% sản lượng bia tiêu thụ trên thị trường.

Về phân khúc, Sabeco và Habeco hiện là hai thương hiệu thống lĩnh phân khúc bình dân và trung bình (đây cũng là phân khúc Bia Việt Hà theo đuổi); trong khi phân khúc cao cấp lại thuộc về các hãng bia ngoại.

Năm 2017, tổng doanh thu của Việt Hà đạt 282 tỷ đồng (trong đó 85% doanh thu đến từ bia), còn lại là doanh thu hoạt động tài chính (56 tỷ đồng) chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng và tiền cổ tức các công ty con.

Lợi nhuận sau thuế đạt trên 7 tỷ đồng, trong đó công ty chia làm hai giai đoạn kế toán, giai đoạn trước khi cổ phần hóa (tính đến 30/6) lãi 10,4 tỷ đồng, giai đoạn sau cổ phần hóa (tính từ 1/7/2017) lỗ trên 3,5 tỷ đồng.

sabeco habeco heiniken carlsberg nam toi 90 thi phan viet ha dinh vi o dau trong thi truong bia
Việt Hà hiện chỉ nắm 5% thị phần bia tại Việt Nam

Vẫn giữ quan điểm trong năm 2018 thị trường bia là cực kỳ khó khăn, tuy vậy HĐQT Việt Hà đặt kế hoạch doanh thu bán hàng tăng trưởng, doanh thu bán bia dự kiến 280 tỷ đồng (tăng trưởng 25%); lợi nhuận kế toán trước thuế gần 9 tỷ đồng (tăng trưởng 26%).

Chia sẻ tại đại hội, ông Mai Xuân Sơn – Tổng giám đốc bia Việt Hà cho biết, các hãng lớn và bia ngoại với năng lực tài chính và quản trị tốt, vượt trội so với phần còn lại. Bia Việt Hà tuy có thương hiệu truyền thống nhưng sẽ phải không ngừng đổi mới, duy trì phát triển hoạt động kinh doanh.

Trong vòng 3 - 5 năm tới, Việt Hà sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc bình dân, giá cả hợp lý và chất lượng ổn định, chuyển dần tăng tỷ trọng sản phẩm đóng lon tăng biên lợi nhuận, tăng cường sự hiện diện tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, Việt Hà sẽ thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển, tổ chức lại bộ phân bán hàng, mua thêm dây chuyền sản xuất…

Cũng phải nói đến việc thị trường bia đang tăng trưởng chậm lại, nhưng nhu cầu là vẫn có. Từ năm 2018, công ty sẽ chú trọng hơn vào phát triển thương hiệu Bia Việt Hà, duy trì thị phần.

Cập nhật kết quả 5 tháng đầu năm, Bia Việt Hà đạt tổng doanh thu 105 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ, kết quả này đạt 38% kế hoạch. Công tác quản lý chi phí được thực hiện khá tốt với chi phí quản lý doanh nghiệp 9 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế sau năm tháng đạt gần 14 tỷ đồng, gấp rưỡi kế hoạch cả năm.

Mấu chốt chỉ là vấn đề thoái vốn Nhà nước

Tại đại hội đồng cổ đông, ông Vương Đỗ Hải – Chủ tịch HĐQT Bia Việt Hà (người đại diện vốn Nhà nước) cho biết đã nộp đầy hồ sơ lên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty kỳ vọng trong tháng 7 sẽ được nhận thông báo chính thức từ HNX. Dự kiến cổ phiếu Bia Việt Hà sẽ giao dịch trên thị trường UPCoM từ quý III/2018.

Đại diện cổ đông Nhà nước đồng thời cũng cập nhật tình hình thoái vốn Nhà nước, theo đó Bia Việt Hà thuộc diện thoái vốn trong năm 2018, sẽ cố gắng để triển khai thành công.

Bởi thực tế hiện tại, do Nhà nước đang nắm tới 51% vốn điều lệ Bia Việt Hà, nên công ty phải chịu cảnh một cổ hai tròng, vừa chịu quản lý của Nhà nước, vừa chịu quy định đối với doanh nghiệp cổ phần hóa.

Nhìn chung, những vấn đề liên quan đến hoạt động sử dụng vốn đầu tư, thoái vốn tại các công ty con… đều phải xin ý kiến chỉ đạo từ phía Nhà nước. Theo ông Hải, hỏi ý kiến nhanh thì 3 tháng, còn những vấn đề phức tạp hơn đi về xin ý kiến cũng mất tới 6 tháng ròng.

Ban lãnh đạo Bia Việt Hà cũng đang rất kỳ vọng vào việc thoái vốn Nhà nước như một sự cởi trói cho doanh nghiệp, để có thể chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Tính đến hết tháng 5/2018, ngoài cổ đông Nhà nước năm 51,04% vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông Bia Việt Hà còn có Tổng công ty rau quả, nông sản (Một thành viên của Tập đoàn T&T) nắm giữ 36,1%, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 12,56% còn lại là cán bộ công nhân viên của công ty.

Từ khi nắm giữ cổ phần Bia Việt Hà năm 2016, phía cổ đông chiến lược đã đưa người vào ban điều hành mà cụ thể là Tổng giám đốc - ông Mai Xuân Sơn.

Gửi 315 tỷ đồng trong ngân hàng biết là đầu tư không lành mạnh, nhưng đây là biện pháp an toàn

Về hoạt động đầu tư bất động sản, Bia Việt Hà hiện triển khai 4 dự án gồm: dự án 87 Lĩnh Nam đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành bàn giao nhà (công ty nhận lại 2.000 m2 sàn thương mại sẽ thực hiện cho thuê); dự án 11 – 13 Nguyễn Chí Thanh hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, đang trình UBND TP Hà Nội thành lập pháp nhân mới; dự án Khu đô thị Sinh thái Nhà vườn Việt Hà đang dừng triển khai chờ quyết định quy hoạch chi tiết khu đô thị Hòa Lạc; dự án TTTM DV Kết hợp giới thiệu sản phẩm Bia Việt Hà đang thực hiện nhận chuyển nhượng đất, thẩm định phê duyệt dự án đến quý III/2018.

Tuy nhiên cũng làm rõ tại đại hội, ông Hải cho biết, bản chất các dự án nói trên không phải của công ty Việt Hà, đây là các dự án công ty thực hiện liên doanh liên kết từ năm 2009, lợi ích Nhà nước đã thu hồi về.

Nói về khoản tiền 315 tỷ đồng đang gửi ngân hàng lấy lãi, ông Hải thừa nhận, đây không thể xem là hoạt động đầu tư lành mạnh, vay tiền đi đầu tư mới là lành mạnh.

Nhưng theo ông, Việt Hà đang hành động an toàn để có thể bảo toàn nguồn vốn cho Nhà nước, cho các cổ đông, vì nếu đầu tư không có gì đảm bảo việc còn nguyên khoản tiền 300 tỷ đồng, khi thua lỗ lại quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sabeco-habeco-heiniken-carlsberg-nam-toi-90-thi-phan-viet-ha-dinh-vi-o-dau-trong-thi-truong-bia-57455.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/