Ông Đoàn Văn Hiểu Em: TGDĐ và ĐMX sẽ nỗ lực chiếm thị phần của các đơn vị khác, dự kiến mở thêm chuỗi cửa hàng phục vụ nhóm khách hàng cao cấp

Tính đến hết tháng 4, hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đạt doanh thu khoảng 39.600 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cùng và đạt khoảng 36% mục tiêu đề ra cho năm nay.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều 19/4, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 4. Trong tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.400 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 47.900 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Cũng trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) cũng đã có những chia sẻ về hai chuỗi kinh doanh này cũng như một số vấn đề trong ngành bán lẻ.

Chiếm thị phần của đơn vị khác

Theo ông Hiểu Em, lũy kế 4 tháng đầu năm, hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đạt doanh thu khoảng 39.600 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm cuối tháng 4, doanh thu của hai chuỗi này đạt khoảng 36% mục tiêu đề ra cho năm 2022.

“Tới thời điểm này, tốc độ hoàn thành mục tiêu đề ra của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX khá tốt, vượt xa quỹ thời gian ban đầu”, ông Hiểu Em cho biết. Đồng thời, lãnh đạo hai chuỗi TGDĐ và ĐMX cũng bày tỏ sự lạc quan về việc hoàn thành mục tiêu đề ra trong phần còn lại của năm nay.

Về biên lãi gộp, TGDĐ và ĐMX đạt khoảng hơn 22%, ngang ngửa cùng kỳ năm trước. Chia sẻ về khả năng đạt được mục tiêu trong khoảng thời gian còn lại của năm nay, ông Hiểu Em tiếp tục đánh giá là có khả thi.

Tuy nhiên, ông Hiểu Em cho biết đánh giá của công ty cho những tháng cuối năm dường như không quá khả quan. Theo báo của GFK, thị trường chỉ tăng trưởng khoảng 10% (bao gồm tăng trưởng của cả TGDĐ và ĐMX), trong khi TGDĐ và ĐMX tăng trưởng 24%. Theo ông Hiểu Em, nếu bỏ qua phần tăng trưởng của TGDĐ và ĐMX, thị trường có lẽ tăng trưởng ở mức dưới một chữ số cho mảng điện thoại.

Với những con số như vậy, lãnh đọa TGDĐ và ĐMX nhận định tốc độ tăng trưởng của thị trường trong vài tháng tới thậm chí còn chậm hơn thời điểm hiện tại.

“Thời tiết hiện tại cũng không quá ủng hộ việc mua đồ điện máy. Ngoài ra, sau đợt COVID-19, tiền tiết kiệm của người dân dường như cũng đã được dùng hết. Bên cạnh đó, một số vấn đề cả trên thế giới và Việt Nam cũng góp phần vào tình hình chung không mấy khả quan trong vài tháng tới”, ông Hiểu Em cho biết.

Hai chuỗi TGDĐ và ĐMX sẽ cố gắng chiếm thị phần từ đơn vị khác để hoàn thành mục tiêu đề ra. (Ảnh: Thanh Niên). 

Dù vậy, ông Hiểu Em cho biết hai chuỗi TGDĐ và ĐMX vẫn sẽ cố gắng hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra bằng cách chiếm thị phần của đơn vị khác, bất chấp những khó khăn của thị trường.

“Ví dụ, khi chúng tôi xác định tập trung vào thương hiệu Apple với sự xuất hiện của chuỗi TopZone, quý I năm nay chúng tôi đã đạt được khoảng 4.300 tỷ đồng với thương hiệu này, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Sự tập trung này là cách nhanh nhất để chiếm thị phần trên thị trường.

Nhìn xa hơn một chút, với tốc độ tăng trưởng này, chúng tôi có thể đạt được 650 triệu USD từ thương hiệu Apple, cao hơn con số 450 triệu USD năm 2021 hay 350 triệu USD trong năm 2020. Chúng tôi đang tập trung vào Apple với mục tiêu doanh số 1 tỷ USD trong năm 2023”, ông Hiểu Em nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Hiểu Em cũng kỳ vọng trong tương lai, cùng với TGDĐ và TopZone, thị trường cửa hàng Apple tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và gã khổng lồ này sẽ coi Việt Nam là thị trường cấp một, khi đó không có cơ hội cho hàng xách tay.

Ảnh hưởng từ lạm phát và xung đột Nga - Ukraine

Hiện tại, một số công ty bán lẻ ở nước ngoài ghi nhận tăng trưởng âm bởi lạm phát đang rất cao. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch TGDĐ cho biết: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà tình hình vĩ mô không thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất”.

