Nhà văn hóa cho thuê mặt bằng do bị áp lực 'khoán' kinh tế?

Nói về hoạt động của các nhà văn hóa (NVH) quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định việc một số nhà văn hoá tận dụng mặt bằng cho thuê tổ chức đám cưới hay mở lớp dạy khiêu vũ, yoga, tập thể hình… có thể xuất phát từ áp lực bị “khoán” làm kinh tế.

Nhà văn hóa cho thuê mặt bằng do bị áp lực khoán kinh tế? - Ảnh 1.

Nội dung hoạt động chính của một NVH quận

“Nhu cầu văn hoá, thể thao của người dân đang ngày càng tăng cao và đa dạng hoá. Thể thao bây giờ không chỉ đơn thuần là đá bóng, cầu lông nữa mà người dân còn có nhu cầu bơi lội, tập thể hình, yoga, khiêu vũ… Có thêm nguồn thu để nâng cao đời sống vật chất cho anh em cán bộ nhân viên, hoặc thêm một nguồn kinh phí để trùng tu nhà văn hoá cũng là điều tốt. Do đó, cho thuê cũng được nhưng giá cả phải hợp lý, dịch vụ phải hướng đến vì lợi ích cộng đồng, phân phối thời gian sao cho ưu tiên các hoạt động văn hoá nghệ thuật quần chúng trên địa bàn. Cho thuê có kiểm soát, phù hợp thì vẫn còn hơn là để nhà văn hoá hoạt động èo uột, vắng như chùa Bà Đanh”.

Năm 2017, Sở VH&TT Hà Nội đã hoàn thiện quá trình xây dựng Đề án và Quy chế hoạt động của NVH để trình UBND TP xem xét phê duyệt. Theo đó, có thể thấy rõ những quy định tạo ra cơ chế mở cho NVH có kinh phí hoạt động như: Nguồn kinh phí không còn bó buộc từ tiền đầu tư của ngân sách nhà nước mà được huy động từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp. Nếu quy chế này ra đời, các NVH sẽ được phép cho thuê các dịch vụ văn hóa để tạo nguồn kinh phí.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng ủng hộ việc dành một phần không gian ở NVH cho các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Điều đó rất cần thiết trong thời đại hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0. Tuy nhiên, theo ông, đừng để nó dừng lại ở ý thích của một vài người mà phải biến nó trở thành ý chí của cả cộng đồng. Các cơ quan quản lý, các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ… nên bắt tay nhau, lên kế hoạch hoạt động rõ ràng. “Tôi ủng hộ xã hội hoá, để nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu cứ để cơ chế bao cấp như ngày xưa thì các NVH sẽ rơi vào tình trạng phủ bụi, mỗi lần có họp hành, riêng việc lau bụi cũng đã hết thời gian”, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội

nhận định.

Theo ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của nhân viên nhà văn hoá dao động từ 4-5 triệu/tháng. Tuy nhiên, từ khi NVH quận Đống Đa áp dụng cơ chế mỗi người làm 2-3 việc (bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ chụp ảnh các sự kiện, hay nhân viên đánh máy kiêm luôn trợ lý trọng tài... ) thì mỗi tháng thu nhập tăng thêm 1-2 triệu nữa.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-van-hoa-cho-thue-mat-bang-do-bi-ap-luc-khoan-kinh-te-20190414084937356.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/