Người dân Đà Nẵng rao bán nhà, ô tô để trả lãi ngân hàng vì khách sạn kinh doanh ế ẩm

Trước áp lực nợ vay ngân hàng, người dân ở Đà Nẵng rao bán nhà, ô tô, vay nóng để giữ khách sạn hoặc quyết định bán luôn khách sạn.

Năm 2019, du lịch Đà Nẵng phát triển, bà Thư (người viết đã đổi tên nhân vật) vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng để xây dựng khách sạn và căn hộ cho thuê, với số lượng 20 phòng.

Khách sạn của bà Thư hoàn thành vào cuối năm 2019, được người nước ngoài, nhân viên văn phòng thuê gần lấp đầy. Bà Thư đinh ninh, số tiền cho thuê đó dùng để trả tiền gốc và lãi nên lo lắng không nhiều.

Theo bà Thư, chưa bao giờ bà suy nghĩ đến việc dịch xảy ra và kéo dài như vậy. Khi dịch COVID-19 xảy ra năm 2020, người thuê căn hộ trả lại gần hết, bà chỉ cho thuê được 2-3 phòng, khách sạn thì ế ẩm vì không có khách.

Để duy trì hoạt động khách sạn và căn hộ, bà Thư đã giảm 60% giá thuê nhưng vẫn ế ẩm. Để có tiền lãi ngân hàng hàng tháng, bà Thư đã rao bán nhà.

Hiện nay, bà Thư phải vay mượn nóng bên ngoài, của họ hàng, dùng tiền kinh doanh lĩnh vực khác của gia đình để gắng gượng trả lãi vay.

Một trường hợp khác là bà Hạnh, sở hữu hai khách sạn ở Đà Nẵng cũng đang đau đầu gần hai năm qua vì dịch bệnh. 

Bà cũng là người đi vay ngân hàng để có tiền xây dựng khách sạn, hoạt động khi Đà Nẵng hút khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc những năm trước.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bất ngờ khiến bà Hạnh phải cầm cố nhiều tài sản, bán cả ô tô để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Bà Hạnh đã rao bán khách sạn từ năm 2020 đến nay nhưng chưa có người mua.

Đà Nẵng: Người dân phải rao bán nhà để giữ khách sạn - Ảnh 1.

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng rao bán chủ yếu ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Chu Lai).

Theo ghi nhận của người viết, tại Đà Nẵng, từ năm 2020 đến nay, hàng trăm khách sạn 2-3 sao, có khách sạn 4-5 sao cũng được rao bán. Có khách sạn rao bán kéo dài gần hai năm qua, giá đã giảm đến cả chục tỷ đồng nhưng chưa bán được.

Trao đổi với người viết, một môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, chia sẻ công ty của bà nhận ký gửi hơn 20 khách sạn, căn hộ cho thuê, trong đó 6 khách sạn 4 - 5 sao để bán. Tuy nhiên, trong nửa năm qua, chỉ có hai khách sạn hai sao được giao dịch thành công, giá cũng được đàm phán giảm 10-15%.

"Chủ khách sạn bị áp lực lãi và nợ vay ngân hàng nên phải bán lỗ nhưng còn bị ép giá, đó là thực trạng bán khách sạn thời gian qua. Họ bảo bán được sớm còn ngủ được yên giấc, trút gánh nặng chứ mỗi tháng gánh lãi gần cả trăm triệu, không chịu nổi", môi giới này nói.

Đầu tháng 6 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP Đà Nẵng cũng đã thông tin đấu giá một khách sạn trên đường ven biển quận Sơn Trà, giá khởi điểm hơn 74 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, một ngân hàng lớn cũng đã thông báo phát mại khách sạn đó. Hiện nay, khách sạn này vẫn chưa có người mua.

Đà Nẵng: Người dân phải rao bán nhà để giữ khách sạn - Ảnh 2.

Thông tin hàng chục khách sạn được rao bán do một sàn giao dịch bất động sản đăng tải. (Ảnh chụp màn hình Alonhadat.com.vn).

Đại diện Sàn giao dịch bất động sản VRM Đà Nẵng, cho biết: "Hiện tại sàn đang nhận bán 165 khách sạn, là hàng tồn kho năm 2020, còn phát sinh thêm trong đợt dịch mới năm 2021 là không nhiều".

Theo nhận định của đại diện sàn này, đầu năm 2021, giá BĐS tại Đà Nẵng giảm 5%, số lượng giao dịch có tăng nhẹ.

Về phân khúc khách sạn, số lượng giao dịch có tăng nhưng giá lại không tăng từ đầu năm 2021 đến nay.

"Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư quan tâm mua khách sạn ở Đà Nẵng nhưng đa số nhà đầu tư chỉ mua những khách sạn bán giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Có khách sạn chủ đang kẹt nợ ngân hàng, đang áp lực tài chính rất lớn thì luôn luôn bị nhà đầu tư ép giá, mua với giá hời", đại diện Sàn giao dịch bất động sản VRM nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguoi-dan-da-nang-rao-ban-nha-o-to-de-tra-lai-ngan-hang-vi-khach-san-kinh-doanh-e-am-20210714102929521.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/