Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á: Xây xong rồi bỏ không suốt 35 năm

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan tiêu tốn của Philippines 2,3 tỷ USD nhưng nó chưa từng hoạt động dù chỉ một phút do tâm lý lo ngại của công chúng sau các thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011.

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á: Gã khổng lồ say giấc suốt 35 năm - Ảnh 1.

Nhà máy điện hạt nhân Bataan ở Philippines. (Ảnh: Reuters).

Nhà máy điện hạt nhân Bataan tại được chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho xây dựng vào năm 1977 để đối phó với khủng hoảng giá dầu tăng cao đầu thập niên 70. Ban đầu, nhà máy được coi là giải pháp đầy hứa hẹn để giảm sự phụ thuộc của Philippines vào dầu nhập khẩu và phát triển nguồn điện thay thế cho lưới điện Luzon.

Tuy nhiên, thảm họa Chernobyl năm 1986 đã nhanh chóng biến niềm lạc quan thành sự hoài nghi. Cũng trong năm này, chính quyền của nhà độc tài Macros sụp đổ, khiến cho các dự án liên quan đến ông đều bị gạt bỏ, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân, tờ Energy Central cho hay. 

Vào thời điểm này, nhà máy Bataan đã hoàn thành được gần một năm và sắp bắt đầu hoạt động thương mại. Như vậy, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Philippines và Đông Nam Á bị đưa vào "chế độ bảo dưỡng" dù chưa chạy ngày nào.

Sau đó, những lời kêu gọi mở cửa nhà máy Bataan nổi lên trong cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1990 và giai đoạn giá dầu tăng phi mã năm 2007. Trong những giai đoạn này, Bộ Năng lượng Philippines đã xem xét sử dụng năng lượng hạt nhân làm nguồn điện cho đất nước và chuẩn bị tổ chức cuộc đánh giá.

Nhưng rồi thảm họa Fukushima xảy ra vào năm 2011, gây ra hoảng loạn toàn cầu và lo lắng về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Tại Philippines, sự cố tại Nhật Bản đã dẫn đến lệnh tạm hoãn không chính thức về mọi kế hoạch sản xuất năng lượng hạt nhân.

Tranh cãi xoay quanh nhà máy Bataan

Nhà máy Bataan chìm trong trong tranh cãi từ trước khi bắt đầu được xây dựng. Hai bản đề xuất đã được đệ trình bởi các công ty năng lượng uy tín - General Electric và Westinghouse Electric.

Phương án của General Electric bao gồm các thông số kỹ thuật chi tiết của nhà máy hạt nhân và ước tính chi phí khoảng 700 triệu USD. Trong khi đó, Westinghouse dự đoán chi phí thấp hơn là 500 triệu USD, nhưng không cung cấp bất kỳ thông số chi tiết nào.

Ủy ban tổng thống muốn trao dự án cho General Electric, nhưng Tổng thống Macros lại chọn Westinghouse. Đến tháng 3/1975, ước tính chi phí của Westinghouse tăng lên tới 1,2 tỷ USD mà không có giải thích thỏa đáng. Sau đó người ta phát hiện rằng Westinghouse đã bán công nghệ tương tự cho các nước khác với cái giá thấp hơn nhiều những gì Philippines phải trả.

Việc xây dựng nhà máy Bataan bắt đầu vào năm 1977. Sau khi nhà máy điện Three Mile Island xảy ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất ở Mỹ năm 1979, việc xây dựng tạm thời bị hoãn. Cuộc điều tra an toàn sau đó phát hiện nhà máy có hơn 4.000 khiếm khuyết, một trong số đó là vị trí đặt nhà máy kém an toàn, ngay gần núi lửa Pinatubo.

Khi nhà máy Bataan được hoàn thành năm 1985 tổng chi phí của nó đã lên tới 2,3 tỷ USD. Được trang bị với lò phản ứng nước nhẹ, nhà máy được thiết kế để sản xuất 621 MW điện. Tuy nhiên sau khi Tổng thống Macros bị lật đổ, chính quyền mới của bà Corazon Aquino đã quyết định không cho nó vận hành.

Các khoản thanh toán cho nhà máy trở thành nghĩa vụ nợ lớn nhất của Philippines, Energy Central cho hay. Hàng năm chính phủ Philippines tiếp tục trả khoảng 40 đến 50 triệu peso (2-2,5 triệu USD) để bảo trì nhà máy. Vào năm 2011, Bataan được chuyển đổi một phần thành điểm thu hút khách du lịch để giúp trang trải chi phí.

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á: Gã khổng lồ say giấc suốt 35 năm - Ảnh 2.

Nhà máy bị bỏ không. (Ảnh: Reuters).

Nhà máy điện hạt nhân Philippines: Nạn nhân bất đắc dĩ của thảm họa Chernobyl và Fukushima - Ảnh 3.

Bên trong nhà máy. (Ảnh: New York Times).

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á: Gã khổng lồ say giấc suốt 35 năm - Ảnh 4.

Các thiết bị đã được lắp đặt đầy đủ. (Ảnh: Reuters).

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Đông Nam Á: Gã khổng lồ say giấc suốt 35 năm - Ảnh 5.

Lò phản ứng hạt nhân nhìn từ trên cao. (Ảnh: The Philippine Star)

Nhà máy điện hạt nhân Philippines: Nạn nhân bất đắc dĩ của thảm họa Chernobyl và Fukushima - Ảnh 5.

Phòng điều khiển của nhà máy Bataan có cả đường dây nóng đến văn phòng tổng thống Philippines. (Ảnh: New York Times).

Cơ hội tái sinh

Tại hội nghị trực tuyến cuối tháng 7/2020, Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi đã bày tỏ ý định tiến tới việc xem xét sử dụng điện hạt nhân.

Quan chức trong các chính quyền kế nhiệm bà Aquino thường thảo luận việc khởi động lại nhà máy Bataan đã ngủ yên từ lâu. Cuộc tranh luận này quay trở lại kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte quyết định tìm hiểu tính khả thi của việc sử dụng năng lượng hạt nhân

Cuối tháng 7 năm ngoái, ông Duterte ra lệnh thành lập ủy ban liên bộ nhằm đánh giá tính khả thi và nhu cầu của việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Ủy ban này cũng được giao nhiệm vụ xem xét khả năng khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Bataan.

Theo Nikkei Asia, Philippines từ lâu đã chật vật với vấn nạn thiếu điện. Tuy nhu cầu được dự đoán sẽ gia tăng trong lâu dài, các công ty tư nhân lại tránh né rủi ro đầu tư lớn vào lĩnh vực này, dẫn đến thiếu hụt công suất phát điện. Do nguồn cung cấp điện không ổn định, Philippines là một trong những quốc gia có chi phí điện cao nhất trong khu vực.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-may-dien-hat-nhan-duy-nhat-o-dong-nam-a-xay-xong-roi-bo-hoang-suot-35-nam-20210422155109196.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/