Nguyên nhân nào khiến giá vàng lao dốc, nhà đầu tư có nên cắt lỗ?

Vừa hồi phục trong hai phiên cuối tuần trước thì giá vàng thế giới và vàng trong nước lại quay đầu đi xuống khi vừa mở cửa giao dịch phiên đầu tuần bất chấp nhiều dự báo lạc quan trước đó.

Giá vàng liên tục 'bốc hơi'

Ghi nhận vào lúc 14h00 hôm nay 5/4 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào ở mức 54,7 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 55,1 triệu đồng/lượng, tiếp tục giảm 150.000 đồng/lượng sau khi vừa giảm lần lượt 50.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng ở đầu phiên.

Như vậy, so với cuối phiên tuần trước, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 300.000 đồng/lượng ở chiều bán. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 450.000 - 470.000 đồng/lượng.

Tương tự, Tập đoàn Doji đang niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 54,7 – 55,05 triệu đồng/lượng, tiếp tục giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với sáng sớm hôm nay.

Theo đó, giá vàng trong nước tại đây đã giảm 200.000 đồng/lượng và 350.000 đồng/lượng theo hai chiều mua - bán so với chốt phiên giao dịch liền kề trước đó. Chênh lệch giá mua – bán vàng đang ở mức 350.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC

Ngày 5/4/2021

Thay đổi (nghìn đồng/lượng)

Mua vào

(triệu đồng/lượng)

Bán ra

(triệu đồng/lượng)

Mua vào

Bán ra

Vàng miếng

SJC chi nhánh Hà Nội

54,70

55,17

-200

-300

SJC chi nhánh Sài Gòn

54,70

55,15

-200

-300

Tập đoàn Doji

54,70

55,05

-200

-350

Tập đoàn Phú Quý

54,90

55,25

-50

-100

PNJ chi nhánh Hà Nội

54,80

55,25

-100

-100

PNJ chi nhánh Sài Gòn

54,80

55,25

-100

-100

Vàng SJC tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 14h30. (Tổng hợp: Như Huỳnh)

Cùng thời điểm, giá vàng miếng tại Tập đoàn Phú Quý được mua vào ở mức 54,75 triệu đồng/lượng và bán ra 55,05 triệu đồng/lượng, giảm thêm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Sự điều chỉnh này đã khiến giá vàng mất hơn 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng theo hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 3/4.

Và tại hệ thống PNJ, giá kim loại quý đang giao dịch ở mức 54,7 - 55,1 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng so với sáng hôm nay nhưng giảm 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay giảm gần 0,3%, ở mức hơn 1.724 USD/ounce vào lúc 14h30 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,04% ở mức 1.727,55 USD/ounce.

Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank giá vàng thế giới tương đương khoảng 48,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng hơn 7 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân nào khiến giá vàng ồ ạt tụt dốc, nhà đầu tư có nên cắt lỗ? - Ảnh 2.

Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt đi xuống sau khi vừa phục hồi ở phiên trước đó. (Ảnh: Như Huỳnh)

Giá vàng hụt mất 10% chỉ trong 3 tháng đầu năm, đâu là nguyên nhân?

Theo Kitco News, nhà phân tích Daniel Briesemann, ngân hàng Commerzbank cho biết: "Vàng đã có một khởi đầu tồi tệ nhất so với bất kỳ năm nào trong 39 năm khi giảm 10%, tương đương 190 USD trong quý đầu tiên của năm. Đây cũng là mức giá tiêu cực nhất của vàng trong bất kỳ quý nào kể từ quý 4/2016".

Vàng tiếp tục lấy tín hiệu từ lợi suất, có nghĩa là khi lợi tức kỳ hạn 10 năm của Kho bạc Mỹ tăng, giá vàng sẽ giảm và ngược lại.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chiến lược toàn cầu của TD Securities, Bart Melek cho rằng: “Đồng USD vẫn đang là tâm điểm chú ý khi dẫn dắt thị trường kim loại quý, đây là một vấn đề đối với vàng.

Châu Âu vẫn đang bị phong toả ở nhiều nơi trong khi tiến trình tiêm vắc xin của Mỹ sẽ được hoàn tất trong tháng 5. Đây là lý do tại sao thị trường Mỹ sẽ hoạt động khá tốt. Thêm vào đó, gói kích thích của Tổng thống Mỹ sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế nước này".

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định rằng từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục giảm ở cả thị trường thế giới và thị trường trong nước.

Nguyên nhân là do tình hình dịch COVID-19 đang khả quan hơn khi thế giới đã sản xuất ra một số loại vắc-xin và tại Mỹ, quốc gia có số người lây nhiễm và chết lớn nhất thế giới, Chính phủ đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn năm ngoái.

