Nhiều khoản vay BOT nguy cơ thành nợ xấu

Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), các dự án BOT đang vay 110.000 tỉ đồng, trong đó một nửa không đạt doanh thu như dự kiến.

Thông tin trên được bà Nguyễn Vân Anh - đại diện Vụ tín dụng đưa ra tại toạ đàm "Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP" mới đây.

Bà Vân Anh cho biết, thời gian qua vốn cho các dự án BOT đa số từ ngân hàng. Tuy nhiên, doanh thu từ nhiều dự án không đạt như dự kiến bởi lộ trình tăng phí không được thực hiện.

"Điều này khiến nhiều khoản cho vay dự án BOT có nguy cơ trở thành nợ xấu. Hiện tại, các ngân hàng cho vay BOT 110.000 tỷ đồng, thì một nửa không đạt doanh thu như dự kiến", bà Vân Anh thông tin.

Nhiều khoản vay BOT nguy cơ thành nợ xấu - Ảnh 1.

Đại diện Vụ Tín Dụng bà Nguyễn Vân Anh. (Ảnh: NĐT)

Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều địa phương nhiều văn bản với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Nhưng hiện nay vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.

Do đó, bà cho rằng, việc cần làm là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. "Nếu không làm được, nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới", bà Vân Anh nói.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, hiện huy động vốn ngân hàng thương mại đang rất khó.

Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định vay dự án chuyên biệt, với loại hình doanh nghiệp BOT là xong dự án sẽ giải tán. Đối với loại hình này, rủi ro sẽ lớn hơn doanh nghiệp thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160%, trong khi doanh nghiệp thông thường chỉ là 100% 

Do vậy, ông cho rằng, doanh nghiệp BOT huy động vốn qua thị trường trái phiếu là rất quan trọng. Nguồn vốn này hiện chiếm khoảng 20% trong các dự án hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, các dự án sẽ còn 3 nguồn vốn khác gồm vốn tự có của doanh nghiệp 15 – 20%, vốn của tổ chức tín dụng 40 – 50%, còn lại là từ các quỹ.

Ông Lực nhận định, cái khó nhất của các dự án là cấu trúc tài chính phức tạp. Vì vậy, các dự án cần có tư vấn để tối ưu nguồn vốn như quốc tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Trần Chủng đánh giá, phương án doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu rất khó thực hiện do cộng đồng doanh nghiệp còn non trẻ. Trong bối cảnh các ngân hàng đã cạn trần cho vay, ông cho rằng, cần có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án PPP.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, hình thức đầu tư PPP và BOT đã đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, nâng cấp cơ hạ tầng giao thông. Tổng mức đầu tư vào các dự án BOT khoảng 210.000 tỷ đồng, bổ trợ đáng kể cho ngân sách hạn hẹp.

Tuy nhiên, việc áp triển khai BOT phát sinh nhiều vấn đề do khung pháp lý cho hình thức này trước nay chỉ qua các nghị định, thông tư, quyết định..., mà chưa có luật đủ mạnh, đảm bảo các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Trong khi đó, các dự án thường kéo dài 15-20 năm, kèm với mức độ rủi ro cao.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư), dự thảo Luật PPP sắp được trình Quốc hội xem xét.

Hơn một năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương tổ chức đánh giá, tổng kết, tổ chức nhiều sự kiện để tham vấn ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư... để kịp thời hoàn thiện dự thảo Luật PPP bảo đảm yêu cầu chất lượng và tiến độ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-khoan-vay-bot-nguy-co-thanh-no-xau-20191110143335086.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/