Reuters: Khủng hoảng năng lượng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nhiều nhà máy luyện kim Châu Âu đóng cửa

Ngày càng nhiều nhà máy luyện đồng, nhôm, kẽm tại Châu Âu phải đóng cửa vì thiếu điện. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc chính phủ các nước trong khối này tập trung nhiều hơn cho các nguyên liệu để sản xuất pin cũng càng đẩy các nhà máy còn lại đến gần hơn với nguy cơ phải đóng cửa.

Ngày càng nhiều nhà máy luyện kim phải đóng cửa vì thiếu điện

Việc triển khai mạnh mẽ các dự án năng lượng tái tạo của Châu Âu nằm trong nỗ lực chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga. Theo Uỷ ban Châu Âu, năng lượng mặt trời sẽ là trụ cột của kế hoạch này. 

Thế nhưng, vấn đề duy nhất là chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu hiện đang bị chi phối bởi Trung Quốc, và sự phụ thuộc này sẽ càng tăng lên nếu công suất luyện kim của các nhà máy tại Châu Âu tiếp tục giảm công suất với tốc độ như hiện tại. 

Tập đoàn công nghiệp Eurometaux hồi đầu tháng 9 đã cảnh báo ngày càng nhiều nhà máy luyện nhôm và kẽm sẽ phải đóng cửa, gây ra mối đe doạ lớn đối với toàn bộ chuỗi cung ứng kim loại của Châu Âu.

Thông điệp dường như đã được thông qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen mới đây hứa hẹn sẽ có một hành động quan trọng về nguyên liệu thô để tăng khả năng tự cung cấp kim loại của khối EU. 

Nhưng liệu điều này dường như đã quá muộn khi nhiều nhà máy phải đóng cửa vì giá năng lượng tăng cao?

Các nhà máy sản xuất nhôm ở châu Âu là đối tượng đầu tiên trong ngành luyện kim phải đóng cửa vì quá trình luyện nhôm cần sử dụng nhiều năng lượng nhất. Theo đó, các nhà máy sử dụng phương pháp điện phân để chuyển đổi alumin thành kim loại.

Nhưng nhôm là một trong những kim loại quan trọng trong chiến dịch giảm phát thải khí carbon của Châu Âu. Theo Hiệp hội Nhôm Châu Âu, một trong những ứng dụng của kim loại này là sản xuất tấm pin mặt trời. Một công suất quang điện 1 megawatt cần trung bình 21 tấn nhôm.

Châu Âu đang mắc kẹt trong nghịch cảnh khi họ cần nhiều nhôm hơn để đạt được tham vọng nâng cao công suất năng lượng mặt trời nhưng lại thiếu năng lượng để sản xuất đủ nhôm.

Sản lượng nhôm hàng năm của Tây Âu lần đầu tiên trong trong 100 năm qua giảm xuống dưới 3 triệu tấn và sẽ còn giảm nữa. 

Lò luyện Dunkerque ở Pháp, một trong những nhà máy lớn nhất châu Âu, mới đây thông báo giảm công suất. 

Châu Âu bắt đầu phải tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nước này đã xuất khẩu khoảng  60.000 tấn nhôm sang Hà Lan trong nửa đầu năm nay, một con số chưa từng có trước đây.

Tình cảnh tương tự xảy đến với mặt hàng kẽm khi hai nhà máy lớn mới đây tuyên bố ngừng hoạt động và những nhà máy khác thì giảm công suất.

Trên thực tế, tất cả ngành luyện kim đều sử dụng nhiều năng lượng. Thế nhưng, với tình hình hiện tại, tất cả khâu trong chuỗi sản xuất kim loại đều bị tổn thương bởi giá năng lượng tăng cao. 

Các nhà hoạch định chính sách của Châu Âu đã nhận ra những điểm yếu nghiêm trọng về khoáng sản của khu vực.

Tranh cãi đâu là kim loại quan trọng?

Phát biểu tại hội nghị an ninh nguyên liệu ở Praha vào đầu tháng 9, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maroš Šefčovič cho biết: “Chúng ta không thể tiếp tục phụ thuộc quá mức về nguồn cung khoáng sản như hiện nay”.

Do đó, Châu Âu định hướng đẩy mạnh hoạt động khai thác khoáng sản và cả tái chế kim loại phế loại.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là kim loại nào được xem là “quan trọng”?

Cho đến nay, phần lớn mối quan tâm của Châu Âu là tìm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất pin cho xe điện.

Theo ông Šefčovič, Liên minh Pin Châu Âu, được thành lập vào năm 2017, đã tạo ra 110 dự án pin lớn trên toàn Châu Âu. Liên minh Vật liệu thô quan trọng, ra mắt vào năm 2020, là một phần mở rộng của chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung cấp kim loại cho các nhà máy sản xuất pin mới.

Danh sách các khoáng chất quan trọng của Liên minh châu Âu chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của pin như lithium, coban và than chì và và các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong động cơ điện.

Bauxite, nguyên liệu để sản xuất nhôm, đã được thêm vào danh sách vào năm 2020 nhưng điều này dường như không khiến các nhà hoạch định chính sách tập trung vào số phận của các lò luyện nhôm.

Hiệp hội Nhôm Châu Âu đã kịch liệt phản đối các đề xuất về cơ chế giảm phát thải khí carbon vì đe doạ đến sự tồn tại của các nhà máy luyện nhôm và EU sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu.

Sự lãng quên đối với những kim loại truyền thống

Đồng, niken và kẽm không có tên trong danh sách châu Âu, mặc dù Mỹ coi cả ba kim loại này đều rất quan trọng.

Việc Ủy ban Châu Âu tập trung vào tìm kiếm các kim loại tương lai dường như khiến họ lãng quên đi những kim loại truyền thống khác, vốn đòi hỏi phải giảm khí phát thải trong quá trình sản xuất.

Silicon nằm trong danh sách khoáng sản của EU nhưng các tế bào quang điện sẽ không hoạt động nếu không có tấm nhôm hoặc đồng để kết nối nguồn điện với lưới điện.

Châu Âu cần học hỏi từ Mỹ và có cái nhìn rộng hơn đối với những kim loại mà khối này cần nhằm hiện thực hoá tham vọng xanh hoá nền kinh tế, đặc biệt là sau khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng nổ.

Trước đây, Nga là nhà cung cấp nhôm, đồng, nicken chính cho Châu Âu nhưng giờ nguồn cung này đang gặp rủi ro sau khi Nga và EU liên tục có các đòn trả đũa nhau.

Điều này càng là lý do để EU củng cố ngành luyện kim trong nước bằng việc bắt đầu từ những gì đang có thay vì chỉ tập trung vào việc xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn toàn mới trong lĩnh vực sản xuất pin.

40 giám đốc điều hành của các công ty luyện kim đã ký thỏa thuận với cảnh báo rõ ràng nếu chính phủ các nước không có các biện pháp khẩn cấp, ngày càng nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa.

Hành động củng cố ngành điện của EU là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để không có thêm nhà máy luyện kim nào phải đóng cửa trong mùa đông tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/reuters-khung-hoang-nang-luong-khong-phai-la-nguyen-nhan-duy-nhat-khien-nhieu-nha-may-luyen-kim-chau-au-dong-cua-202291982816722.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/