Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng có khả thi?

Mặc dù đồng tình với việc giảm thời gian điều giá, song nhiều ý kiến vẫn còn lo ngại việc thả nổi thị trường xăng dầu.

 Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Bộ Công Thương đang dự kiến đề xuất Chính phủ để rút ngắn kỳ điều hành giá xăng xuống 5 ngày/lần, thậm chí theo ngày, thay vì 10 ngày/lần như hiện nay. Việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định sẽ giải quyết việc "lệch pha" giữa giá thị trường trong nước và thế giới, phù hợp hơn với phương thức hiện nay doanh nghiệp đầu mối đang mua hàng.

Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo các quy định của nhà nước nhưng trong bối cảnh hiện nay, các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập cần xem xét và sửa đổi để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người dân.

Một trong số đó là giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng từ 10 ngày xuống còn 3-5 ngày và tiến tới điều chỉnh theo biến động hàng ngày của giá thế giới, không để chậm so với giá thế giới như vừa qua. Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường.

Ông Vũ Vinh Phú, thời gian điều chỉnh giá xăng vẫn còn dài khiến cho giá mua vào và bán ra của doanh nghiệp chưa khớp với giá thế giới. Doanh nghiệp nhập khẩu khi giá cao, nhưng thời điểm quyết định giá bán lại thấp hoặc ngược lại. Cùng với đó là mức chiết khấu chưa hợp lý, chậm điều chỉnh khiến doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ, bán cầm chừng như thời gian qua…

Bên cạnh rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh và khắc phục như nguồn dự trữ xăng dầu, chi phí premium, thì rút ngắn thời gian điều hành giá cũng là một việc. Đã đến lúc tính toán thời điểm cụ thể để đưa giá xăng dầu về thị trường. Giá thế giới biến động từng ngày, nhưng trong nước lại đang thực hiện 10 ngày/lần khiến doanh nghiệp bị động.

"Cần chuyển dần sang cơ chế thị trường, tức là tự doanh nghiệp sẽ tính toán. Giảm thời gian điều hành xuống còn 5 ngày, thậm chí 1 ngày, để giá theo sát với giá thế giới. Như vậy sẽ phù hợp hơn với cả doanh nghiệp và người dân. Để 10 ngày điều chỉnh một lần sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào tình trạng không dám nhập hàng vì sợ thua lỗ, như những gì diễn ra vừa qua", ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.

Mặc dù đồng tình với việc giảm thời gian điều giá, song nhiều ý kiến vẫn còn lo ngại việc thả nổi thị trường xăng dầu. Thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn các doanh nghiệp nắm thị phần lớn, thống lĩnh, nên khó có thể thả nổi giá xăng dầu theo thị trường quyết định.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, nên điều hành một cách uyển chuyển và linh hoạt để đảm bảo lợi ích cho các bên.

Trước mắt, có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày. Việc điều hành giá theo cơ chế thị trường là điều không dễ vì giá sẽ thay đổi liên tục theo thế giới và thị trường mà thiếu đi sự điều hành, can thiệp của nhà nước.

"Mặt tốt là việc này giúp giải quyết các vấn đề đang hiện hữu trên thị trường xăng dầu như hiện nay; các bộ, ngành cũng không phải xử lý các tình huống đặc biệt. Nhưng ngược lại, khi giá xăng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, CPI và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực giá", ông Lê Quốc Phương nói.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, quan điểm là càng rút ngắn càng tốt, nhưng liệu năng lực của cơ quan quản lý có làm nổi không. Đứng trên quan điểm người dân, doanh nghiệp thì rút ngắn sẽ có lợi, nhưng với nhà nước, trong điều hành vĩ mô, thì cần cân nhắc.

Đây là tham vọng nhưng sẽ khó để thực hiện điều chỉnh hàng ngày, bởi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế, việc thay đổi liên tục sẽ khiến khó kiểm soát được lạm phát. Ngoài ra còn nhiều vấn đề từ nhập khẩu, phân phối… cần có cơ chế vận hành từ các bộ, ngành, doanh nghiệp…

Theo chia sẻ của ông Vũ Vinh Phú, để chuyển sang cơ chế thị trường cho kinh doanh xăng dầu, cần có nghiên cứu khoa học rõ ràng. Có thể áp dụng thử nghiệm năm 2023-2024 tới cho cấp quản lý và doanh nghiệp, người dân để làm quen.

Nhà nước có thể can thiệp bằng các chính sách thuế, phí đánh lên xăng dầu hoặc dùng ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp trong các trường hợp đặc biệt, khủng hoảng ngắn hạn… Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tính toán và xây dựng kho dự trữ quốc gia về xăng dầu, có thể tăng lên 3 - 6 tháng…

Hiện nay, Bộ Công Thương đang nhanh chóng lấy ý kiến để sửa Nghị định liên quan kinh doanh xăng dầu, như các vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn.

Bên cạnh đó, còn có quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối xăng dầu; sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu; xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu… 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/rut-ngan-thoi-gian-dieu-hanh-gia-xang-co-kha-thi-20221114212444614.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/