"Chính phủ các nước đang đã đổ vào nền kinh tế của họ các gói hỗ trợ lớn như Mỹ là gói 1.900 tỷ USD, sắp tới đây có thể có thêm 4.000 tỷ USD để giải cứu và hỗ trợ nền kinh tế và các gói khác ở châu Âu. Điều này khiến nền kinh tế thế giới lạc quan hơn và từ đó đã tạo ra một áp lực đẩy giá vàng xuống.

Bên cạnh đó, thế giới cũng đang kiểm soát lạm phát ở mức khả quan và giá trị của đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh đã khiến giá vàng sụt giảm", ông Hiếu lý giải.

Tại thị trường trong nước, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng kim loại quý này vẫn giữ khoảng cách lớn với vàng thế giới, nhưng cũng trong xu hướng giảm. 

"Bởi tình hình dịch đã được  kiểm soát và kinh tế quý đầu năm có sự phát triển tốt như GPD, xuất khẩu đều tăng trưởng. Chính vì thế nó đã "kìm kẹp" giá vàng, không cho giá vàng tăng lên", ông Hiếu chia sẻ.

Nguyên nhân nào khiến giá vàng ồ ạt tụt dốc, nhà đầu tư có nên cắt lỗ? - Ảnh 3.

Nhà đầu tư lo lắng khi giữ vàng ở mức đỉnh. (Ảnh: Như Huỳnh).

Giá vàng liệu có thể lội ngược dòng đi lên?

Nhận định về giá vàng tuần này, vẫn còn nhiều chuyên gia đang tin rằng giá vàng sẽ tăng. Khảo sát về giá vàng của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall, thì có 11 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 2 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 2 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Theo ông Harshal Barot, nhà tư vấn cấp cao về Nam Á tại công ty nghiên cứu thị trường Metals Focus, khả năng lạm phát tăng là điều mà nhiều nhà đầu tư đang chú ý theo dõi. Đó là một yếu tố hỗ trợ cơ bản cho giá vàng.

Về diễn biến thời gian tới, ông Melek nhận định rằng vàng đang có xu hướng tốt hơn: "Giá vàng có thể đạt 1.900 USD vào cuối năm khi lạm phát gia tăng. Mặc dù Fed tiếp tục nói rằng bất kỳ áp lực giá nào trong năm nay sẽ chỉ là tạm thời. Điều đó không có nghĩa là thị trường tin vào họ”.

Một số nhà phân tích tỏ ra lạc quan hơn trong quý hai. “Lợi tức kho bạc Mỹ có thể giảm một chút trong quý II, điều đó có lợi cho vàng”, một chuyên gia nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu từ đây đến cuối năm diễn biến tăng giảm của giá vàng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vấn đề kiểm soát dịch bệnh, là yếu quan trọng nhất. 

"Nếu thế giới kiểm soát dịch bệnh như quý đầu 2021 và các quốc gia tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng thì nó sẽ lực đẩy giá vàng đi xuống", ông nói.

Đồng thời, đánh giá về khả năng quay trở lại mốc 2.000 USD của kim loại quý, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này rất khó dự đoán. Nếu không có khủng hoảng từ đây đến cuối năm thì giá vàng sẽ duy trì ở mức thấp và ngược lại nếu xuất hiện những lần bùng phát dịch bệnh hoặc khủng hoảng kinh tế, quân sự, chính trị thì có thể đẩy giá vàng lên.

Tại thị trường trong nước, theo ông Hiếu tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt tiếp tục được duy trì thì giá vàng sẽ khó vượt ra khỏi ngưỡng 55 triệu đồng/lượng, còn nếu dịch bùng phát thì khả năng vàng sẽ lại tăng cao. 

Và hiện tại, sau các phiên liên tục giảm, giá vàng đã rớt xuống vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu bắt đầu lo lắng giữa phương án cắt lỗ hay tiếp tục nắm giữ tài sản an toàn này để chờ giá lên.

Chị Kim Ngọc (quận 5, TP HCM) chia sẻ: "Tôi mua vào thời điểm trước Tết Nguyên đán với mức giá hơn 57 triệu đồng vì kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, sau Tết thì giá vàng liên tục giảm khiến tôi khá hoang mang, không biết có nên bán ra để đỡ lỗ hay không".

Theo đó, ở góc độ chuyên gia, ông Hiếu cho rằng: "Nếu không quá cần tiền thì nhà đầu tư không nên bán ra vào lúc này khi giá vàng đang xuống thấp và nên giữ từ 6 tháng trở đi. Còn nếu chọn phương án bán ra thì chỉ nên bán khoảng 1/3 và giữ phần còn lại để theo dõi diễn biến của giá vàng trong thời gian tới".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguyen-nhan-nao-khien-gia-vang-o-at-tut-doc-nha-dau-tu-co-nen-cat-lo-20210402114538548.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/