Những anh chị em 'vang bóng một thời' trên sàn chứng khoán Việt: Người tù tội, người rút lui, người ở ẩn ...

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam từng có nhiều cặp anh chị em ruột “làm mưa làm gió” với khối tài sản nghìn tỷ và chức vụ lãnh đạo cao nhất tại các tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp trong số này làm ăn sa sút còn các vị lãnh đạo cũng đón không ít tin buồn.

Anh em Hà Trọng Nam – Hà Văn Thắm: Em lĩnh án chung thân, anh mất dần chức vụ

Đầu năm 2014 giữa lúc đỉnh cao danh vọng, Hà Văn Thắm là Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup – Mã: OGC), Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (Mã: OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS).

Ông Thắm từng đạt nhiều danh hiệu cao quí như "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và "Cúp Thánh Gióng" năm 2009, là một trong 10 doanh nhân trẻ được vinh danh "Giải thưởng Sao Đỏ 2011".

Nhưng rồi ngày 24/10/2014, ông Thắm bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", theo điều 179 Bộ luật Hình sự. 

Phạm vi điều tra liên tục được mở rộng. Riêng trong giai đoạn một của vụ án, cơ quan tố tụng đã truy tố, xét xử 50 bị cáo về các tội Tham ô, Lạm dụng chức vụ, Vi phạm quy định về cho vay và Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Đầu tháng 5/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm giữ nguyên hình phạt tù chung thân với Hà Văn Thắm như án sơ thẩm. Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm và đồng phạm đã vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với OceanBank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Ngày 3/12/2018, Hà Văn Thắm cùng cấp dưới lại bị khởi tố thêm tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án đang tiếp tục được điều tra.

Hà VĂn Thắm OGC

Ông Hà Văn Thắm tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Về phần người anh trai của Hà Văn Thắm là ông Hà Trọng Nam, HĐQT của CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH) đã bầu ông Nam làm thành viên HĐQT kể từ ngày 19/11/2014 – tức khoảng 1 tháng sau ngày Hà Văn Thắm bị bắt tạm giam. Cùng ngày 19/11, HĐQT công ty miễn nhiệm chức danh Chủ tịch của Hà Văn Thắm và bầu ông Nam làm Chủ tịch thay thế.

Trong khi em trai làm Chủ tịch tại OceanGroup trước lúc bị bắt, ông Nam cũng là thành viên HĐQT tại đây. Từ ngày 16/12/2015, ông Nam được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT của OceanGroup.

Đến Đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 15/8/2018, ông Nam đã bị miễn nhiệm khỏi HĐQT tập đoàn. Đại hội cổ đông thường niên của Ocean Group tổ chức ngày 20/5/2019 bầu ra 5 thành viên HĐQT, trong đó cũng không có ông Nam.

Chưa dừng lại ở đó, theo nghị quyết HĐQT ngày 1/6 vừa qua, đại diện phần vốn của OceanGroup tại công ty con OCH được chia đều cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch mới của OceanGroup chứ không phải do ông Nam đại diện như trước.

Nói cách khác, ông Hà Trọng Nam hiện không nắm giữ chức vụ gì tại OceanGroup và cũng không còn là người đại diện phần vốn của tập đoàn này tại công ty mà ông làm Chủ tịch. Có thể thấy, chiếc ghế Chủ tịch OCH của ông Nam hiện đang lung lay hơn bao giờ hết.

Một trong những lí do khiến ông Nam không được lòng tại OceanGroup là khoản "nợ khó đòi" hàng trăm tỉ đồng mà ông Nam đang nợ OCH - công ty con của OceanGroup.

