Những chuyển động mới tại khu Cao - Xà - Lá

Hai khu đất 233 và 233B Nguyễn Trãi tiền thân là các nhà máy sản xuất xà phòng về cơ bản đã được giải tỏa xong, trong khi nhà máy thuốc lá Thăng Long vẫn đang hoạt động sản xuất, theo kế hoạch cập nhật từ Vinataba, nhà máy sẽ hoàn thành di dời trong năm 2019 này...

Bột giặt LIX thoái vốn khỏi liên doanh với Vingroup tại 233 Nguyễn Trãi

Như chúng tôi đã đưa tin, việc CTCP Bột giặt LIX (Lixco - Mã: LIX) ra quyết định thoái vốn tại Công ty TNHH Xalivico, có trụ sở tại 233 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội là diễn biến mới nhất xung quanh kế hoạch di dời các nhà máy (vẫn được gọi với cái tên khu Cao - Xà - Lá) ra khỏi trung tâm Thủ đô và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.  

Xalivico vốn điều lệ 500 tỉ đồng là liên doanh giữa Lixco và CTCP Bất động sản Xavinco (công ty con do Vingroup sở hữu 96,44%) với tỷ lệ góp vốn lần lượt 26% và 74%. Công ty sở hữu diện tích đất 11.778 m2, tiền thân là chi nhánh Hà Nội của Lixco. 

Nằm sát bên cạnh, khu đất 233B Nguyễn Trãi từng là nhà máy của CTCP Xà phòng Hà Nội cũng đã thuộc về Xavinco, công ty từng là liên doanh giữa CTCP Xà phòng Hà Nội (Haso - Mã: XPH)Tập đoàn Vingroup

2019-07-17 10

Bên trái tiền thân là Nhà máy Xà phòng Hà Nội (Haso), bên phải là cổng phụ Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (Ảnh: BM)

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của cả Xavinco và Xalivico là ông Nguyễn Vũ Hưng, chồng của bà Mai Thu Thủy, người nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty bất động sản thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup. Ngoài ra bà Thủy còn được biết đến là em gái của bà Mai Hương Nội, Phó TGĐ Tập đoàn. 

Theo quan sát của chúng tôi, hiện khu đất của Xalivico (233 Nguyễn Trãi) đã được giải phóng mặt bằng xong toàn bộ, còn khu đất tiền thân là nhà máy xà phòng Hà Nội (233B Nguyễn Trãi) đang được dựng tạm làm bãi đỗ xe. 

Trước cổng của dự án này ghi rõ: Ban quản lý xây dựng VH Smart City và VH Green Bay trên các khu đất có địa chỉ 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi. 

Nhà máy thuốc lá Thăng Long dự kiến di dời xong trong năm nay

2019-07-17 10

Hàng trà đá 33 năm trước cổng Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (Ảnh: BM)

Địa chỉ 235 Nguyễn Trãi chính là trụ sở của Công ty TNHH Thuốc lá Thăng Long có lịch sử 62 năm. Đây là một trong hai nhà máy chủ lực của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) nhưng trong hoàn cảnh phải di dời gấp theo chỉ đạo của Thủ tướng vì gây ô nhiễm môi trường. 

Thời điểm hiện tại, nhà máy vẫn đang trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên thông tin mà người viết có được cho biết, dự án đầu tư di dời Nhà máy thuốc lá Thăng Long đang được thực hiện và cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2019. 

vina-2-15622078459601689248886

Tình hình triển khai chương trình di dời Nhà máy thuốc lá Thăng Long (Vinataba)

Chương trình tổng thể di dời Nhà máy có tổng mức đầu tư 1.553 tỉ đồng (bao gồm chuyển nhà máy cũ và đầu tư dây chuyền chế biến thuốc lá 6 tấn/giờ), nguồn vốn đầu tư sẽ từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và bán nhà xưởng sau khi di dời.

Như vậy nếu như không có gì thay đổi, kết thúc năm 2019 tổ hợp 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi diện tích 11 ha cơ bản sẽ được giải phóng xong. 

Nhóm Hoành Sơn tăng sở hữu tại Cao su Sao Vàng và sự vào cuộc của Hưng Thịnh Phát 

Trong khi đó, "gã hàng xóm" CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) sở hữu khu đất số 231 Nguyễn Trãi cũng đang cho thấy những diễn biến mới. Đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đấu giá thành công hơn 4,2 triệu cổ phiếu SRC với giá 46.453 đồng/cp, chỉ cao hơn đúng 1 đồng so với giá khởi điểm. 

Danh tính cả các nhà đầu tư cá nhân mua trọn lô cổ phần SRC do Vinachem thoái bao gồm ông Nguyễn Tiến Ngọc, Phạm Ngọc Hà, Nguyễn Hồng Sơn; và nhà đầu tư tổ chức là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Anh (gọi tắt là công ty Việt Anh).

Đáng chú ý, Công ty Việt Anh và CTCP Đầu tư và phát triển Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) là hai doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. 

Cả hai công ty có cùng ngày thành lập 27/2/2014 tại số 18, đường Nguyễn Trường Tộ, phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; cùng có vốn điều lệ 500 tỉ đồng và cùng cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu giống nhau. 

Cổ đông lớn nhất kiêm Chủ tịch HĐQT sở hữu 80% vốn điều lệ tại hai công ty là ông Phạm Hoành Sơn, các cổ đông còn lại gồm bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 19% và ông Nguyễn Tiến Ngọc sở hữu 1%. 

Ông Ngọc hiện là cổ đông lớn tại Cao su Sao Vàng sở hữu gần 6,3% vốn điều lệ, tại thời điểm 11/4 nhóm các cổ đông có liên quan đến ông Ngọc thông báo sở hữu 19% cổ phần có quyền biểu quyết tại Cao su Sao Vàng. Nhóm này này đề cử 3 ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016 - 2021 và được Hội đồng quản trị Cao su Sao Vàng thông qua.

2019-07-17 10

Đất vàng của SRC tại 231 Nguyễn Trãi (Ảnh: BM)

Thực tế từ năm 2016, Cao su Sao Vàng đã có "cái bắt tay" với Hoành Sơn để cùng góp vốn thực hiện Dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên diện tích đất 6,2 ha (231 Nguyễn Trãi) của nhà máy.

Hai bên thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn vốn điều lệ 100 tỉ đồng, trong đó Hoành Sơn góp 74% còn SRC 26% còn lại. 

Tháng 1/2017, cái tên Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát bất ngờ "chen chân" vào cuộc chơi tại khu đất 231 Nguyễn Trãi. Công ty Sao Vàng - Hoành Sơn tăng vốn lên 500 tỉ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của Hoành Sơn giảm từ 74% xuống 44,59%; tỷ lệ phần vốn giảm được chuyển giao lại cho Hưng Thịnh Phát; còn sở hữu của SRC giữ ở mức không đổi so với ban đầu, 26%. 

Hưng Thịnh Phát là công ty có trụ sở tại địa chỉ 62 Định Công, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội và Giám đốc là ông Nguyễn Văn Hùng. Theo tìm hiểu, ông Hùng còn là đại diện pháp luật của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group) và CTCP Tư vấn Đầu tư HL Land (HL Land Investment). 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-chuyen-dong-moi-tai-khu-cao-xa-la-20190717104910404.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/