Nhân sự từ Quản lí quĩ Bảo Việt và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vào HĐQT PVMachino

Hai cổ đông mới tại PVMachino thành công trong việc đưa người vào HĐQT nhiệm kì mới 2020 - 2025; trong năm nay công ty này có kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE.

Nhân sự từ Quản lí quĩ Bảo Việt và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vào HĐQT PV Machino - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ PVMachino tổ chức sáng 20/5. Ảnh: ĐA

Sáng 20/5, CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí (PVMachino – Mã: PVM) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Năm nay là năm bản lề của công ty này bởi nhiều yếu tố, bao gồm việc kết thúc nhiệm kì HĐQT cũ, bầu thành viên mới; và việc cơ cấu cổ đông có sự thay đổi nhất định khi ghi nhận hai cổ đông lớn là CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) và Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ.

Đại hội 2020 cũng thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), đây là vấn đề được ĐHĐCĐ các năm trước đề cập, cổ đông chờ đợi nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Theo lời ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT, thời gian thực hiện dự kiến trung tuần quí III.

Trong năm nay, PVMachino đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 42 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên dưới tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, ban lãnh đạo công ty cho biết mục tiêu doanh thu có thể được điều chỉnh giảm, trong khi lợi nhuận sẽ phấn đấu đạt được. Kế hoạch cổ tức cũng dự kiến tăng từ 8% lên 10% vốn điều lệ.

Trong tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2020, PVMachino tiết lộ phương án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó có việc triển khai hệ thống đại lí kinh doanh ô tô Mitsubishi theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, công ty cũng muốn phát triển mảng phân phối thiết bị theo hợp đồng đã kí với Tập đoàn Siemens.

Công ty cũng đang trong quá trình tìm kiếm, nghiên cứu, hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) để trở thành nhà phân phối thiết bị cho các dự án điện. Bên cạnh đó, PVMachino trình với ĐHĐCĐ bổ sung các ngành nghề kinh doanh và chủ trương hợp tác, đầu tư, góp vốn vào dự án thủy điện, điện gió và năng lượng tái tạo.

Tại đại hội, nhiều ý kiến của cổ đông cho rằng phương án đầu tư phân phối ô tô trong hoàn cảnh hiện tại là khá rủi ro trước tác động của COVID-19. Thực tế, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có nhiều văn bản trình Chính phủ phán ánh khó khăn của ngành, doanh số bán hàng của cả năm 2020 có thể sụt giảm 15%. Việc đầu tư thủy điện cũng không được đánh giá cao vì điều kiện thủy văn thất thường. Các cổ đông cho rằng, ban lãnh đạo cần cân nhắc hết sức kĩ lưỡng các phương án đầu tư tránh tình trạng thất thoát lãng phí.

Trong tình hình thực tế, hoạt động thương mại của PVMachino dù đem về doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng lại lỗ. Công ty này "sống" khỏe bằng nguồn cổ tức được chia từ các khoản đầu tư trong quá khứ, đạt khoảng 80 tỉ đồng mỗi năm.

ĐHĐCĐ PVMachino năm nay bầu ra 5 thành viên HĐQT nhiệm kì mới, trong đó đáng chú ý là hai thành viên đến từ SHS – ông Vũ Đức Tiến và Bảo Việt – ông Vũ Tiến Hải. Bên cạnh đó, ba thành viên đến từ công ty mẹ PV Power gồm ông Phạm Văn Hiệp, ông Lê Ngọc Sơn và ông Nguyễn Minh Tuấn.

Cơ cấu cổ đông hiện tại, PV Power đang nắm trên 51% vốn PVMachino, Bảo Việt 17,08% và SHS 10,61%. Việc tham gia HĐQT của các cổ đông mới được kì vọng sẽ đem đến những làn gió mới trong hoạt động quản trị và đầu tư của công ty này.

Nhân sự từ Quản lí quĩ Bảo Việt và Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vào HĐQT PV Machino - Ảnh 2.

HĐQT mới của PVM và hai thành viên đến từ SHS và Quản lí quĩ Bảo Việt. Ảnh: ĐA

PVMachino là doanh nghiệp tương đối đáng chú ý với việc quản lí, vận hành các bất động sản vị trí "vàng" tại Hà Nội.

Theo cập nhật, dự án nhà đất số 8 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội thuê của Nhà nước, hợp đồng thuê đã hết hạn từ tháng 10/2016. Năm 2020, công ty dự kiến sửa chữa một phần tòa nhà mặt đường và chuyển văn phòng làm việc về đây, đồng thời dự kiến kí hợp đồng thuê mới trong quí II.

Dự án tại Đông Anh, Hà Nội (2,36 ha) hiện đang dừng triển khai, dừng hợp tác đầu tư với đối tác và tiếp tục cho thuê kho dài hạn, công ty đang nghiên cứu phương án khai thác mới.

Dự án nhà, đất tại Khương Đình, Thanh Xuân đã có quyết định đầu tư xây dựng nhà qui mô nhỏ phục vụ cho thuê.

Hợp tác kinh doanh tại số 7 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm vẫn đang được quản lí sử dụng hiệu quả.

Một điểm đáng lưu ý khác của PVMachino là khoản công nợ khó đòi hơn 208 tỉ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2019, đây đều là các khoản nợ tồn tại lâu năm và đã được trích lập dự phòng toàn bộ. Trong nhiệm kì HĐQT 2015 – 2020, công ty cho biết đã thu hồi được 187 tỉ đồng nợ khó đòi, đồng thời không để phát sinh nợ khó đòi mới. Các khoản nợ xấu hiện tại đang gặp nhiều vấn đề phức tạp mà phải nhờ đến pháp luật xử lí.

Công tác thoái vốn, tái cấu trúc các khoản đầu tư của PVMachino hiện cũng đang chậm. Ban lãnh đạo công ty cho biết hiện chỉ có việc thoái vốn tại CTCP Máy – Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng là khả thi nhưng cũng khó có thể bán hết. Vướng mắc chính nằm ở giá bán buộc phải lớn hơn giá đầu tư 49 tỉ đồng, đây là yếu tố gây trở ngại. Năm vừa rồi, công ty này cũng đã hoạt động có lãi.

Hay như tại Công ty TNHH MTV Máy – Thiết bị Dầu khí Sài Gòn hiện gần như không hoạt động, công nợ phải thu rất lớn và các con nợ gần như không có khả năng trả. Ban lãnh đạo PVMachino hiện đang xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ cho phá sản.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhan-su-tu-quan-li-qui-bao-viet-va-chung-khoan-sai-gon-ha-noi-vao-hdqt-pv-machino-20200520160212114.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/