Theo ông Tài, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sức mua đã bị ảnh hưởng rất nhiều, mặc dù hiện tại tình hình dịch bệnh có phần được kiểm soát. Khi mọi thứ còn chưa kịp phục hồi ở trạng thái tốt nhất, cuộc xung đột Nga – Ukraine lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu

“Những đơn vị chăn nuôi, sản xuất đều ghi nhận giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao. Điều này cũng khiến giá đầu ra tăng theo, kể cả hàng hóa thiết yếu hay hàng điện thoại điện máy”, ông Tài cho biết.

Theo Chủ tịch TGDĐ, khi mọi người có xu hướng tìm kiếm sự an toàn trong tương lai, họ sẽ tìm mua những thứ có giá rẻ hơn đôi chút. Trước đây, khi mọi thứ bình thường, người tiêu dùng có thể mua điện thoại ngay khi nó mới ra mắt, nhưng hiện tại thì ngược lại.

Đồng tình với ý kiến của ông Tài, ông Hiểu Em cho biết mặt hàng điện tử, điện máy cũng chịu tác động của lạm phát, nhưng với tốc độ chậm hơn đôi chút so với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

“Trong một vài tháng tới, lạm phát sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hai chuỗi TGDĐ và ĐMX”, ông Hiểu Em nhấn mạnh.

Vấn đề chuỗi cung ứng

Trong ngắn hạn, ông Hiểu Em cho biết vẫn tình hình chuỗi cung ứng hay cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa có ảnh hưởng quá lớn tới hai chuỗi TGDĐ và ĐMX. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, có thể hai chuỗi này sẽ chịu tác động từ những yếu tố nêu trên.

“Các bạn thấy rằng vấn đề chuỗi cung ứng này diễn ra ở nhiều quốc gia chứ không phải một quốc gia cụ thể nào cả. Vì vậy, việc sản xuất chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng, đặc biệt là sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra”, ông Hiểu Em cho biết.

Về vấn đề giá cả, đối với ngành hàng điện thoại điện máy, xu hướng từ xưa tới nay là giảm chứ không tăng, theo ông Hiểu Em. “Việc tăng giá chỉ xảy ra khi có những sản phẩm mới. Nhưng hiện tại, chu kỳ ra mắt sản phẩm mới dường như chưa có. Theo thông tin của tôi, một số công ty vẫn chưa có kế hoạch tăng giá sản phẩm trong thời gian tới”, lãnh đạo TGDĐ và ĐMX cho biết.

Mô hình mới của TGDĐ và ĐMX

Mục tiêu của TGDĐ và ĐMX từ giờ tới cuối năm là tiếp tục mở thêm chuỗi ĐMX Supermini. Mục tiêu trước đó được doanh nghiệp đề ra là mở 1.000 chuỗi. Tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp cần mở thêm khoảng 200 chuỗi mới nữa để hoàn thành mục tiêu trong năm nay.

Ngoài ra, ông Hiểu Em cho biết trong cuối quý II – đầu quý III, TGDĐ có thể mở khoảng 20 trung tâm ĐMX. “Chúng tôi có những mô hình khác nhau, từ trung tâm ĐMX cho đến ĐMX Supermini, hay gần đây có cả mô hình cộng tác viên. Rõ ràng, đối với phân khúc khách hàng tầm trung đổ xuống, TGDĐ và ĐMX gần như đã chiếm lĩnh”, ông Hiểu Em cho biết.

Đối với phân khúc khách hàng cao cấp, các chuỗi cửa hàng của TGDĐ và ĐMX mới chỉ đáp ứng được một phần. Do đó, ông Hiểu Em cho biết trong thời gian tới đang suy nghĩ về mô hình ĐMX Flagship Store, diện tích rơi vào khoảng 3.000 – 5.000 m2, phục vụ cho các khách hàng tầm cao. Điều này cũng tương tự với TGDĐ với mô hình TGDĐ Flagship Store.

“Chúng tôi đang nỗ lực để đầu tư cho TGDĐ Flagship Store và Trung tâm ĐMX. Số lượng những chuỗi này có lẽ sẽ không nhiều, đa số nằm ở trung tâm các thành phố lớn”, ông Hiểu Em cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-doan-van-hieu-em-tgdd-va-dmx-se-no-luc-chiem-thi-phan-cua-cac-don-vi-khac-du-kien-mo-them-chuoi-cua-hang-phuc-vu-nhom-khach-hang-cao-cap--202252011114873.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/