Năm 2010, OCH tạm ứng tiền để ông Nam thực hiện thương vụ mua cổ phần tại CTCP Kem Tràng Tiền (do ông Nam cùng ông Thắm đồng sở hữu). Đến năm 2015, thương vụ bị huỷ bỏ nhưng ông Nam chưa hoàn lại số tiền tạm ứng trên. Theo báo cáo tài chính quí I/2019 của OCH, đến ngày 31/3 giá trị khoản nợ của ông Nam gồm cả gốc lẫn lãi là hơn 626 tỉ đồng. Khoản nợ này từng được các cổ đông đưa ra chất vấn tại nhiều kì đại hội cổ đông nhưng ông Nam vắng mặt và không trả lời trực tiếp.

Chuyện nhà 'bầu' Đức: Em trai rút lui dần sau ngày hợp tác với Thaco

Hôm 8/8 năm ngoái, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức chính phủ, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của Chủ tịch Trần Bá Dương đã kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thaco dự tính sẽ đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng vào các dự án nông nghiệp và bất động sản của HAGL.

Sự hợp tác giữa hai tập đoàn kinh tế lớn này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von là "cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối" khi "chú rể" Thaco là một nhà kỹ trị có đam mê còn "cô dâu" HAGL là người có tình yêu nông nghiệp và quyết tâm lớn.

HAGL Thaco

Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa HAGL và Thaco với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: HAGL.

Một tháng sau "lễ cưới" này, ông Đoàn Nguyên Thu – em trai Chủ tịch ông Đoàn Nguyên Đức -  đã thôi nhiệm vị trí thành viên HĐQT tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG). Đây là công ty con lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai, đóng góp hơn 2/3 doanh thu của tập đoàn năm 2018. Một ủy viên HĐQT khác cũng thôi nhiệm cùng ngày là ông Nguyễn Ngọc Ánh.

Hai lãnh đạo của Thaco sau đó đã được bầu bổ sung vào HĐQT của HAGL Agrico.

Ngày 4/6 vừa qua, ông Thu công bố ý định bán toàn bộ hơn 5 triệu cổ phiếu HAG mà ông đang sở hữu, giảm tỉ lệ sở hữu từ 0,54% xuống 0%. Mới đây nhất, ngày 13/6, HĐQT Hoàng Anh Gia Lai đã họp và ra nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Thu. Người kí ban hành nghị quyết này là anh trai ông Thu - Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức.

Hiện nay ông Thu chỉ còn là Ủy viên HĐQT tại HAGL và không còn chức vụ gì tại HAGL Agrico.

Ông Thu công tác tại Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2003 và đã có nhiều năm là cổ đông, Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của HAGL. Ông đã cùng anh trai mình trải qua nhiều bước thăng trầm của doanh nghiệp. Thời kì HAGL hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh gỗ và sau đó là điện, ông Thu từng giữ vai trò rất then chốt.

Khi HAGL bước chân sang mảng nông nghiệp với việc thành lập công ty con HAGL Agrico, ông Thu cũng được bổ nhiệm Ủy viên HĐQT. Tuy nhiên kể từ sau khi mảng nông nghiệp cũng sa sút và HAGL cần đến "gói cứu trợ" nghìn tỉ từ Thaco, vai trò của ông Thu tại doanh nghiệp của Anh cũng phai mờ dần.

haglll

Ba năm gần đây, lợi nhuận của HAGL mấy năm gần đây sa sút so với trước, có năm còn thua lỗ nghìn tỉ. Nguồn: tác giả tổng hợp số liệu từ BCTC.

Chị em Đặng Thị Hoàng Yến – Đặng Thành Tâm: Quá khứ huy hoàng đã xa – chị "biến mất" đầy bí ẩn, em thay chị giải thích với cổ đông

Hơn 10 năm trước đây, hai chị em Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm là hai cái tên làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Việt.

Năm 2007, ông Tâm là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Đầu tư Kinh Bắc (Mã: KBC), thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA). Khi đó ông Tâm là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối cổ phiếu có vốn hóa lên tới gần 6.300 tỉ đồng, đứng trên những tên tuổi khác như ông Phạm Nhật Vượng hay Đoàn Nguyên Đức, …

Còn bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng từng có ba năm liền góp tên trong danh sách Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2008-2010). Tháng 5/2011, bà Yến được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và rồi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 13, bà còn là ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội.

