Ông Mai Hữu Tín: Cảm giác lúc đầu về TTF là rất sốc, còn bây giờ là thời điểm tôi thấy tự tin nhất

Sau 3 năm đối diện với những vấn đề hóc búa tại Gỗ Trường Thành, ông Mai Hữu Tín tự tin cho rằng những giờ phút khó khăn nhất đã qua đi.

"Cảm giác đầu tiên của tôi là rất sốc. Nó thật sự khủng khiếp và tôi không biết ở Việt Nam có còn doanh nghiệp nào có thể làm giả và 'dấu' sổ sách công phu được như vậy không?

Bởi vì sự tinh vi của nó quá khủng khiếp mà tôi và cộng sự phải mất đến hai năm mới tìm ra được câu trả lời thực sự", ông Mai Hữu Tín Trả lời câu hỏi của người viết về cảm giác cảm nhận cá nhân sau ba năm tiếp quản Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Ông Tín cho rằng, dù rất sốc nhưng sau đó thì phải xác định rõ việc của mình cần làm là gì, đã dấn thân là phải chấp nhận hiện thực đó và chiến đấu.

"Thời điểm này tôi thực sự tự tin", ông Tín nói tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) vừa diễn ra tại Bình Dương chiều nay.

Cuộc họp được ban lãnh đạo TTF, đặc biệt là ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch đương nhiệm Gỗ Trường Thành đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về hiện trạng, định hướng phát triển của TTF khoảng thời gian tới.

65326193_2284821858437923_4636613020770893824_n

Ông Mai Hữu Tín trả lời thắc mắc của cổ đông về hoạt động của TTF tại Đại hội. (Ảnh: HT)

"Hãy cho tôi thời gian"

Sự tự tin của ông Mai Hữu Tín là tín hiệu đáng mừng cho cổ đông TTF, nhưng để đứng lên từ đống đổ nát là một thực tế không đơn giản. 

Trước mắt, theo Giám đốc tài chính TTF, trên báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2018 đã nêu rất rõ dự phòng công nợ khó đòi là 224 tỉ đồng đã trích trong năm 2018, tổng dự phòng luỹ kế là 405 tỉ đồng đến cuối năm 2018.

Bên cạnh đó, đã khoản thu từ các công ty đã nợ rất lâu mà TTF không có khả năng thu hồi đã đưa vào trong năm 2018. Với hàng tồn kho, những khoản chậm luân chuyển, kiểm toán kiểm tra và xác định những khoản này bắt buộc phải trích dự phòng theo quy định.

Với việc TTF phải tiếp tục trích lập thêm dự phòng và lỗ tiếp trong năm 2019. Dự kiến, tổng trích lập dự phòng năm nay là 848 tỉ đồng với công ty mẹ, và 638 tỉ đồng trên báo cáo hợp nhất. Trong đó, 429 tỉ đồng cho các khoản tồn kho; 93 tỉ đồng phải thu của khách hàng, 5 tỉ dòngd trả trước còn tồn đọng, 35 tỉ đồng các khoản phải thu ở công ty con; 21 tỉ đồng các vấn đề khác gồm các khoản nợ thuế tại các công ty con.

Theo ông Mai Hữu Tín, 2019 là năm cuối cùng xoá sạch mọi vết bẩn tại TTF.

"Chúng tôi đã mất hai năm để tìm ra vấn đề người ta đã cố tình dấu chúng tôi. Bản thân TTF và Kiểm toán EY đã mất nhiều thời gian để tìm ra con số được "dấu" rất nhiều năm. Như vậy, tới nay chúng ta đã thấy rất rõ số tiền mà chúng ta đã thiệt hại lớn như thế nào."

"Khi chúng tôi vào đây đã 1 lần tăng vốn bằng cách mua 70 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp và TTF dùng mất số tiền đó. 

Do đó mà phải tăng vốn lần 2 bằng cách phát hành cổ phiếu để chuyển đổi. Nếu cộng cả hai lần tăng vốn khoảng 3.012 tỉ đồng. Thế nhưng đến cuối 2019, vốn chúng ta cần 422 tỉ đồng. Vậy thì số tiền đó đang ở đâu? Đó là con số lỗ. Đây là số lỗ không tưởng đối với doanh nghiệp trong ngành gỗ", ông Tín nói.

Ông Tín cho rằng, chính ông là người mất nhiều nhất hiện nay, nhưng phải chấp nhận. Hiện đã đi tới tận cùng và mất bao nhiêu công sức để thực hiện. Trước đây đã từng khởi kiện ông Võ Trường Thành và Công ty Tân Liên Phát (TLP), giữa TTF và TLP đã thoả thuận là TTF sẽ nhận lại phần đền bù thiệt hại từ gia đình ông Võ Trường Thành đối với TTF. Trị giá của toà nhà ông Thành không đáng là bao so với số lỗ, nhưng TTF sẽ nhận về. Hiện vụ án đã được đưa về Công An Điều tra Bình Dương.

Theo ông Tín, việc xử lý tồn đọng trước mắt sẽ khiến các cổ đông cảm thấy công ty thua lỗ lớn nhưng nó sẽ giúp TTF sạch sẽ hoàn toàn từ sau 2019. Nếu trừ các hoạt động này ra thì hoạt động kinh doanh thuần của TTF vẫn còn lãi (638 tỉ đồng so với 588 tỉ đồng).

