[Phần 1] Cuộc chiến ngôn ngữ: Đế chế 700 triệu USD giúp học ngoại ngữ như chơi game Duolingo

Duolingo đang là một trong những ứng dụng thuộc lĩnh vực giáo dục được tải về nhiều nhất trên thế giới.

"Hãy cầu xin bằng tiếng Tây Ban Nha", Duo, một con cú màu xanh ra lệnh. Meme lan truyền tới chóng mặt trên mạng xã hội Twitter này sử dụng hình ảnh của chú cú biểu tượng cho Duolingo, ứng dụng học ngoại ngữ phổ biến đã được tải về 300 triệu lần trên toàn thế giới. Mặc dù meme trên là một trò đùa, ứng dụng Duolingo thì thực sự nổi tiếng.

Quên học tiếng Tây Ban Nha và một thông báo trên điện thoại sẽ xuất hiện vào cùng thời điểm bạn sử dụng Duolingo một ngày trước đó. Duo sẽ hiển thị trên màn hình như một emoji vui nhộn, nài nỉ bạn tiếp tục chuỗi học hành của mình.

Hàng triệu người đang làm theo những gì cú Duo nói mỗi ngày

hinh1

(Ảnh: Forbes, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Được tạo ra 7 năm trước bởi một thiên tài máy tính có tên Luis von Ahn, Duolingo được sử dụng bởi rất nhiều người, từ Bill Gates, Khloe Kardashian, Jack Dorsey cho tới những người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kì.

"Khoảnh khắc tôi cảm thấy tự hào nhất là khi nhận ra người giàu nhất thế giới cũng đang sử dụng ứng dụng này, giống như những người nằm bên kia cán cân kinh tế", Voy Ahn chia sẻ. "Điều này với tôi thực sự đặc biệt và to lớn".

Duolingo vẫn còn rất nhiều dung lượng để phát triển. Hơn 2 tỉ người trên toàn thế giới đang học một ngoại ngữ và rất nhiều trong số đó chọn cách học trực tuyến.

Học ngoại ngữ trên nền tảng số đang mang về 6 tỉ USD doanh thu và con số này được kì vọng sẽ tăng lên 8,7 tỉ USD vào năm 2025. Dù vậy, nó vẫn là một thị trường với sự phân mảnh cao cùng hàng chục "tay chơi" trên toàn cầu với mong muốn trở thành người thống trị.

Von Ahn biết rõ làm thế nào để phát triển trên một quy mô lớn hơn. Khi còn là một sinh viên 21 tuổi, anh đã tạo ra CAPTCHA – còn được biết đến với hàng tỉ người dùng Internet như những kì tự và hình ảnh kì quái mà bạn phải gõ để chứng tỏ mình là một người dùng thật. Phát minh này sau đó được bán cho Google với giá 20 triệu USD.

Von Ahn mua một chiếc Lamborghini và Tesla Model S sau đó nhưng nhìn chung vẫn duy trì một lối sống giản dị trong một căn nhà 6 phòng ngủ anh mua cùng người vợ cũ của mình ở Point Breeze, Pittsburgh, gần văn phòng Duolingo.

"Tôi có thể đã tới Guatemala để sống trong một căn villa nhưng đó không phải điều tôi muốn", anh nói thêm. Thay vào đó, Von vùi mình vào phát triển ứng dụng giáo dục được tải về nhiều nhất trên thế giới.

Duolingo cung cấp nhiều khóa học ngoại ngữ hơn so với các đổi thủ, cụ thể là 36 theo số liệu cập nhật nhất. 

Ứng dụng này còn có cả những ngoại ngữ ít được biết tới như Hawaiian, Navajo và Gaelic hay thậm chí cả thứ tiếng hư cấu High Valyrian trong bom tấn "Game of Thrones" (1,2 triệu người đang học nó).

7 năm sau thời điểm ra mắt lần đầu tiên, Duolingo đang có 30 triệu người dùng hàng tháng, theo số liệu tự công bố. 

