Nhiều đại gia ngân hàng dính nghi án chuyển hơn 2.000 tỉ USD tiền phạm pháp

Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho rằng các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Deutsche Bank ... đã chậm trễ trong việc báo cáo các giao dịch mờ ám tổng trị giá tới 2.000 tỉ USD.

Các ngân hàng quốc tế bị cáo buộc chuyển hơn 2.000 tỉ USD bất chấp lệnh chống rửa tiền - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg)

Theo cáo buộc của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), giới ngân hàng Mỹ đã chuyển tiền cho các cá nhân và thực thể mà họ không thể xác định danh tính và chậm trễ trong việc báo cáo những hoạt động đáng ngờ.

Báo cáo của ICIJ viết rằng trong một số trường hợp, ngân hàng vẫn tiếp tục chuyển tiền bất hợp pháp dù nhận được cảnh báo từ các quan chức Mỹ.

Ông Tom Cardamone, Giám đốc tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu nói: "Một số khách hàng tệ đến mức có cả một đống báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) về họ được gửi đi, nhưng chẳng ai làm gì cả". Theo ông Cardamone, lẽ ra ngân hàng phải đóng những tài khoản mà họ báo cáo.

Các tài liệu được ICIJ công bố ngày 20/9 đã làm sáng tỏ hệ thống đầy thiếu sót. Ngân hàng phàn nàn rằng chính quyền không có động thái gì về báo cáo của họ, trong khi đó những người chỉ trích nói rằng ngân hàng đã không thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn tội phạm tài chính.

Bloomberg cho biết từ 2012 đến 2015, các ngân hàng quốc tế lớn đã phải trả tổng cộng 20 tỉ USD tiền phạt vì các hoạt động kiểm soát chống rửa tiền lỏng lẻo, giúp khách hàng trốn thuế hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo ICIJ, những tài liệu họ nhận được từ Buzzfeed News đã xác định hơn 2.000 tỉ USD các giao dịch từ năm 1999 đến 2017 bị nhân viên tuân thủ của các tổ chức tài chính gắn mác là có thể liên quan đến rửa tiền hoặc hành vi phạm pháp.

Hai ngân hàng hàng đầu trong báo cáo của ICIJ là Deutsche Bank và JPMorgan Chase. Số tiền Deutsche Bank và JPMorgan Chase phát cảnh báo với các nhà chức trách lần lượt là 1.300 tỉ USD và 514 tỉ USD.

Cuộc điều tra của ICIJ được tiến hành dựa trên hơn 2.100 báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) do các ngân hàng đệ trình lên Mạng lưới Thi hành Pháp luật của Bộ Tài chính Mỹ. Báo cáo là kết quả của cuộc điều tra hơn 100 tổ chức thông tin tại 88 quốc gia.

Những khoản tiền phạt lớn mà HSBC Holdings và Standard Chartered phải trả năm 2012 đã thúc đẩy sự gia tăng đột biến của các báo cáo SAR. Khoảng 60.000 báo cáo SARS được gửi đi trong năm 2012, trong giai đoạn gần đây con số này đã tăng lên thành 2 triệu báo cáo mỗi năm.

Tuy nhiên, khảo sát của Viện Chính sách Ngân hàng cho thấy các cơ quan hành pháp chỉ điều tra khoảng 4% các cảnh báo của ngân hàng. Liên Hợp Quốc ước tính chỉ 1% số tiền bất hợp pháp trong hệ thống tài chính bị tịch thu.

Các cơ quan quản lí yêu cầu ngân hàng nộp báo cáo SAR trong vòng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, báo cáo của ICIJ viết rằng trung bình nhiều ngân hàng tốn đến nhiều tháng hoặc nhiều năm để cảnh báo về các giao dịch khả nghi mà họ phát hiện.

Viện Chính sách Ngân hàng cho biết các ngân hàng không được phép bình luận về SAR. Dựa trên các vụ việc quá khứ, nhiều khả năng trong một số trường hợp các cơ quan hành pháp đã yêu cầu ngân hàng không đóng các tài khoản đáng ngờ. Mục đích là để họ có thể theo dõi hướng đi của dòng tiền trước khi kết án hoặc bắt giữ.

Các ngân hàng đã thuê hàng nghìn nhân viên để đẩy mạnh chống rửa tiền và tội phạm tài chính. Nhưng các lãnh đạo ngân hàng thừa nhận họ không thể ngăn chặn tất cả các hoạt động bất hợp pháp.

Ông Jim Richards, cựu Giám đốc bộ phận chống rửa tiền của Wells Fargo và Bank of America cho biết: "Bản chất của ngân hàng là chuyển tiền. Vì vậy bất chấp mọi nỗ lực, sẽ luôn có một số tiền của tội phạm được chuyển qua hệ thống ngân hàng. Nhưng con số này rất nhỏ so với hàng nghìn tỉ USD ngân hàng xử lí mỗi ngày".

Một ví dụ được nhấn mạnh trong báo cáo: Các hồ sơ cho thấy JPMorgan đã chuyển hơn 1 tỉ USD cho nhà tài chính bỏ trốn đứng sau bê bối 1MDB của Malaysia.

Cuộc điều tra cũng cho thấy JPMorgan đã xử lí các khoản thanh toán cho Paul Manafort, cựu quản lí chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump sau khi ông bị cáo buộc rửa tiền và tham nhũng.

Trả lời ICIJ, JPMorgan cho biết luật pháp không cho phép ngân hàng này bình luận về các khách hàng hoặc giao dịch.

Các ngân hàng quốc tế bị cáo buộc chuyển hơn 2.000 tỉ USD bất chấp lệnh chống rửa tiền - Ảnh 2.

Một địa điểm của JPMorgan Chase ở New York. (Ảnh: BuzzFeed News)

ICIJ nói rằng các nhân viên tuân thủ trong ngân hàng dựa vào các hoạt động tìm kiếm cơ bản trên Google để tìm danh tính của những người chuyển tiền. Ngoài ra ICIJ cũng khẳng định ngân hàng thường chỉ gửi báo cáo SAR sau khi khách hàng hoặc giao dịch bị nhắc đến trong một bài báo tiêu cực hoặc bị chính phủ điều tra.

Theo hồ sơ của ICIJ, Standard Chartered, Bank of New York Mellon và Barclays đã báo cáo hơn 20 tỉ USD các giao dịch đáng ngờ trong giai đoạn 1999-2017. Phát ngôn viên của Bank of New York Mellon nói rằng họ "coi trọng vai trò của mình trong việc bảo vệ tính liêm chính của hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm cả việc nộp các báo cáo SAR".

Standard Chartered và Barclays khẳng định với Buzzfeed rằng họ đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc phát hiện và cảnh báo những hành vi khả nghi.

Deutsche Bank phản hồi rằng ICIJ "đã báo cáo về một số vấn đề lịch sử" và những vấn đề liên quan đến ngân hàng đều "được biết rõ" bởi các cơ quan quản lí.

"Những vấn đề trong báo cáo đã được điều tra và giải quyết. Các nhà quản lí cũng công nhận sự hợp tác và nỗ lực khắc phục của Deutsche Bank".

Năm 2016, cựu CEO John Cryan của Deutsche Bank từng tổng kết vai trò đặc biệt của các ngân hàng với mọi thách thức nó mang lại: "Chúng ta đã chậm trễ trong việc nhận ra rằng ngân hàng là phần mở rộng của cơ quan hành pháp".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-dai-gia-ngan-hang-dinh-nghi-an-chuyen-hon-2000-ti-usd-vi-pham-lenh-chong-rua-tien-20200921115351126.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/