Hiện TTF vẫn đang nợ đơn đặt hàng ứng trước hơn 1.400 tỉ đồng từ Vingroup và còn duy nhất một khoản vay ngân hàng là 124 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, ông Tín tự tin rằng với nguồn vốn hiện nay, TTF sẽ không cần thiết tăng vốn thêm lần nào nữa.

Dù vậy, ông Tín cũng kỳ vọng các cổ đông cho thêm thời gian để giải quyết vấn đề này.  

"Riêng về câu hỏi cổ phiếu TTF khi nào sẽ về lại mệnh giá. Tôi không dám khẳng định thời điểm, nhưng tôi tin trong vòng 3 năm nữa sẽ có mức đó, khi hoạt động của TTF vào quỹ đạo.

Cái khó nhất hiện nay là ý chí. Chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp gỗ lớn nhất Việt Nam. Và với những gì chúng tôi đang có, tôi tự tin có thể đẩy TTF đi thật xa", ông Tín nói với cổ đông.

mht

Nỗ lực vực dậy của TTF

Trả lời cổ đông vì sao doanh thu kế hoạch năm nay lại thấp? Ông Tín cho hay vì TTF không có nhiều hợp đồng với Vingroup trong năm nay dù đã ký với Vingroup 1.300 tỉ đồng

"Cho tới nay, TTF mới chỉ có 3 tỉ đồng hợp đồng. Rõ ràng là mối quan hệ rất tốt nhưng phải thừa nhận rằng nó phụ thuộc vào các công trình của họ. Cho nên, chúng ta phải tự lực cánh sinh", ông Tín nói.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại dù thấy có lợi nhiều nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia nhiều bằng việc mua lại hoặc thành lập mới. Có những hợp đồng lên đến 5 - 10 nghìn tỉ đồngnhưng chúng ta có dám ký hay không?.

Tôi tin rằng với sự dành giựt lao động rất lớn hiện nay, giá nhân công từ 7 triệu đồng/tháng sẽ lên 500 - 600 USD/tháng trong vòng hai năm nữa, nếu chúng ta ký thật nhiều hợp đồng bây giờ sẽ tự mình giết mình. Còn không chắc thì chúng ta từ từ làm", ông Tín nhận định.

Dù mọi khó khăn, ông Mai Hữu Tín cũng cho rằng TTF đã hoàn toàn mang một bộ mặt khác và đủ lực để đi đường dài đồng thời cam kết sẽ ở lại TTF ít nhất đến 2030. Mục tiêu đưa TTF thành công ty trị giá vượt tỷ USD.

"Chưa bao giờ tôi tràn trề tự tin như lúc này", Chủ tịch TTF lặp đi lặp lại câu nói trên.

Trả lời cổ đông về việc sáp nhập Sứ Thiên Thanh, TTF có được lợi ích gì ngoài việc tránh lỗ vượt quá vốn điều lệ hay quan hệ với Tập đoàn Đồng Tâm giúp được gì TTF hay không. Ông Tín cho hay: "Cổ đông từ Đồng Tâm sở hữu hơn 17% vốn TTF. Đã là người một nhà, việc gì có thể cùng làm được thì chúng ta làm.

Đầu tiên Showroom 39 của Đồng Tâm có thể giúp TTF để đưa mục tiêu bán lẻ thành thực hiện thực, cùng với mảng thiết kế là cánh tay chủ lực của TTF".

Ngoài ra, Đồng Tâm có những sản phẩm gần và có thể làm chung như một bên làm gạch và một bên lót sàn. Với Thiên Thanh, rất nhiều sản phẩm có thể kết hợp của TTF với Sứ Thiên Thanh như bàn gỗ kèm bồn rửa đang là mặt hàng phổ biến nhất thế giới, quy mô doanh số mỗi năm 4 tỉ USD dành cho chiếc bàn rữa mặt (gỗ + bồn) đến từ Trung Quốc. Nhà máy TTF hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ.

Hiện sản lượng của Sứ Thiên Thanh 450.000 cái mỗi năm có thể bán hết cho TTF để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi công ty làm sản phẩm này xuất khẩu sang Mỹ, công ty có thể đẩy sản lượng lên hơn 800.000 sản phẩm/năm.

"Sứ Thiên Thanh sẽ góp vào 10% doanh số vào TTF. Nhưng chúng ta hãy nghĩ rằng, trong tương lai sẽ có thêm chục doanh nghiệp như vậy nữa góp vào TTF. Cuộc chơi khi đó rất thú vị", ông Tín nói.

"Để có giá trị 1 tỷ USD vào năm 2030, chúng ta phải hợp tác với nhiều đối tác. Hiện chúng tôi vẫn đang làm việc với các công ty hàng đầu trên thế giới. Và nếu không có gì thay đổi, vài tuần tới TTF sẽ ký một hợp đồng mỗi tháng mang về 5 - 7 triệu USD từ một đối tác lớn, Chủ tịch Gỗ Trường Thành cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nhan-mai-huu-tin-cam-giac-luc-dau-ve-ttf-la-rat-soc-con-bay-gio-la-thoi-diem-toi-thay-tu-tin-nhat-20190624203210609.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/