PSI dự báo 3 kịch bản của VN-Index trong 6 tháng cuối năm

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán Dầu khí, thị trường Việt Nam đã ở giai đoạn downtrend (xu hướng giảm) trong dài hạn khi ghi nhận mức giảm hơn 20% kể từ đỉnh và khoảng 19% kể từ đầu năm 2022. Các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn khi hầu hết đều đã ghi nhận mức lỗ đáng kể.

Báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2022 của Chứng khoán Dầu khí (Mã: PSI) chỉ ra thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh của chỉ số cùng sự “cạn kiệt” của thanh khoản trong tháng 4 và 5.

Bước sang tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong 2 tuần đầu cùng chung xu hướng với thị trường tài chính toàn cầu khi những lo ngại về lạm phát gia tăng sau khi báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Mỹ tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, đạt đỉnh hơn 40 năm với việc giá cả hàng hóa tăng trung bình 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính tới hết ngày 15/6, có thể nói thị trường Việt Nam đã ở giai đoạn downtrend (xu hướng giảm) trong dài hạn khi ghi nhận mức giảm hơn 20% kể từ đỉnh và khoảng 19% kể từ đầu năm 2022. VN-Index liên tục phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng trước đó. Các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn khi hầu hết đều đã ghi nhận mức lỗ đáng kể.

Định giá P/E hiện tại của thị trường Việt Nam đang ở mức thấp so với khu vực, tương ứng là 13,1 lần, thấp hơn nhiều lần mức trung bình 10 năm là 15 lần. Việt Nam có mức tăng trưởng EPS cao nhất trong khu vực tính tới hết tháng 5 ở mức 7%, thị trường đang được định giá rất hấp dẫn với P/E 13,1 lần.

 

 Nguồn: Chứng khoán Dầu khí.

Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Dầu khí, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng 29% doanh thu và 32% về lợi nhuận trong quý I/2022.

PSI kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2022 nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc với động lực tăng trưởng chính tiếp tục đến từ hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.

Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục là rủi ro chính đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, là một quốc gia sản xuất và gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới với khả năng tự sản xuất được đa phần hàng hóa thiết yếu, Việt Nam sẽ hạn chế được việc phải nhập khẩu lạm phát từ thế giới.

 

Rủi ro từ thị trường thế giới với những lo ngại đến từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng và “bóng ma” đình lạm (Stagflation) - một trạng thái kinh tế hiếm hoi với sự kết hợp giữa cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp đang đe dọa đến 2 khu vực kinh tế trụ cột của thế giới là Mỹ và EU sẽ khiến cho thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh hơn nữa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những nhịp điều chỉnh chung theo thị trường thế giới tuy nhiên sẽ tích lũy phục hồi sau đó, với kịch bản cơ bản chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng điểm 1.165 - 1.365 với mức P/E forward tương ứng 13,3 (trung bình 10 năm – 1SD). 

Nguồn: Chứng khoán Dầu khí.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/psi-du-bao-3-kich-ban-cua-vn-index-trong-6-thang-cuoi-nam-2022623142954142.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/