Nhiều giải pháp được đưa ra có thực sự gỡ khó cho thị trường chứng khoán?

Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài Chính", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của Chứng khoán VNDirect cho rằng ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn thì những giải pháp như Nghị định 08 đưa ra hay thúc đẩy đầu tư công chỉ mang tính chất tiền đề, căng cơ và cho dài hạn nhiều hơn. Một số những vấn đề mà thị trường đang quan tâm thì vẫn còn đó.

(Ảnh chụp màn hình).

Trong những tháng gần đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, phải kể đến việc ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, mức lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm còn từ 8 – 9%, nhờ vậy lãi suất cho vay cũng đã được hạ nhiệt.

 

Trong khi đó, đầu tư công – một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, còn có những giải pháp quan trọng khác được đưa ra như Nghị định số 08, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ở thị trường trong nước và quốc tế. Hay việc thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội trong năm nay sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài Chính", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng ngoài yếu tố lãi suất mang tính chất tác động ngắn hạn thì những giải pháp như Nghị định 08 đưa ra hay thúc đẩy đầu tư công mang tính chất tiền đề, căng cơ và cho dài hạn nhiều hơn. Một số những vấn đề mà thị trường đang quan tâm thì vẫn còn đó.

Theo bà Hiền, thị trường đang chờ đợi một số giải pháp mang tính chất quyết liệt hơn, chẳng hạn như việc doanh nghiệp cần phải rõ ràng hơn trong việc công bố thông tin cũng như đưa ra một lộ trình tái cấu trúc cụ thể để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu của chính doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đối với hàng loạt các dự án bất động sản đang bị đình trệ hiện nay, điều này hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho để thu về dòng tiền.

Mặt khác bài học xử lý khủng hoảng tín dụng bất động sản ở các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Hàn Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng là một vấn đề hết sức quan trọng.

Theo quan điểm của ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol Vương Quốc Anh, chúng ta đang đối mặt với sự tắc nghẽn nguồn vốn của nền kinh tế do mặt bằng lãi suất cao. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà của tất cả các nước.

Hiện nay, chúng ta cần một nguồn vốn thứ hai để kích thích nền kinh tế - đầu tư công. Tuy nhiên công tác giải ngân và phân bổ vốn đầu tư công vẫn còn nhiều chậm trễ.

Một yếu tố nữa là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn và có những nhà máy đang sa thải công nhân. Như vậy vấn đề là doanh nghiệp có thể chống chịu đến khi nào và họ có nhận được đơn hàng mới hay không.

"Chúng ta cần phải có những chính sách riêng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và đây cũng nên được xem là một chính sách hỗ trợ chung cho nền kinh tế đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta", chuyên gia cho hay.

 

 

 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-giai-phap-duoc-dua-ra-co-thuc-su-go-kho-cho-thi-truong-chung-khoan-202331423293688.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/