Những ngân hàng trong 'tầm ngắm' nới room tín dụng năm 2021

Nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021, chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm. Một số gương mặt là ứng viên sáng giá cho lần nới room sắp tới của NHNN.

Ngân hàng nào trong 'tầm ngắm' sắp được nới 'room' tín dụng? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: MB).

"Hơn 10 tổ chức tín dụng đã nộp đơn xin nới room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong thời gian tới", đó là thông tin được ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ trong họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của NHNN diễn ra sáng nay (21/6).

Tín hiệu này cùng với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm cho thấy nhiều ngân hàng đang trong trạng thái cạn room cho vay.

Vào quý I, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống. Trong đó, Techcombank là ngân hàng được cấp "room" tín dụng cao nhất với mức 12%. TPBank xếp sau đó với mức 11,5%. Ngoài ra, Vietcombank, MB, MSB có chung hạn mức tín dụng là 10,5%.

Trong khi đó, ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp "room" tín dụng từ 6,5% - 7,5%.

Những ngân hàng nào có khả năng được nới thêm 'room' tín dụng năm nay? - Ảnh 1.

Sự khác nhau giữa mức cấp hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng được NHNN cân nhắc trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố từ quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng. NHNN sẽ thực hiện xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt cho các ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết.

Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, nhiều ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do NHNN giao đầu năm 2021, chỉ trong 4 hoặc 5 tháng đầu năm. Dấu hiệu cạn room đã được thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng cho vay trong quý I đã gần bằng hạn mức cho cả năm.

Trong quý I, bộ ba MSB, MB và Techcombank, những ngân hàng có hạn mức tín dụng cao cũng là Top 3 ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay cao nhất là những ứng viên hàng đầu cho việc được nới room sắp tới.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI mới đây cho biết trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của MSB đã chạm trần được cấp đầu năm là 10,5% và ngân hàng đang xin nới room. Mức trần tăng trưởng tín dụng 2021 kỳ vọng được duyệt vào tháng 6 khoảng 20-25% so với cùng kỳ, 

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng MB sẽ là một trong số những được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung trong đợt đánh giá này.

Tại MB, trong ba tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng đã tăng 8,6%, sát với hạn mức 10,5% được cấp đầu năm. Theo dự phóng của VCSC, tăng trưởng tín dụng của MB trong năm nay có thể đạt 20% với động lực chính là các khoản vay mua nhà ký kết với Novaland và các dự án sản xuất năng lượng. 

Hay tại Techcombank, tính đến 31/3/2021, tăng trưởng dư nợ cho vay đã ở mức 6,76% khá cao trong quý đầu năm trong khi "room" tín dụng cho cả năm là 12%. 

Ngoài ba ngân hàng trên TPBank cũng là cái tên được nhắc đến trong báo cáo của VCSC với kỳ vọng sẽ được nới room tăng trưởng tín dụng từ 11,5% lên 26% trong năm 2021, theo đúng kế hoạch của ngân hàng. 

Tại đại hội thường niên vào tháng 4, lãnh đạo ngân hàng TPBank từng tiết lộ tính đến ngày 23/4 ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ 3,66%.

Tương tự TPBank, những ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2021 cũng đang khá sốt sắng với việc được nới room. 

Ngoài những gương mặt kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng đã đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% như VIB (31%); Kienlongbank (28%); HDBank (26%); OCB (25%); Vietbank (22%).

Việc được nới room hay không sẽ ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch lợi nhuận chung trong cả năm, do đó, kỳ vọng của các ngân hàng vào đợt nới room này cũng khá lớn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-ngan-hang-trong-tam-ngam-noi-room-tin-dung-nam-2021-20210621090417518.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/