Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên chuyến bay cao đến đâu?

Hành khách di chuyển bằng máy bay trong thời dịch bệnh COVID-19 không cần phải lo lắng thái quá bởi không khí trong cabin máy bay được thay 2-3 phút một lần, tức là tươi mới hơn nhiều khu văn phòng hoặc gia đình. Vì vậy việc đeo khẩu trang trên máy bay không có hiệu quả bằng rửa tay thường xuyên, đúng cách.

Phòng lây bệnh trên máy bay: Không khí được thay mới 2-3 phút một lần nên trong lành hơn nhiều ở nhà và cơ quan, rửa tay có tác dụng hơn đeo khẩu trang - Ảnh 1.

Hành khách nên chọn chỗ ngồi gần cửa sổ và tránh đi lại trên máy bay. Ảnh: Getty Images.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Zhu Tao, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn bay của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết không khí trên tàu bay được thay đổi khoảng 2-3 phút một lần, tức là từ 20 đến 30 lần mỗi tiếng.

Tại một cuộc hội thảo hồi tháng trước, ông Zhu Tao cũng cho biết hệ thống thông khí của tàu bay được thiết kế để không khí di chuyển theo chiều thẳng đứng chứ không theo chiều dọc, qua đó giảm thiểu rủi ro virus covid-19 (nếu có) phát tán ra khắp tàu bay.

Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng cho biết các tàu bay của hãng được trang bị hệ thống màng lọc không khí HEPA (High Efficiency Particulate Air), giúp loại bỏ đến 99,99% các phần tử như hạt bụi, phấn hoa, tế bào da người, vi khuẩn và virus có kích thước tối thiểu từ 0,001 micromet.

Vietnam Airlines cũng khẳng định bầu không khí trong khoang máy bay của hãng được liên tục làm mới sau mỗi 3 phút; các luồng khí được thiết kế để đưa vào tàu bay theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới và lưu thông theo chiều ngang, giúp hạn chế lan truyền phần tử ô nhiễm dọc theo khoang máy bay.

Phòng lây bệnh trên máy bay: Không khí được thay mới 2-3 phút một lần nên trong lành hơn nhiều ở nhà và cơ quan, rửa tay có tác dụng hơn đeo khẩu trang - Ảnh 2.

Các luồng khí được thiết kế để đưa vào tàu bay theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới và lưu thông theo chiều ngang, không theo chiều dọc thân tàu bay. Ảnh: Vietnam Airlines.

Hiện nay các nhà khoa học cho rằng virus covid-19 lây nhiễm người sang người thông qua các giọt nhỏ (VD nước mũi, nước bọt khi ho hoặc hắt xì), các giọt nhỏ này không bị ảnh hưởng bởi dòng lưu thông của không khí nên chúng thường rơi xuống khá gần điểm xuất phát, thường là không quá 1 mét.

Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa “tiếp xúc gần” với một người nhiễm bệnh trên chuyến bay tức là ngồi trong phạm vi từ 2 tới 3 hàng ghế cạnh người nhiễm bệnh đó. Rủi ro bị lây nhiễm khi ngồi ngoài khoảng bán kính này là rất nhỏ.

Phi công người Mỹ Patrick Smith - tác giả của trang blog nổi tiếng Ask The Pilot cho biết hệ thống lọc khí trên máy bay có thể loại bỏ từ 94% đến 99,9% các vi sinh vật trong không khí. Ông cũng khẳng định rằng việc không khí trên tàu bay được thay mới 2-3 phút một lần là thường xuyên hơn rất nhiều so với không khí ở văn phòng, rạp chiếu phim hay lớp học.

Ông Howie Weiss, Giáo sư sinh học và toán học tại Đại học bang Pennsylvania cũng là một chuyên gia về nguy cơ lây nhiễm trên máy bay. Khi còn dạy ở Viện Công nghệ Georgia 5 năm trước, ông từng thực hiện một nghiên cứu về cơ chế lây bệnh truyền nhiễm trong cabin máy bay, nghiên cứu do hãng chế tạo máy bay Boeing tài trợ.

Nghiên cứu đã khảo sát 10 chuyến bay nội địa nước Mỹ có thời gian từ 3 đến 5 giờ và chở tổng cộng 1.500 hành khách + phi hành đoàn. Các chuyến bay này sử dụng dòng Boeing 757 một lối đi.

