Nhà đầu tư chờ mua đất sau cơn sốt nhưng giá không giảm

Giá đất nhiều nơi đang có dấu hiệu chững lại sau cơn sốt, không ít người đang có ý định mua hoặc “ôm hàng” chờ đợt “sóng” tiếp theo.

Sau cơn sốt, người ‘ô bom’, kẻ chờ mua đất nhưng giá không giảm - Ảnh 1.

Cơn sốt đất đầu năm có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh: Hà Lê).

Cơn sốt đất nền quay cuồng trên khắp cả nước những tháng đầu năm khiến không ít người mừng tượng về một kịch bản "làm giàu không khó". Thế nhưng, giống như một quy luật, giá đất tăng nhưng không thể tăng mãi. Đầu tư đón sóng giúp nhiều người kiếm tiền tỷ nhưng cũng khiến không ít người "ngã ngựa". Làm sao để "thoát hàng" kịp thời mới là một bài toán khó.

Những ngày gần đây, "sốt đất" không còn là câu chuyện được bàn tán xôn xao khắp đầu làng ngõ xóm. Thậm chí còn có thông tin cho rằng đang có làn sóng bán tháo, bán cắt lỗ,... Cơn sốt đất đã thực sự hạ nhiệt?

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021 diễn ra mới đây, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tương tự, Bộ Xây dựng mới đây cũng nhận định, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của người viết trên các trang rao bán bất động sản, đất đai tại một số điểm nóng vùng ven Hà Nội vẫn được rao bán với giá rất cao, không chênh lệch nhiều so với khảo sát trước đó tại thời điểm sốt.

Đơn cử, nhiều lô đất dịch vụ tại Lai Xá (Hoài Đức) vị trí gần QL32 đang được rao bán với giá trên dưới 60 - 70 triệu đồng/m2. Cụ thể, một mảnh đất phân lô tại Lai Xá, cách QL32 hơn 100m đang được rao bán với giá 4,2 tỷ đồng (khoảng 60 triệu đồng/m2).

Hay một mảnh đất khác cách QL32 khoảng 90m đang được rao bán với giá 65 triệu đồng/m2,... Đất dịch vụ trong ngõ, mặt tiền rộng cũng có giá quanh ngưỡng 50 triệu đồng/m2.

Tại Đông Anh, đất đấu giá tại trung tâm thị trấn đang được ráo bán với giá trên dưới 100 triệu đồng/m2. Đơn cử, một mảnh đất diện tích 163 m2 gần Chợ Trung Tâm Thương Mại đang được chủ bán với giá 125 triệu đồng/m2. Hay một số lô đất đấu giá Vườn Đào cũng đang được rao bán với giá 80 - 100 triệu đồng/m2.

Tại một số xã như Nguyên Khê, Uy Nỗ và Vân Nội, nhiều lô đất đấu giá đang được rao bán với giá hơn 30 triệu đồng/m2 trở lên,...

Giá đất chững, đầu cơ lại tranh thủ ôm hàng

Trao đổi với người viết, chị Thúy, một môi giới tại Đông Anh thừa nhận, thời điểm này, thị trường đúng là kém sôi động hơn nhưng giá đất không giảm như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, việc thương lượng với chủ đất đã dễ dàng hơn.

Chị Thúy lấy ví dụ, chủ có báo giá này nhưng người mua có thể thương lượng ở mức sát. Còn ở thời điểm sốt, thậm chí hôm nay chủ báo giá này nhưng ngày mai thấy thấp họ lại tăng lên. Nhiều khi môi giới muốn mua cũng không được.

"Nói đúng ra, giá đất chỉ đang chững lại chứ không bao giờ có chuyện xuống. Nhiều người bán ra cũng chỉ gọi là giảm lãi hoặc cần tiền thì bán bằng với giá mua vào thôi chứ không ai chịu bán lỗ đâu", chị Thúy nói.

Người này cho biết thêm, giá đất ở Xuân Canh hiện vẫn rất cao (mặt đường lớn trên dưới 60 triệu đồng/m2) vì khu vực này là điểm đầu của cầu Tứ Liên. Tương tự ở Hải Bối, một mảnh 80 m2 ở khu vực ngoài đê cũng có giá 27 triệu đồng/m2. Còn ở khu vực phía trong hầu hết có giá hơn 30 triệu đồng/m2.

Tại Gia Lâm, một môi giới tên Sơn cho biết, do thị trường đang chững lại nên đâng xuất hiện tình trạng "đứng giá" chứ không có chuyện giảm giá với cắt lỗ hàng loạt.

"Mua thời điểm này khá hợp lý bởi một thời gian nữa thị trường ấm lên thì giá sẽ lại tăng. Trong đợt sốt trên cả nước vừa rồi, đất Gia Lâm tăng đều chứ không tăng nóng như một số nơi. Trong tháng 3, đúng cao điểm đợt sốt thì giá đất Gia Lâm cũng chỉ tăng khoảng 5 - 7%", anh Sơn cho biết.

Hỏi kỹ hơn về mức giá, môi giới này cho biết, đất tại trung tâm thị trấn Trâu Quỳ, những trục kinh doanh đẹp đều có giá hơn 150 triệu đồng/m2. Ở vị trí sâu hơn có giá khoảng 70 - 100 triệu đồng/m2.

Ở một số khu vực như Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, đất thổ cư đường ô tô đi được đang có giá dao động trong khoảng hơn 30 triệu đến hơn 40 triệu đồng/m2. Còn đất trong ngõ nhỏ đang có giá hơn 20 triệu đồng/m2.

Anh Sơn chia sẻ thêm, thời gian gần đây, văn phòng môi giới của anh vẫn có người liên hệ tìm mua đất nhưng lượng giao dịch ít hơn. Trong khi đó, đang có nhiều người tranh thủ giai đoạn chững tìm "ôm" những lô giá hợp lý để cuối năm bán ra.

Anh Tuấn, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, sau Tết Nguyên đán, với hơn 1 tỷ đồng tích lũy được, anh tính mua một mảnh đất làm "của để dành". Tuy nhiên, đúng vào thời điểm đất sốt nên đành quyết định giữ lại tiền.

Gần đây, khi nghe thông tin cơn sốt đất đã hạ nhiệt, anh Tuấn nhờ một môi giới quen tìm giúp một mảnh phù hợp đầu tư, chính chủ bán cắt lỗ thì càng tốt nhưng câu trả lời nhận về lại không được như ý. Không có nhiều người bán tháo, giảm giá như tưởng tượng. Còn những mảnh vị trí đẹp thì tài chính không đủ,...

"Đúng như nhiều người vẫn nói, đất sẽ chỉ tăng chứ không có chuyện giảm giá. Nếu có giảm chắc cũng chỉ cá biệt vài trường hợp, không đến lượt mình mua", anh Tuấn nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-con-sot-cho-mua-dat-nhung-gia-khong-giam-20210513111553867.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/