Phó Chủ tịch Quốc hội: Tránh lạc quan quá mức, báo cáo nhiều 'màu hồng', không sát với thực tế

Cho ý kiến về báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2022 tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.

Phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm, do vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Về tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2023, báo cáo của Chính phủ nêu: mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như: thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.

Nêu quan điểm về nhận định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn điểm nghẽn, các chính sách mới ban hành chưa phát huy tác dụng. Nếu đánh giá lạc quan quá sẽ dẫn đến công tác điều hành gặp khó.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Tránh lạc quan quá mức, không sát thực tế 

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu: Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 tháng đạt nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn “nhiều kết quả tích cực” có sát với thực tế, bởi tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng không làm rõ tồn tại nội tại nền kinh tế, đặc biệt chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này.  

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ rõ như: thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, một trong  nguyên nhân đó là giải quyết các tồn tại chậm trong xử lý ngân hàng yếu kém, các dự án yếu kém, hiệu quả giải ngân đầu tư công…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, công tác dự báo, tham mưu cũng còn bị động, phản ứng chính sách không kịp thời; phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ đã thực chất đi vào cuộc sống hay chưa?; phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã đủ để khơi thông động lực tăng trưởng hay chưa?...

Vì vậy, Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương.

Tăng trưởng GDP giảm tốc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Trước đó,đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, những khó khăn, thách thức từ năm 2022 đang gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Theo Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.

Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Thúc đẩy đầu tư công, khôi phục du lịch quốc tế

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Thêm vào đó, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ.

Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31/12/2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu.

Cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022. 

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cũng nêu nhiệm vụ quan trọng là cần khẩn trương thực hiện là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, ba Chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.

Ngoài ra, cần tập trung mọi nguồn lực khôi phục thị trường khách quốc tế, sớm bắt kịp đà tăng trưởng của du lịch thế giới. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá ở khác thị trường nguồn khác, nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-tranh-lac-quan-qua-muc-bao-cao-nhieu-mau-hong-khong-sat-voi-thuc-te-202359155836118.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/