“Chúng tôi cử 10 học viên cao học lên mỗi chuyến bay với nhiệm vụ ghi lại tất cả hành vi, tần suất di chuyển và vị trí của mọi hành khách và phi hành đoàn trong khoang phổ thông. Dữ liệu này cho biết ai đang ở trong bán kính 1 mét của một người khác tại mỗi thời điểm. Chúng tôi thực hiện mô hình hóa thực tế dựa theo số liệu thu thập được”, Giáo sư Howie Weiss nói.

Nghiên cứu này tập trung vào cơ chế lan truyền bệnh cúm hoặc các bệnh hô hấp khác chủ yếu thông qua các giọt nhỏ.

“Các giọt nhỏ sẽ rơi trong khoảng 1 mét tính từ vị trí người ho/hắt xì”, Giáo sư Weiss nói. “Xác suất một người ốm lây bệnh cho một hành khách khác ngồi trong bán kính 1 mét là khá cao nhưng với những hành khách ngồi xa hơn thì tương đối nhỏ”.

Phòng lây bệnh trên máy bay: Không khí được thay mới 2-3 phút một lần nên trong lành hơn nhiều ở nhà và cơ quan, rửa tay có tác dụng hơn đeo khẩu trang - Ảnh 3.

Ngồi gần cửa sổ, cách lối đi hơn 1 mét sẽ làm giảm đáng kể khả năng lây bệnh trên chuyến bay. Ảnh: Getty Images.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ghế ngồi gần cửa sổ là vị trí thích hợp nhất cho những hành khách muốn giảm thiểu rủi ro lây bệnh bởi vì cửa sổ ở xa lối đi và có ít tiếp xúc gần với người khác.

Ngược lại, những người ngồi ở hàng ghế sát lối đi sẽ luôn ở trong bán kính 1 mét của bất kì ai di chuyển dọc theo thân máy bay, có thể là phi hành đoàn đang phục vụ hành khách hoặc các hành khách đi vệ sinh, …vv…

Tuy nhiên nếu loại tàu bay đang ngồi có cấu hình kiểu hai hàng ghế ở mỗi bên (không phải ba hàng như thông thường) thì vị trí gần cửa sổ vẫn sẽ ở trong phạm vi 1 mét tính từ lối đi và do vậy chỗ ngồi này không còn ý nghĩa giảm rủi ro lây bệnh nữa.)

Nghiên cứu của Giáo sư Weiss không bao quát được các kịch bản lây bệnh gián tiếp, ví dụ như hành khách ho vào tay rồi dùng bàn tay đó cầm tay nắm cửa phòng vệ sinh, một hành khách khác cũng cầm vào tay nắm cửa rồi vô tình đưa tay lên mặt và bị lây bệnh.

Đường lây truyền kiểu này có thể dễ dàng được ngăn chặn bằng cách rửa tay đúng cách thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước khử trùng chuyên dụng.

Phi công Patrick Smith cho biết: “Nếu bạn không ngồi rất gần một người có bệnh, xác suất bạn bị lây bệnh trên chuyến bay là rất thấp. Và nếu có bị lây bệnh qua chuyến bay thì đó là bởi những thứ tay chạm vào chứ không phải vì bầu không khí mà mũi hít thở. Nước khử trùng có lẽ là vũ khí bảo vệ hiệu quả hơn những chiếc khẩu trang trên chuyến bay”.

Theo tờ SCMP, một vài lưu ý tự bảo vệ mình, tránh lây nhiễm bệnh trên chuyến bay bao gồm:

- Tránh ngồi gần những người có triệu chứng bệnh hô hấp

- Chọn ghế gần cửa sổ, cách xa lối đi

- Tránh đi lại trên tàu bay

- Hạn chế chạm tay vào các đồ vật trên tàu bay

Sử dụng nước khử trùng khi quay về chỗ ngồi sau khi sử dụng phòng vệ sinh. Bạn có thể đã rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh nhưng sau đó bạn có thể lại chạm vào tay nắm cửa hoặc các bề mặt có tác nhân gây bệnh khác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phong-lay-benh-tren-may-bay-khong-khi-duoc-thay-moi-2-3-phut-mot-lan-nen-trong-lanh-hon-nhieu-o-nha-va-co-quan-rua-tay-co-tac-dung-hon-deo-khau-trang-20200217233333777.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/