Nhà máy nước sạch sông Đà được cấp phép như thế nào?

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên Môi trường) lần đầu lên tiếng về quy trình pháp lý của nhà máy nước sạch sông Đà.

Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, để được kinh doanh nước sạch, chủ đầu tư phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay các giếng khoan. Sau đó phải xử lý để bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn về nước cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân.

Nhà máy nước sạch sông Đà được cấp phép như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh: TPO

Các đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước cung cấp đến từng hộ dân, đồng thời phải bảo đảm việc cung cấp nước ổn định.

Trả lời câu hỏi, nhà máy nước sạch Sông Đà được Bộ TN-MT cấp phép khai thác nước mặt phải thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo an toàn nguồn nước cấp sinh hoạt..., ông Vĩnh cho hay:

“Giấy phép quy định công ty phải thực hiện bảo đảm cung cấp nước ổn định, an toàn; xử lý nước bảo đảm chất lượng nước theo quy chuẩn; thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước tại khu vực lấy nước trên sông Đà, kênh dẫn nước sông và trạm bơm nước trong kênh, hồ Đầm Bài và trạm bơm nước hồ Đầm Bài.

Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sông Đà và hồ Đầm Bài; thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ảnh hưởng xấu tới nguồn nước và môi trường; trường hợp xảy ra sự cố công trình thì phải dừng ngay việc khai thác và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương để có biện pháp xử lý...”.

Nhà máy nước sạch sông Đà được cấp phép như thế nào? - Ảnh 2.

Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh (đứng). Ảnh: Báo TN-MT

Ông Vĩnh cho biết, sau sự cố, Bộ TN-MT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở TN-MT Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, xác minh, thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố, bảo đảm việc cấp nước an toàn cho người dân.

UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà phải thực hiện ngay một số biện pháp trước mắt, lâu dài để khắc phục sự cố, bảo vệ nguồn nước mặt cung cấp cho nhà máy nước sông Đà.

Theo đó, trước mắt xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, đất, bùn, cỏ cây nhiễm dầu thải; phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa đối với hồ Đầm Bài; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thử phạm đổ đầu thải gây ô nhiễm nguồn nước...

Nhà máy nước sạch sông Đà được cấp phép như thế nào? - Ảnh 3.

Dầu thải đầu độc nước sạch sông Đà

Về lâu dài phải tăng cường phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, đảm bảo ổn định chất lượng nước phục vụ hoạt động của nhà máy; tiếp tục duy trì, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài theo quy định; thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó và khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước; có giải pháp đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà về nhà máy để xử lý, sản xuất đảm bảo an toàn cấp nước... Trường hợp nước thô đầu vào có dấu hiệu bị ô nhiễm, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất và báo cáo kịp thời đến các cơ quan chức năng.

Ông Vĩnh cũng cho biết, sự cố tại nhà máy nước sạch sông Đà là bài học để cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là tại các thành phố lớn.

“Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân, đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời.

Đồng thời cần phải rà soát lại toàn bộ pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Ông Vĩnh cho biết thêm, hiện nay, việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và UBND các cấp chỉ đạo.

Việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất và cấp nước đến các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Còn việc quản lý việc khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của luật Tài nguyên nước, luật Bảo vệ môi trường.

“Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác... đồng thời cũng quy định UBND tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn”, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-may-nuoc-sach-song-da-duoc-cap-phep-nhu-the-nao-20191025064858991.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/