Vượt xa đối thủ

Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã rót 108 triệu USD vào Duolingo để đưa mức định giá công ty lên 700 triệu USD vào năm 2017, cao hơn 150 triệu USD so với vốn hóa của Rosetta Stone, đối thủ 27 năm kinh nghiệm.

hinh2

Số lượng ngôn ngữ Duolingo và một số đối thủ hỗ trợ. (Nguồn: Forbes)

Bên cạnh việc có nhiều ngôn ngữ hơn (Rosetta Stone hiện có 25 ngôn ngữ), Duolingo còn thu hút người dùng ở điểm phiên bản cơ bản kèm quảng cáo của nó miễn phí, trong khi đó Rosetta Stone thu phí 120 USD mỗi năm từ 500.000 người đăng kí. 

Một đối thủ khác là Babbel nói rằng hơn 115 triệu USD doanh thu của công ty có trụ sở tại Berlin, Đức này đến từ khoản phí đăng kí sử dụng 85 USD mỗi năm. Babbel đang có khoảng hơn 1 triệu người đăng kí.

Chỉ 1,75% người dùng Duolingo trả phí cho phiên bản không quảng cáo (84 USD mỗi năm) nhưng vì lượng người dùng lớn, hãng này vẫn có doanh thu 36 triệu USD vào năm ngoái. 

Von Ahn nói rằng con số này sẽ tăng lên 86 triệu USD vào năm 2019 và 160 triệu USD vào năm 2020 khi Duolingo có nhiều người dùng hơn và sẵn sàng chi trả cho phiên bản ứng dụng cao cấp cùng nhiều tính năng hấp dẫn. Cuối năm nay, dự kiến nhân sự của Duolingo cũng tăng lên 200 từ 170.

Trụ sở của Duolingo, trước đây là một cửa hàng nội thất, cũng chuẩn bị mở rộng thêm một mặt sàn. Duolingo chưa có lãi nhưng Von Ahn kì vọng sẽ có dòng tiền dương trong năm nay và dự kiến Duolingo sẽ IPO vào năm 2021.

Von Ahn nói rằng số tiền anh quyết định cho đi trong ứng dụng này tương đương với chi phí marketing của các đối thủ. Ông cũng khẳng định người dùng ít có khả năng từ bỏ Duolingo hơn những ứng dụng khác. "Tỉ lệ duy trì người dùng của chúng tôi tương tự với những ứng dụng game", ông nói thêm.

So sánh này cũng hoàn toàn hợp lí. Duolingo thu hút người dùng với chiến lược "game hoá" các bài học với hệ thống điểm, kho báu và "streak" cho người dùng sử dụng liên tục.

Mỗi bài học ba phút của ứng dụng này đều được thiết kế với giao diện người dùng đơn giản. Duolingo dù vậy nhận được nhiều đánh giá tiêu cực trên báo chí từ những cây viết đã thử ứng dụng nhưng không học nhiều. 

Trong chiều hướng khác, Von Ahn hứa sẽ giúp người dùng tăng "level" ngoại ngữ từ "cơ bản cao cấp" tới "trung cấp cơ bản".

"Một lượng lớn người dùng của chúng tôi dùng Duolingo vì nó vui và không phí thời gian", anh chia sẻ.

Từ tháng 11, Von Ahn cũng đăng nhập vào Duolingo mỗi ngày khoảng 15 tới 20 phút để học tiếng Pháp. Khi được hỏi hãy kể về ngày cuối tuần của mình, anh nói, "Je fais du sport. Je suis mange avec mes amis. Je suis boire du biere en un bar". (Tạm dịch: Tôi chơi thể thao, đi ăn với bạn bè và uống bia trong một quán bar.)

Bob Meese, giám đốc doanh thu của Duolingo, cũng đang học tiếng Tây Ban Nha được 6 tháng cùng ứng dụng này.

Đón đọc [Phần 2] Cuộc chiến ngôn ngữ: Duolingo và hành trình tìm kiếm nguồn doanh thu tiếp theo 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phan-1-cuoc-chien-ngon-ngu-de-che-700-trieu-usd-giup-hoc-ngoai-ngu-nhu-choi-game-duolingo-20190803120338414.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/