Tăng giá cuốc xe, khách hàng rời bỏ: Grab đang bị đối thủ vượt mặt và sự giận dữ bên trong hãng gọi xe công nghệ lớn nhất Việt Nam

Giá xăng tăng kèm theo mức khuyến khích cho tài xế có xu hướng giảm làm tăng sự căng thẳng giữa các đối tác tài xế và siêu ứng dụng Grab.

 Một tài xế Grab tại Việt Nam. (Ảnh: AFP).

Trong nhiều tuần, các nhóm trên Facebook của các tài xế Grab Việt Nam có nhiều sự hỗn loạn. Họ nói về việc giá xăng tăng khiến các cuốc xe “không còn đáng làm”, các khoản phí mang tính “bóc lột” và việc khách hàng dường như “biến mất” khởi ứng dụng mà họ cho rằng là do giá dịch vụ tăng, theo Rest of World.

Grab, hiện đang là ứng dụng gọi xe phổ biến nhất tại Việt Nam, đang đối mặt với áp lực tại một trong những thị trường hứa hẹn nhất của mình. Ở TP HCM, truyền thông địa phương đưa tin về việc nhiều tài xế Grab đã bỏ ứng dụng sau đợt dịch bệnh kéo dài và chi phí nhiên liệu tăng. Ở chiều ngược lại, khách hàng phàn nàn vì việc khó gọi xe.

Hồi tháng 3, đáp lại những áp lực đến từ tài xế, Grab tăng phí dịch vụ đi kèm với giá xăng tăng để “bù đắp” và “khuyến khích” các tài xế hoạt động tích cực hơn trên nền tảng. Dù vậy, điều này khiến khách hàng không còn nhiều động lực để dùng Grab khi họ có thể tìm thấy giá tốt hơn ở các ứng dụng khác. “Rồi chúng tôi vẫn là người phải chịu hậu quả”, Tran Tuan, một tài xế GrabCar ở TP HCM, nói.

Việc cung cấp hàng loạt dịch vụ, bao gồm cả giao đồ ăn, giảm khả năng Grab mất một số lượng lớn người dùng hoạt động, Lexi Sydow, giám đốc nghiên cứu tại Data.ai, nhận định. Dù vậy, cùng thời điểm, số liệu từ công ty này cho thấy số lượt tải về các đối thủ của Grab như Gojek hay Be đang có xu hướng tăng.

Hồi tháng 4, Gojek vượt Grab để trở thành ứng dụng (không tính mảng game) được tải về nhiều thứ 20 tại Việt Nam, tính trên cả Google Play và App Store. Be, ứng dụng gọi xe phổ biến thứ 3 tại Việt Nam, chia sẻ với Rest of World rằng họ ghi nhận số lượng cuốc xe tăng vọt trong tháng 4 và tháng 5.

Sau khi các lệnh giãn cách xã hội giảm dần tại Việt Nam từ tháng 10/2021, lượng tải về các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam tăng vọt. Tháng 4 năm nay, lượng tải về Gojek vượt qua Grab, xếp thứ 20, trong danh sách các ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam (ngoài mảng game). (Nguồn: Data.ai). 

Một người đại diện của Gojek nói với Rest of World rằng số lượng tài xế “vẫn ổn định” từ tháng 2 năm nay.

Tin Nguyen, một nhân viên ngân hàng và là người dùng trung thành của Grab, nói rằng anh rất bực bội. Sau nhiều năm là một khách hàng trung thành do thời gian chờ đợi của Grab ngắn và nhiều ưu đãi dành cho thành viên “platinum”, hồi tháng 5, Tin Nguyen, cuối cùng cũng tải về các ứng dụng khác như Gojek, Be và thậm chí cả taxi truyền thống.

“Gần đây rất khó để gọi xe với thời gian chờ có thể lên tới nửa tiếng”, anh nói với Rest of World. Anh chia sẻ thêm rằng Grab tăng giá nhiều hơn so với các ứng dụng khác, có thời điểm lên tới 30%. “Với ngày càng ít mã giảm giá, chênh lệch ngày càng lớn”, anh nói thêm.

Việt Nam không phải một thị trường “dễ chơi” với các công ty gọi xe do quy định giữa các tỉnh thành có nhiều điểm khác biệt và thói quen người dùng thành thị dễ thay đổi. Kể từ khi vào Việt Nam vào năm 2014, Grab vượt trội rõ rệt so với các đối thủ, có thời điểm hãng này chiếm tới 3/4 thị phần thị trường gọi xem, theo thống kê của ABI Research vào năm 2020.

Trong những năm đầu, Grab hấp dẫn với người dùng vì nhiều tài xế và dễ sử dụng, trong khi đó chính sách giá cũng dễ chịu và minh bạch. Để thu hút nhóm người dùng nhạy cảm về giá, Grab cũng áp dụng nhiều mã ưu đãi. Hiệu ứng “truyền miệng” giúp Grab phát triển mạnh. Nhiều người sẵn sàng vay tiền để đầu tư mua xe và chạy Grab.

Đến năm 2019, Grab khẳng định cứ 4 người Việt Nam thì có 1 người dùng Grab mỗi ngày. Cùng năm, Việt Nam được xem là nền kinh tế internet phát triển nhanh nhất khu vực và Grab quyết định đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tiếp theo. Grab cũng khẳng định Việt Nam là thị trường tăng trưởng tiếp theo của Grab. Hiện tại, Grab đang có khoảng 200.000 đối tác tài xế trên dịch vụ của mình.

“Đó là giai đoạn ưu tiên tăng trưởng đối với Grab khi Grab cuốn hút người dùng bằng giá rẻ nhằm mục đích chiếm thị trường Việt Nam”, Truong Van Quy, một chuyên gia marketing ở EQVN, nói. “Đến nay, khi đã đạt được vị thế thống trị, công ty sẽ chuyển sang giai đoạn ưu tiên lợi nhuận và tăng giá. Không may là giai đoạn này của Grab cùng thời điểm giá xăng tăng”. Ông Quy nói rằng đây là một giai đoạn khó khăn cho Grab tại Việt Nam.

Các chuyên gia nói rằng mức phí cao hơn của Grab thể hiện chính xác mức tăng trong chi phí di chuyển thực tế tại Việt Nam và đây có thể là điều khách hàng sẽ phải dần làm quen.

Trong nửa sau năm nay, Grab đang lên kế hoạch tiếp tục giảm các khoản chi khuyến khích tài xế và điều này có thể sẽ làm các tài xế vốn đã bực bội thêm giận dữ.

Một buổi tối tháng 5, Tran Tuấn nhìn vào điện thoại của mình với một thông báo chuyến đi cách anh 4 km. Anh bỏ túi 20.000 đồng cho chuyến đi dài này. “Tôi phải nhận nó hoặc sẽ bị phạt nhiều ngày”, anh chia sẻ.

Tin Nguyen, nhân viên ngân hàng tại TP HCM, thường xuyên kiểm tra qua lại giữa các ứng dụng gọi xe và thậm chí cả taxi truyền thống, để tìm kiếm tài xế. “Mỗi ứng dụng đều có vấn đề và sự trung thành của tôi nằm ở tốc độ có xe”, anh chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/s-2022612105859186.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/