Ống dẫn nước - Những điều cần biết

Nhu cầu về xây dựng nhà ở ngày càng tăng cao, kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng. Trong đó, ống dẫn nước trở thành thiết bị không thể thiếu trong các công trình. Cần nắm rõ thông tin về các loại ống dẫn nước để có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Từ xưa đến nay, việc sử dụng nước luôn là một nhu cầu tất yếu và cần thiết trong cuộc sống của con người. Từ những nền văn minh cổ đại của Hy Lạp, Ba Tư…, hệ thống ống nước phục vụ cho ăn uống, tưới tiêu, tắm rửa hay thoát nước thải đã được hình thành. Con người đã biết cách chế tạo ra những đường ống dẫn nước từ những vật liệu thô sơ nhất như: gỗ rỗng, tre, đá rỗng, xi măng, đất sét nung...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều vật liệu hiện đại đã lần lượt được sử dụng để thay thế các vật liệu thô sơ ban đầu. Trong đó phải kể đến đồng, gang, thép mạ kẽm và ngày nay phổ biến nhất đang là vật liệu nhựa.

Sản phẩm ống dẫn nước bằng nhựa. (Ảnh: Trường Phát)

Ống cấp nước được chia làm hai loại: cấp nước trong nhà và cấp nước ngoài trời. Cấp nước ngoài trời nhằm cung cấp nước từ nguồn nước cho nhà ở, xí nghiệp và các công trình dân dụng khác. Còn cấp nước trong nhà là cấp nước từ một bộ phận của tòa nhà đến các khu vực khác nhau như: phòng tắm, nhà bếp, sân vườn…

Ống dẫn nước là một thiết bị truyền dẫn, do đó thông số kỹ thuật cũng ít hơn so với các thành phần khác trong hệ thống cấp thoát nước. Tuy nhiên, ba thông số quan trọng cần quan tâm của một hệ thống ống dẫn nước bao gồm đường kính, độ dày và vật liệu làm ống.

Đường kính ống (bao gồm đường kính trong và đường kính ngoài) là yếu tố quyết định lưu lượng nước mà ống có thể truyền tải được. Đường kính ống càng lớn thì lưu lượng nước càng lớn. Ngoài ra, đường kính ống còn quyết định một yếu tố khác, đó là khi nước chảy trong ống, đường ống càng dài thì áp lực nước ở đầu ra sẽ càng bé và ngược lại. Đây gọi là tổn thất theo chiều dài ống. Tùy loại ống mà có các quy cách về đường kính khác nhau. Đường kính này thường được in trên ống.

Độ dày ống sẽ ảnh hưởng đến mức độ chịu áp lực nước của ống. Ống càng dày thì khả năng chịu áp lực sẽ càng cao. Thông số này thể hiện trên ống bằng kí hiệu PN (chúng ta thường thấy ống có kí hiệu là PN – Pressure Nominal).

Một thông số nữa cũng ảnh hưởng đến tổn thất chiều dài ống đó chính là vật liệu làm ống. Những vật liệu này cũng quyết định rất lớn đến độ bền, mức độ chịu nhiệt, chịu lực và sự linh hoạt của ống. Các chất liệu ống dẫn nước thường được sử dụng trong hệ thống cấp nước là ống nhựa hoặc ống kim loại. Mỗi loại sử dụng một chất liệu khác nhau, có nhiều kích thước khác nhau và tùy từng dòng sản phẩm sẽ có các giá thành khác nhau.

Ống dẫn nước bằng kim loại đồng (Ảnh: Trường Phát)

Ưu điểm của ống dẫn nước bằng kim loại đó là có tính kháng khuẩn, kháng hóa chất và tia UV, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực và va đập tốt, phù hợp với những vùng có khí hậu khắc nghiệt. Tuy nhiên, những đường ống này có trọng lượng lớn, giá thành rất cao nên không phù hợp với phần đông người tiêu dùng.

Trong khi đó, ống nhựa lại có ưu điểm là trọng lượng nhẹ, khả năng chống xâm thực tốt. Hơn nữa giá thành sản phẩm thấp, giúp cho các chủ đầu tư, chủ dự án giảm bớt các chi phí bảo hành, thay mới hệ thống cấp thoát nước.

Tuy nhiên, ống nhựa thường sử dụng các chất ổn định (thường là hợp chất kim loại chì độc hại), chất hóa dẻo, chất bôi trơn, chất chống oxy hóa… Đó là những hợp chất có thể gây ung thư và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Vì vậy, người dân vẫn có phần e ngại khi sử dụng những đường ống nước bằng vật liệu nhựa.

Việc tìm ra một chất liệu hoàn hảo, đáp ứng được các tiêu chí và nhu cầu của người tiêu dùng đang là mối quan tâm của các chuyên gia trong ngành ống nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-dan-nuoc-nhung-dieu-can-biet-2023315105510353.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/