Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 9/2017

Quy định mới về tạm nhập, tái xuất hàng hóa; Hải Phòng được hưởng nhiều cơ chế đặc thù; chế độ tài chính của ngân hàng nước ngoài... là vài trong những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 9/2017.

Quy định mới về tạm nhập, tái xuất hàng hóa

Từ ngày 11/09/2017, hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Thông tư quy định, hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước.

Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quy định tại Khoản 2 Điều này do UBND tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công thương về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và công bố danh sách doanh nghiệp được lựa chọn.

Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu tạm nhập để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định.

nhung chinh sach kinh te moi co hieu luc tu thang 92017

Hải Phòng được hưởng cơ chế đặc thù

Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng có hiệu lực từ 15/9/2017.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ.

Chính phủ quyết định, thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.

Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mang tính chất phục vụ cấp vùng trên địa bàn thành phố và các dự án lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chế độ tài chính của ngân hàng nước ngoài

Nghị định 93/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017 quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước có hiệu lực từ 25/9/2017.

Bên cạnh một số nội dung mới về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đối tượng, nguyên tắc quản lý tài chính…Nghị định cũng nêu rõ doanh thu từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm 7 loại thu nhập, như: Thu lãi tiền gửi, thu lãi cho vay, thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ, thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, thu lãi cho thuê tài chính, thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ, thu khác từ hoạt động tín dụng; thu nhập từ hoạt động dịch vụ; từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, góp vốn, chuyển nhượng…

Cũng theo Nghị định số 93/2017/NĐ-CP, các khoản thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

Đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần ngày có hiệu lực từ 1/9/2017, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

- Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi.

- Thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.

- Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt.

Ngoài ra, một số chính sách, quy định mới về tăng chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Quy định mới về tạm nhập, tái xuất hàng hóa; Quy định mới về thi thăng hạng giảng viên đại học công lập; Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%); Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù, nặng nhọc cho giáo viên nghề…cũng có hiệu lực từ tháng 9/2017.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực từ 1/9/2017, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

- Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.

- Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 - 2%. Cụ thể, khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện mức thu 1%; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ mức thu 2%; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi mức thu 1,5%.

Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là 0,2%.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-chinh-sach-kinh-te-moi-co-hieu-luc-tu-thang-92017-30695.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/