Ông lớn ngành phân bón trượt dài

Đã trải qua 3 năm liên tục suy giảm từ 2016, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp phân bón, kể cả các ông lớn như Đạm Phú Mỹ hay Bình Điền đều suy giảm, chỉ báo cho thấy bức tranh ngành phân bón nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang khá mờ mịt.

1010

Ngành nông nghiệp ảnh hưởng bởi khí hậu kéo theo ngành phân bón khó khăn

Tiếp đà suy giảm

Theo thống kê của người viết, phần lớn doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ của Việt Nam báo về kết quả kinh doanh sụt giảm trong quí III năm nay. Trong đó hai đơn vị đứng đầu ngành là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM) và CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) giảm doanh thu lần lượt 14% và 7% so với cùng kì.

Các doanh nghiệp thuộc top hai như CTCP Đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) chứng kiến doanh thu thuần giảm tới 32%, hay như CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) giảm khoảng 15%. Các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng không tránh khỏi xu thế chung như CTCP Phân lân Văn Điển (Mã: VAF) và CTCP Phân lân Ninh Bình (Mã: NFC).

chart phân a+

BM tổng hợp

Theo lý giải chung của các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường giảm do mùa vụ, hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn kéo dài tác động xấu đến ngành nông nghiệp. Thị trường phân bón trong nước cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất về cả giá và chính sách tiêu thụ. 

Bên cạnh đó, giá Urê thế giới và trong nước giảm khiến các đơn vị mua rè chừng, chỉ mua không khi có cầu, không mua dự trữ... là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến ngành phân bón.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón thậm chí còn giảm mạnh hơn, Đạm Phú Mỹ từ lãi gần 160 tỉ đồng cùng kì năm ngoái giảm xuống còn 62 tỉ đồng; Phân bón Bình Điền giảm lãi từ 58 tỉ đồng còn 38 tỉ đồng; hay lãi ròng của Đạm Cà Mau giảm từ hơn 150 tỉ đồng xuống chỉ còn 9 tỉ đồng. Cá biệt có công ty Đạm Hà Bắc từ lỗ gần 100 tỉ đồng quí III năm ngoái đã tăng gấp đôi lên lỗ 200 tỉ đồng trong quí III năm nay.

Hoàn cảnh của Đạm Hà Bắc có phần bi đát hơn các doanh nghiệp khác cùng ngành khi phải chịu lãi vay tới 212 tỉ đồng trong quí, đây là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ nặng. Tại thời điểm 30/9/2019, Đạm Hà Bắc còn vay nợ các tổ chức gần 7.540 tỉ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn.

chart phân b+

BM tổng hợp

Kết quả kinh doanh quí III tiếp tục diễn biến tương tự so với 9 tháng đầu năm cho thấy một năm ảm đạm đối với ngành phân bón. Trong đó, những doanh nghiệp có giá thành thấp, khấu hao thấp và sạch nợ vẫn đạt được những con số lợi nhuận tương đối khả quan, và với những doanh nghiệp có suất đầu tư cao và vẫn đang trong giai đoạn trả nợ vay lớn trở nên mờ mịt.

Sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài

Hiện ngành phân bón vô cơ trong nước không chỉ gặp khó bởi nhu cầu sụt giảm, chính sách thuế tiếp tục có lợi cho phân bón nhập khẩu đang tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành. 

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến các doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất phân Urê, khi giá loại phân này giảm trong nước giảm từ 7 – 12% so với cùng kỳ. Số liệu thống kê cho thấy, biên lãi gộp của Đạm Phú Mỹ giảm từ 20% xuống 16%, Đạm Cà Mau giảm từ 26% xuống 13%, hay của Đạm Hà Bắc giảm từ 19% xuống 13%.

chart phân c+

BM tổng hợp

Một nguyên nhân khác có thể kể đến là giá nguyên liệu đầu vào với các nhà máy phân bón Urê đều tăng so với năm ngoái. Hai  Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ dùng nguyên liệu chính là khí trong khi Đạm Hà Bắc sử dụng nguyên liệu đầu vào chính là than.

chart phân d+

chart phân e

BM tổng hợp

Sự sa sút của ngành phân bón chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn trong ngành nông nghiệp. Trong quí III, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, năng suất cây trồng thấp do ảnh hưởng hạn hán.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO), sản lượng lúa 9 tháng giảm gần 460.000 tấn so với cùng kỳ. Mặc dù diện tích gieo trồng tăng trong vụ đông xuân, nhưng nắng nóng kéo dài trong giai đoạn lúa sinh trưởng dẫn đến năng suất và sản lượng toàn vụ giảm. Tại Việt Nam, lúa là cây trồng tiêu thụ tỷ trọng lớn phân bón khoảng 64%, kế đến là ngô 12% và các loại rau 9%...

Gieo trồng cây hoa màu đạt thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết và do hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Tính đến giữa tháng 9, cả nước gieo trồng được 960,9 nghìn ha ngô, giảm hơn 3%; 110,6 nghìn ha khoai lang, giảm 2%;169,7 nghìn ha lạc, giảm 4%; 43,9 nghìn ha đậu tương, giảm 5%; 978,7 nghìn ha rau, đậu, tăng 2%...

Sau 9 tháng, sản lượng phân Urê sản xuất trong nước đạt 1,6 triệu tấn, giảm 0,2% và phân NPK đạt 2,1 triệu tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Không chỉ cầu trong nước thấp, sản lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng giảm về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chính gồm Campuchia (47%), kế đến là Malaysia (15%), Lào (11%) và Hàn Quốc (7%)…

Trên thế giới, xu hướng chính trên khắp các thị trường chủ yếu giảm giá do nhu cầu hạn chế. Hiện thị trường Ure nội địa Trung Quốc tiếp tục suy yếu tại một số khu vực sản xuất do nhu cầu thấp. 

"Trong dài hạn, nhu cầu phân bón vô cơ cũng được dự báo sẽ còn giảm do xu hướng tăng hữu cơ và giảm vô cơ đang được khuyến khích, các kỹ thuật mới cũng làm giảm lượng phân bón đến 30 – 40%", lãnh đạo một công ty phân bón lớn cho biết. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-lon-nganh-phan-tiep-tuc-truot-dai-2019110715334473.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/