Tuy nhiên cùng với kết quả kinh doanh đi xuống của Tân Tạo kể từ năm 2011, hình ảnh bà Yến mờ nhạt dần trên thị trường chứng khoán Việt. Không những vậy, bà Yến đã không xuất hiện trước công chúng trong gần 6 năm qua.

itaa

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Tân Tạo đi xuống rõ rệt so với năm 2010 đỉnh cao. Nguồn: tác giả tổng hợp số liệu từ BCTC.

Trong 5 kì đại hội cổ đông gần đây của Tân Tạo, bà Yến đều vắng mặt, lí do được đưa ra mỗi lần mỗi khác. 

Nên nhớ đại hội cổ đông thường là dịp duy nhất trong năm để các cổ đông có cơ hội gặp và trao đổi về tình hình hoạt động của công ty với ban lãnh đạo - đặc biệt là Chủ tịch HĐQT. Vì vậy việc chủ tịch vắng mặt tại đại hội cổ đông – dù chỉ là 1 năm – cũng đã rất bất thường chứ chưa nói tới 5 năm liên tiếp như bà Yến.

Tại đại hội năm 2016, cổ đông Tân Tạo đã đề nghị xem xét sự cần thiết sự có mặt của chủ tịch. Khi đó, bà Yến vắng mặt với lí do đại hội trùng với chương trình bảo vệ luận án Tiến sĩ. Trong các đại hội trước đó của Tân Tạo, bà Yến ủy quyền cho Tổng Giám đốc Thái Văn Mến, điều hành Đại hội.

Năm 2017 và 2018, ông Đặng Thành Tâm đã chủ trì đại hội thay chị gái. Ông Tâm từng là thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc của Tân Tạo, tuy nhiên tại thời điểm được ủy quyền điều hành đại hội, ông Tâm không còn là lãnh đạo của Tân Tạo.

chi-em-ba-dang-thi-hoang-yen-15375105696281587677544

Hai chị em Đặng Thị Hoàng Yến - Đặng Thành Tâm. Ảnh: Dân trí.

Tháng 7/2018, ông Đặng Quang Hạnh – một em trai khác của bà Yến và là anh trai của ông Tâm được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Tân Tạo. Chỉ một tháng sau, HĐQT miễn nhiệm ông Hạnh và bổ nhiệm bà Đặng Thị Hoàng Yến thay thế. Thông tin này khiến nhiều người cho rằng bà Yến sẽ sớm "tái xuất", tuy nhiên đến nay bà Yến vẫn chưa hiện diện trước công chúng.

Tân Tạo mới đây công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2019 với kế hoạch doanh thu & thu nhập 1.885 tỉ đồng, lợi nhuận thuần dự kiến 455 tỉ đồng, cao gấp nhiều lần mức thực hiện năm 2018 là 696 tỉ đồng và gần 83 tỉ đồng.

Đại hội cũng sẽ bàn bạc kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư tại nhiều dự án trong nước và tiếp tục đầu tư uỷ thác vào các dự án công nghệ cao tại Mỹ khoảng 8 triệu USD.

Theo báo cáo tình hình quản trị công ty, bà Yến vẫn tham dự đủ 9 cuộc họp HĐQT của Tân Tạo trong năm 2018. Các tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2019 đều được bà Đặng Thị Hoàng Yến kí tên, đóng dấu thông qua. Tuy nhiên liệu bà Yến có xuất hiện tại đại hội ngày 28/6 tới đây hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-anh-chi-em-vang-bong-mot-thoi-tren-san-chung-khoan-viet-nguoi-tu-toi-nguoi-rut-lui-nguoi-o-an--20190617090041981.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/