Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết

Khi đến sân bay, nếu may mắn bạn có thể được trông thấy cảnh một chiếc máy bay chầm chậm lăn bánh qua khoảng giữa hai chiếc xe cứu hỏa đang phun nước tạo thành một chiếc cầu vồng phía trên máy bay. Hành động này có ý nghĩa gì?

Bắt nguồn từ các thủy thủ

Nghi lễ phun vòi rồng này bắt nguồn từ ngành hàng hải. Khi các tàu chở khách đường dài (viễn dương) lần đầu tiên rời cảng, các thuyền cứu hỏa sẽ đậu xung quanh chiếc tàu này và dùng vòi rồng cực mạnh phun nước lên tàu để chúc mừng. 

Khi chiếc tàu này cập cảng lần đầu tiên, nghi lễ này lại được thực hiện một lần nữa để đánh dấu sự hoàn tất của hành trình và thêm tuyến đường biển mới vào mạng lưới hoạt động của chiếc tàu.

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 1.

Nghi thức phun vòi rồng trong hàng hải

Sau này, nghi lễ này từ ngành hàng hải được du nhập sang ngành hàng không. Cụ thể vào khoảng thập niên 1990, sân bay quốc tế Salt Lake City tại Mỹ thực hiện phun vòi rồng để vinh danh các phi công của hãng hàng không Delta Airline trong chuyến bay cuối cùng trước khi nghỉ hưu. 

Từ đó về sau, nghi lễ này ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng trong nhiều dịp như: Đón một tàu bay mới gia nhập hãng hàng không, chuyến bay đầu tiên của một hãng hàng không đến một sân bay, chuyến bay cuối cùng của một hãng hàng không trước khi đóng cửa/phá sản, hay chuyến bay cuối cùng của một phi công trước khi nghỉ hưu như tại Salt Lake City, …

(Thực tế, ngành hàng không "mượn" nhiều nghi lễ và từ vựng của ngành hàng hải. Chẳng hạn từ "lên tàu" (boarding) ban đầu được dùng trong hàng hải với nghĩa "hành khách lên tàu thuyền" để chuẩn bị rời cảng, sau đó được ngành hàng không dùng lại với nghĩa "hành khách lên tàu bay" để chuẩn bị cất cánh.

Các nhân sự ngành hàng không cũng dùng từ "tàu bay" chứ không nói "máy bay" và chữ "tàu" này xuất phát từ "tàu thuyền" của ngành hàng hải. Trong giao tiếp thường ngày, "tàu bay" cũng thường được gọi tắt là "tàu", chẳng hạn: Tàu A321 về chưa? Còn bao nhiêu tàu đợi cất cánh? …)

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 2.

Nghi lễ phun vòi rộng chào đón chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways đáp xuống sân bay Cần Thơ ngày 10/3/2019. Ảnh: FLC.

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 3.

Nghi lễ phun vòi rồng cho máy bay mới của VietJet Air tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VietJet Air.

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 4.

Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn trong ngày khai trương 30/12/2018 là một chiếc Boeing 787 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines. Ảnh: Vietnam Airlines

Không đơn giản như nhiều người tưởng

Nhìn có vẻ đơn giản tuy nhiên nghi lễ phun vòi rồng này đòi hỏi nhiều yếu tố để có thể thực hiện thành công. Thứ nhất, cần phải có hai xe cứu hỏa với động cơ mạnh mẽ để có thể phun nước vòng lên trên máy bay từ khoảng cách xa. 

Ngoài ra còn cần một đoạn đường lăn (taxiway) đủ rộng để cho hai xe cứu hỏa có thể đậu ở hai bên mà vẫn còn đủ chỗ cho máy bay đi qua giữa.

Chưa kể còn phải tính đến thời tiết, hướng và tốc độ gió để nước từ nghi lễ phun vòi rồng không bị thổi tạt vào những hành khách đang lên/xuống các tàu bay khác. Và tất cả mọi việc đều cần được phối hợp với kiểm soát không lưu để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, các anh lính cứu hỏa sẽ đợi máy bay đến và tín hiệu từ kiểm soát không lưu để phun khoảng 10.000 - 15.000 lít nước lên trên máy bay.

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 5.

Ngày 16/1/2019, Bamboo Airways tiếp nhận chiếc tàu bay A321NEO mới đầu tiên và thực hiện nghi lễ phun vòi rồng chào mừng. Thời tiết ngày hôm đó âm u khiến cho cảnh phun nước kém nổi bật so với khi trời nắng ráo. Gió mạnh thổi dọc theo thân máy bay làm hơi nước hắt vào các ống kính máy ảnh đặt trực diện, khiến việc chụp ảnh gặp khó khăn. Ảnh: Bamboo Airways.

Lợi và hại

Ngoài ý nghĩa về mặt nghi thức, hoạt động phun vòi rồng này là cơ hội để lực lượng cứu hỏa kiểm tra trang thiết bị và kĩ năng, thao tác của mình. Vì số vụ hỏa hoạn tại sân bay là không nhiều nên những buổi nghi thức này là cơ hội tập rượt đáng quí. Khối lượng nước được hai xe cứu hỏa sử dụng cũng không phải hoàn toàn là lãng phí.

Tuy vậy, đôi khi cũng có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tháng 9 năm ngoái, xe cứu hỏa tại sân bay Dubai dùng vòi rồng chuyên dụng để phun nước chào mừng một chiếc A320-214. Thật không may, hỏng hóc kĩ thuật đã xảy ra khiến cho vòi rồng không phun nước vòng lên phía trên của máy bay mà rung lắc rồi phun thẳng vào máy bay.

Phun vòi rồng tại sân bay: Những điều thú vị ít người biết - Ảnh 6.

Ảnh chụp từ clip: Chiếc vòi rồng phía bên phải phun dòng nước cực mạnh thẳng vào máy bay thay vì phun vòng lên phía trên.

Áp lực nước quá mạnh từ chiếc vòi rồng khiến cho cửa thoát hiểm bật ra, hàng loạt biện pháp an toàn được kích hoạt, trong đó có cầu trượt an toàn bung xuống. Một hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm đã bị thương nhẹ. Hôm 10/4 vừa qua, sân bay Dubai mới ra thông báo xác nhận vụ việc và và cho biết đang kiểm tra đội ngũ phun vòi rồng hôm đó.

Thử nhìn nhận theo một hướng khác, nếu không có nghi thức phun vòi rồng, có thể lực lượng cứu hỏa đã không phát hiện ra lỗi của thiết bị cho đến khi phải dùng trong trường hợp xảy ra cháy thật.

Tai nạn xảy ra khi phun vòi rồng thẳng vào máy bay A320-214 tại sân bay Dubai, tháng 9/2018. Nguồn: Msdar News

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phun-voi-rong-tai-san-bay-nguon-goc-loi-va-hai-20190413153342893.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/