Ngành tiêu Ấn Độ đối mặt với 'thù trong, giặc ngoài'

Không tính nhập khẩu giá rẻ, 20.000 tấn hạt tiêu đã được đưa vào Ấn Độ một cách bất hợp pháp trong 5 tháng.

Trận lụt năm 2018 đã phá hủy vụ hồ tiêu tại Ấn Độ. Hạn hán sau đó cũng khiến tình hình không thuận lợi. Dịch bệnh ảnh hưởng đến cây tiêu và giá giảm mạnh làm mọi việc trở nên phức tạp hơn.

"Sản lượng hạt tiêu giảm sau khi lũ lụt. Hạn hán gây ra các bệnh nấm như héo nhanh và héo mềm", theo ông Kishore Shamji Kuruwa, người đứng đầu Hiệp hội Thương nhân, Nông dân, Nhà sản xuất và Người trồng Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ.

Sản lượng hạt tiêu đen trung bình tại Ấn Độ trong hai năm trước là khoảng 18.000 - 22.000 tấn, gồm 12.000 - 13.000 tấn ở Idukki và 5.000 - 7.000 tấn ở Wayanad. Tuy nhiên, sản xuất đã giảm còn 75 - 80% ở Wayanad và 25 - 30% ở các huyện của Idukki trong mùa này, ông Kishore Shamji Kuruwa cho hay.

Nguy cơ dịch bệnh

Hàng trăm mẫu đất trồng tiêu tại Ấn Độ đang bị đe dọa bởi bệnh héo nhanh do tình trạng hạn hán vẫn còn phổ biến.

"Tôi đã trồng lại những cây tiêu trên ba mẫu đất vào 4 năm trước, trong đó những cây trên một mẫu đất đã bị tàn phá bởi bệnh héo nhanh, ông George, một nông dân từ Nadavayal ở Wayanad cho biết. Dịch bệnh này lan truyền rộng rãi trong tình trạng gần như hạn hán sau lũ lụt, ông nói. Ông George đã chi hơn 4,5 triệu rupee để trồng tiêu.

Theo Reji Thomas, một nông dân từ Vazhavatta, ông đã thu về 3 tạ hạt tiêu đen từ hai mẫu đất của mình nhưng hầu hết các cây đã bị phá hủy nhanh chóng. Giá hạt tiêu đã giảm từ 760 rupee/kg trong năm 2016 xuống còn 400 rupee vào năm ngoái. Hôm 15/3, giá hạt tiêu tại cổng nông trại ở Wayanad là 300 - 310 rupee.

"Giá tiêu tại cửa nông trại đã đạt 500 rupee trong cùng kì năm ngoái", ông M.C. Abdu, một đại lý hồ tiêu ở Wayanad, cho hay.

Theo Cơ quan quản lý Gia vị, tổng sản lượng hạt tiêu ở nước này trong năm tài khóa vừa qua là khoảng 55.000 tấn, gồm 20.000 tấn từ Kerala, 10.000 tấn từ Tamil Nadu và phần còn lại từ Karnataka. Tiêu thụ trong nước đạt khoảng 55.000 tấn một năm.

Ngành tiêu Ấn Độ đối mặt với thù trong, giặc ngoài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tác động từ bên ngoài

Hơn 32.000 tấn hạt tiêu đã được nhập khẩu trong năm 2018, theo ông Kishore.

"Trong đó, 20.000 tấn đến từ Sri Lanka và phần còn lại từ Việt Nam, Indonesia và Brazil, chủ yếu được sử dụng để tái xuất".

Bộ Thương mại Ấn Độ đã ấn định giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) đối với hạt tiêu ở mức 500 rupee/kg vào tháng 12/2017 để hạn chế nhập khẩu. Khi hoạt động nhập khẩu vẫn tiếp tục với sự trợ giúp từ các lỗ hổng, cơ quan này sửa đổi các hạn chế một vài tháng trước. Tuy nhiên, điều đó không mang lại kết quả tích cực, ông Kishore nói.

Hơn 6.000 tấn hạt tiêu đã được nhập khẩu trong năm ngoái cho mục đích tiêu thụ nội địa và tái xuất ngay cả sau khi các qui định được sửa đổi.

"Dòng xoáy tiêu nhập khẩu từ Việt Nam qua Sri Lanka là nguyên nhân chính khiến giá giảm tại thị trường Ấn Độ", theo ông Ab Abdu. Hạt tiêu rẻ hơn từ Việt Nam tiếp tục tràn ngập thị trường qua Sri Lanka, được hỗ trợ bởi một cơ cấu thuế quan thấp theo Hiệp ước Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ (ISFTA).

Cơn lũ hạt tiêu nhập lậu trên thị trường Ấn Độ từ Việt Nam qua Bangladesh, Myanmar và Nepal, qua cảng Kolkata, gây ra mối đe dọa lớn cho ngành tiêu, ông nói. Giao dịch như vậy cũng tránh thanh toán GST (thuế hàng hóa và dịch vụ). Gần 20.000 tấn hạt tiêu đã đến quốc gia này một cách bất hợp pháp trong 5 tháng qua.

Ấn Độ đã nhập khẩu 2.337 tấn hạt tiêu từ Việt Nam trong tháng 12/2018, tăng 23% so với tháng trước đó, theo Cogencis.

Giá hạt tiêu giảm gần 20% trong một năm

Giá đã giảm còn khoảng 324 rupee/kg từ khoảng 390 rupee/kg một năm trước và có thể còn giảm sâu hơn nữa.

"Tuy nhiên, trong vài ngày qua, khối lượng nhập khẩu đã chững lại và giá có thể không xuống dưới 300 rupee/kg", ông Kishor Shamji, một nhà xuất khẩu lớn, cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-tieu-an-do-doi-mat-voi-thu-trong-giac-ngoai-20190319083146379.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/